Thứ ba, 16/9/2014, 21h09

Vụ bạo hành ở Bình Dương: Vết sẹo tâm hồn

Bé Ngân được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bình Dương

Trẻ em đang bị bạo hành ngày một nhiều, đau xót thay nhiều trẻ lại bị bạo hành bởi chính cha mẹ ruột. Câu chuyện đau lòng của cô bé Trần Thị Kim Ngân (trước khai là Đỗ Thị Kim Ngân - PV) tại Bình Dương vừa qua hiện đang là mối quan tâm của dư luận.
Nhìn gương mặt của Ngân, người ta xót xa chợt nghĩ đến một Hào Anh, một Đỗ Doãn Lộc ngày nào. Những vết sẹo trên cơ thể các em theo thời gian sẽ lành lại nhưng những vết sẹo tâm hồn sẽ theo các em đi suốt cuộc đời. Đó là nhận xét của thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó giám đốc, chuyên gia về bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam).
BS. An khẳng định: Bé Ngân bị hành hạ rất tàn bạo. Bé đã bị chấn thương sọ não. Nhưng vì bé còn nhỏ tuổi, xương sọ vẫn còn độ “nhún” nên bé mới thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Câu chuyện này còn làm nhớ lại sự việc đau xót của cô bé Nguyễn Thị Hảo (SN 2005, huyện Phước Long, Bình Phước) từng bị mẹ ruột “răn đe” bằng cách cắt đứt gân chân, gân tay.
PV: Từ sự việc của các bé, ông có suy nghĩ gì?
Tôi trách bố mẹ các em nhưng cũng phải trách chính quyền sở tại. Tại sao chính quyền không biết việc này, phải đến khi hàng xóm tới can ngăn và đưa bé Ngân đến viện thì chính quyền mới biết. Đây chính là lỗ hổng bảo vệ trẻ em ở cộng đồng. Chúng ta đã không làm tốt công tác phòng ngừa. Chúng ta cũng phải lên án hàng xóm, láng giềng. Bé Ngân hay các bé bị bạo hành trước đây đều bị cha mẹ bạo hành trong một thời gian dài, hàng xóm láng giềng nghe các em kêu khóc phải biết. Nhưng đây chính là câu chuyện về sự vô cảm trước đồng loại trong xã hội hiện nay.
Người đời có câu “Hổ dữ còn không ăn thịt con”, nhưng hiện nay, có những người bố, người mẹ có thể nhẫn tâm đánh chết con mình (như trường hợp bé Đỗ Doãn Lộc, 8 tuổi ở Bắc Ninh) hoặc đánh con chấn thương sọ não như bé Ngân. Theo ông, tại sao lại có những hiện tượng này xảy ra?
Tôi là bác sĩ nhi khoa nhưng có nghiên cứu về vấn đề tâm lý. Đây là vấn đề đáng suy nghĩ trong xã hội hiện nay, những sức ép xã hội như kinh tế, các chất gây nghiện... tác động xấu đến tinh thần, ảnh hưởng đến hành vi đạo đức con người. Ban đầu chỉ là những sang chấn về tâm lý, nhưng những sang chấn ấy diễn ra thường xuyên trở thành rối nhiễu tâm trí và sẽ bùng phát nếu gặp môi trường thuận lợi. Từ trước tới nay, nhiều người vẫn nghĩ “yêu cho roi cho vọt” và mức độ “dạy con” cứ tăng dần lên, đó cũng là một phần của sự thiếu hiểu biết. Có thể do bố mẹ trình độ văn hóa thấp nên nghĩ rằng đánh con thì con sẽ dần hiểu biết, dần ngoan hơn. Nhưng thực tế, chỉ có tình yêu thương, chỉ bảo từ từ mới là điều cần thiết để bồi đắp tâm hồn con trẻ. Để giải quyết nguyên nhân đó cần sự tuyên truyền, giáo dục kỹ năng xây dựng, chăm sóc gia đình trong dòng tộc, cộng đồng. 
Vậy căn nguyên của vấn đề này là do đâu, thưa ông?
Tôi nghĩ, cội rễ của mọi vấn đề từ việc thiếu quan tâm chăm sóc trẻ em đến bạo hành trẻ em... là do đói nghèo nên không có điều kiện chăm sóc con. Muốn giải quyết được cội rễ thì phải giải quyết được tổng thể. Các cơ quan, đoàn thể phải hướng nghiệp cho các ông bố, bà mẹ làm thế nào xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình để không bị áp lực về kinh tế dẫn đến nảy mầm những chuyện hung bạo.
Việc dạy dỗ con cái bằng đòn roi liệu có phải là một môi trường “dung dưỡng” cho cái ác?
Đó là do môi trường tạo cơ hội cho “cái ác” bùng phát. Ví dụ như trường hợp của em Hào Anh. Nếu Hào Anh sinh trưởng trong môi trường được giáo dục tốt thì những ám ảnh về đòn roi sẽ không có điều kiện bùng phát. Chắc chắn em sẽ không có những hành động như vừa qua. Bạo lực sẽ nảy sinh bạo lực. Những rối nhiễu về tâm lý sẽ ảnh hưởng đến các em sau này. Những tổn thương ấy không chỉ trên cơ thể mà tổn thương cả tâm lý. Những vết sẹo trên cơ thể của bé Ngân hay Hào Anh có thể chữa trị khỏi hoặc thẩm mỹ để đẹp hơn. Nhưng vết sẹo trong tâm hồn sẽ kéo dài, đeo đẳng các em suốt cuộc đời. Đặc biệt, bé Ngân bị bố mẹ hành hạ tàn bạo khi mới 4 tuổi có thể sẽ gây rối nhiễu về tâm thần lâu dài.
Với những trường hợp như bé Ngân, chúng ta nên giải quyết như thế nào?
Theo tôi, phương thức tốt nhất hiện nay cho bé là được gia đình, người thân cùng huyết thống nhận về chăm sóc. Nếu không được thì có ai đó nhận nuôi cũng tốt hoặc cố gắng vận động tìm cha mẹ nuôi cho bé. Cuối cùng mới đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Phải có chuyên gia tâm lý hỗ trợ, giúp bé Ngân đi học và có kế hoạch dài hơi để chăm sóc, giúp em thoát khỏi ám ảnh, sang chấn tâm lý, tâm thần.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê (Thực hiện)