Thứ năm, 23/4/2015, 22h04

Giáo dục đạo đức cho học sinh: Hình thành hành vi có tác dụng tốt hơn giảng lý thuyết

Ngày 25-4, tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám (Q.7), Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Phòng GD-ĐT Q.7 sẽ tổ chức hội thảo “Giáo dục tri thức gắn với giáo dục đạo đức, lối sống trong nhà trường hướng đến xây dựng văn hóa trường học - thực trạng và giải pháp”.
“Với những nguyên nhân rất đơn giản như nói xấu, nhìn đểu hay thấy không ưa nhau, học sinh (HS) cũng có thể đánh nhau. Thực tế này cho thấy, việc nghiên cứu vấn đề đạo đức HS từ nhà trường đến gia đình và xã hội càng trở nên cấp thiết nhằm đưa ra các giải pháp khả thi giúp cho hoạt động giáo dục trong nhà trường hiệu quả hơn, góp phần đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực. Đồng thời, đánh giá đúng vai trò chức năng của hiệu trưởng trong việc thực hiện giáo dục tri thức gắn với giáo dục đạo đức lối sống trong nhà trường, hướng đến xây dựng văn hóa trường học trong tình hình hiện nay”, ông Ngô Xuân Đông - Trưởng phòng GD-ĐT Q.7 nhấn mạnh.
Theo TS. Đinh Phương Duy- Phó giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM - thì: Thực tế, HS có thể thuộc lòng những chuẩn mực, giá trị đạo đức, làm bài kiểm tra đạt điểm rất cao, thậm chí có điểm tuyệt đối nhưng HS ấy vẫn có thể gây ra tội lỗi, vẫn có thể có hành động vô đạo đức. Có hiểu biết về đạo đức không có nghĩa là HS sẽ cư xử và hành động hợp đạo đức. Nhận thức đạo đức là điều kiện cần nhưng chưa đủ để hình thành các hành vi đạo đức. Để thực hiện một hành vi đạo đức, ngoài vấn đề nhận thức được các giá trị đạo đức còn cần phải có tình cảm đạo đức. Vì vậy, nếu chỉ quan tâm đến việc giảng dạy, cung cấp kiến thức về đạo đức, về giá trị làm người, về tầm quan trọng của đạo đức thì việc giáo dục tình cảm đạo đức nói riêng và giáo dục hành vi đạo đức nói chung cho HS sẽ không có nhiều kết quả. Giáo dục đạo đức cho HS cần tổ chức các hoạt động đa dạng lồng ghép với việc tổ chức giảng dạy trên lớp thông qua việc hình thành những hành vi đạo đức cụ thể sẽ có tác dụng tốt hơn nhiều những bài giảng lý thuyết…
Xoay quanh chủ đề của hội thảo, TS. Huỳnh Công Minh - nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - khẳng định: “Để có một nhà trường tiên tiến, con đường tốt nhất là thực hiện những giải pháp mang tính văn hóa thay vì những hình thức kỷ luật, răn đe nặng nề. Sống có văn hóa, con người thể hiện được sự văn minh trong xã hội, trong nhà trường và tất nhiên ở đó có kỷ luật, chấp hành luật pháp và các qui chế của nhà trường. Nếu nhà trường không tích cực xây dựng văn hóa học đường, đó sẽ là một sự thiếu sót”.
Vậy làm sao để xây dựng văn hóa học đường?
Theo TS. Huỳnh Công Minh, văn hóa học đường bao gồm văn hóa của giáo viên, của HS và của nhà quản lý, thống nhất theo một hệ thống giá trị được tập thể tôn vinh.
“Giáo dục tri thức thường được gọi là dạy học, là hoạt động giáo dưỡng, bao giờ cũng phải gắn chặt với giáo dục. Vì trong thực tế cuộc sống không ai tách rời 2 lĩnh vực này, nhất là khi Đảng và Nhà nước đã đề cao việc dạy người thay vì dạy chữ đối phó với thi cử. Do vậy, để gắn giáo dục tri thức với giáo dục đạo đức, lối sống trong nhà trường một cách tích cực và hiệu quả, trước hết người giáo viên phải nhận thức tốt vai trò của mình trong thiên chức dạy người; nắm chắc tôn chỉ, mục đích, yêu cầu của nhà trường về hệ thống giá trị cần xây dựng; nắm sát đối tượng HS và hệ thống chương trình bộ môn; nâng cao năng lực thiết kế bài dạy súc tích, nhẹ nhàng, thu hút và hiệu quả”, ông Minh nhấn mạnh.
Kim Anh