Thứ năm, 24/4/2014, 00h04

Trường học trên quần đảo Trường Sa: Nghĩa tình đất liền - biển đảo

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM (thứ 2 từ trái sang) trao tặng 8 tỷ đồng cho xã đảo Song Tử Tây, phục vụ việc xây trường học
Hơn 8 tỷ đồng được đóng góp từ tấm lòng của tất cả giáo viên, HS, cán bộ viên chức ngành GD-ĐT TP.HCM dành cho Trường Sa - quần đảo chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc...
Và sẽ chẳng bao lâu nữa, một ngôi trường mái ngói đỏ tươi phục vụ cho nhu cầu học tập và sinh hoạt của con em nhân dân và các chiến sĩ hải quân, nhà giàn DK sẽ được xây dựng trên đảo Song Tử Tây từ chính những tấm lòng đó.
Nghĩa cử cao đẹp
Theo ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác HSSV Sở GD-ĐT TP.HCM: Ngành GD-ĐT luôn nhận thức được việc tuyên truyền, giáo dục về biển đảo có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục ý thức HS về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lòng yêu nước và tự hào dân tộc. Bắt đầu từ năm học 2011-2012, trong các văn bản chỉ đạo, sở đều có những chủ trương, giải pháp rất cụ thể yêu cầu các đơn vị giáo dục tăng cường hoạt động tuyên truyền, giáo dục biển đảo trong các cán bộ, giáo viên, HSSV toàn thành phố. “Từ việc tổ chức các buổi sinh hoạt giao lưu về chủ đề biển đảo, các tiết học lồng ghép các clip về đời sống nhân dân trên quần đảo Trường Sa, chiến sĩ trên các nhà giàn DK1, các em HS đã có sự cảm nhận sâu sắc về những khó khăn, thiếu thốn mà nhân dân, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa đang vượt qua để giữ vững chủ quyền đất nước. Khi tình yêu quê hương, biển đảo đã thấm nhuần trong suy nghĩ của mỗi HS, giáo viên, sở quyết định vận động quỹ “Vì Trường Sa thân yêu - vì tuyến đầu Tổ quốc” nhằm xây dựng một trường học cho HS Trường Sa trên đảo Song Tử Tây, hòn đảo lớn và có vị trí chiến lược quan trọng tại quần đảo Trường Sa”.
Quả thực, ngay khi chương trình được phát động từ đầu năm học 2012-2013, các giáo viên, HS đã không ngần ngại chia sẻ khoản tiền ít ỏi của mình như một nghĩa cử cao đẹp hướng về vùng “biên giới” giữa biển khơi. Ai cũng hiểu rằng, việc xây trường là thể hiện tình cảm tri ân và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và HSSV thành phố đối với biển đảo quê hương. Từ những đồng lương, những con heo đất, đêm văn nghệ, ngày hội gây quỹ… số tiền ít ỏi ấy cứ ngày một nhiều thêm. Nhiều đơn vị trường học còn vận động cả phụ huynh, mạnh thường quân cùng chung tay đóng góp khiến phong trào ngày càng được lan rộng.
Gắn kết tình đất liền - biển đảo

Các em nhỏ trong độ tuổi đi học đang sống trên xã đảo Song Tử Tây

Sau gần 2 năm thực hiện phong trào quyên góp với số tiền hơn 8 tỷ đồng, sáng 10-4 cán bộ ngành GD-ĐT TP.HCM phối hợp với UBND huyện Trường Sa (Khánh Hòa) đã tổ chức lễ khởi công khu trường học phục vụ con em trên đảo. Công trình xây dựng với diện tích gần 300m2 gồm 5 phòng học phục vụ nhu cầu học tập của con em nhân dân, chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây và các đảo gần đó. Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: Sau khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, sở sẽ phối hợp cùng lãnh đạo ngành GD-ĐT huyện Trường Sa để tiếp tục hỗ trợ về chuyên môn, trang thiết bị hiện đại, đồ dùng giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy cho giáo viên và HS tại Trường Song Tử Tây. Điều này có nghĩa: Sợi dây gắn kết giữa Trường Sa với giáo viên, HS TP.HCM sẽ tiếp tục được nối dài, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó và giúp đỡ lẫn nhau trong bất cứ hoàn cảnh nào như truyền thống tốt đẹp mà thế hệ cha ông ngàn đời để lại.
Trong chuyến đi kéo dài 10 ngày, đoàn cũng đã tới thăm hỏi, động viên cán bộ chiến sĩ, nhân dân ở các đảo Song Tử Tây, Đá Nam, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Len Đao, Trường Sa Lớn, nhà giàn DK1, dâng hương tại Đài liệt sĩ Trường Sa (đảo Trường Sa Lớn), tổ chức lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh ở Trường Sa và khu vực DK1. Đặc biệt, đoàn công tác cũng đã tổ chức lễ Giỗ Quốc tổ Hùng Vương và thắp hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh… trên quần đảo Trường Sa.
Bài, ảnh: Linh Vy