Chủ nhật, 11/5/2014, 23h05

Vụ giải thể Trường THPT Lý Tự Trọng vào năm 2017: Cần hiểu đúng sự việc

Giáo viên Trường THPT Lý Tự Trọng tâm tư trước việc trường sẽ giải thể vào năm 2017
Trên số báo 1.447 ra ngày thứ sáu (9-5-2014), Giáo dục TP.HCM đã có bài viết liên quan tới việc giải thể Trường THPT Lý Tự Trọng (THPT LTT), trực thuộc Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng (CĐKT LTT) với tựa đề Việc giải thể Trường THPT Lý Tự Trọng: Phù hợp với tình hình thực tế. Ngày 9-5 lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM đã có buổi đối thoại thẳng thắn, cụ thể về chủ trương này với cán bộ, giáo viên, công nhân viên (CB, GV, CNV)  và phụ huynh học sinh (PHHS) Trường THPT LTT.
Chưa hiểu rõ nên tâm tư
Điều cốt lõi của việc giải thể Trường THPT LTT là theo điều lệ trường trung học thì nhà trường phải đủ điều kiện về cơ sở vật chất, có khuôn viên riêng biệt, có tài khoản riêng, có hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng nhưng Trường THPT LTT không có được những điều đó, đất đai thì nằm chung trong khuôn viên Trường CĐKT LTT, nhân sự thì do Trường CĐKT LTT cử một phó hiệu trưởng của trường phụ trách trường phổ thông. Theo quy chế thì không cho phép trường phổ thông trực thuộc trường CĐ. Như vậy, về mặt pháp lý, sự tồn tại của trường là không ổn.
Tiếp xúc với phóng viên báo đài, cô Nguyễn Hồng Thanh (GV văn Trường THPT LTT), cho biết: “Tôi gắn bó với ngôi trường này ngay từ ngày đầu thành lập, biết bao kỷ niệm, và chất lượng giảng dạy của trường đang ngày một đi lên nhưng bất ngờ biết thông tin trường bị giải thể, tôi và đồng nghiệp, HS rất buồn”. Còn cô Phạm Thị Hà (GV văn lớp 10) tâm sự: “Tôi đang nghỉ thai sản, ông xã đang công tác ngoài đảo Trường Sa khi biết tin trường bị giải thể, tôi vội đến trường để tìm hiểu sự việc, tôi lo nhất là công việc nếu giải thể, tôi và đồng nghiệp sẽ về đâu, ở TP chỉ có một mẹ một con nếu phải về trường khác xa nơi cư trú sẽ rất khó khăn cho công việc và chăm sóc con nhỏ”.
HS Nguyễn Thị Chí Linh (lớp 12A6) cho biết: “Biết tin trường bị giải thể, em và các bạn trong lớp rất buồn và thấy thương các thầy cô, nhất là những thầy cô đã gắn bó lâu năm với trường. Thời gian gần đây các thầy cô rất tâm tư và buồn nhiều lắm”. Cô Thanh kiến nghị: “Việc trường lớp chưa đủ cho đầu vào bậc THPT, chúng tôi mong muốn lãnh đạo Sở GD-ĐT cho trường được tiếp tục tuyển sinh năm học 2014-2015 và sở cần tham mưu cho UBND TP có phương án khác, thay thế cho phương án giải thể Trường THPT LTT như xây mới Trường THPT LTT tại một địa điểm khác rồi di dời cơ sở của trường hiện hữu ra đó là hợp lý nhất và CB, GV, CNV chúng tôi sẽ yên tâm công tác”.
Tân Bình, Tân Phú: Sẽ có 34 trường THPT
Sau khi kết thúc buổi đối thoại, lãnh đạo sở và trường đã có buổi họp báo với phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí. Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Hiện nay TP.HCM đã đầu tư ngân sách để nâng cấp, mở rộng và xây mới rất nhiều trường lớp trên địa bàn các quận nội thành, hệ thống các trường tư thục, TCCN, TTGDTX trên địa bàn cũng rất phát triển, đủ sức đáp ứng nguyện vọng học tập của HS TP. Bên cạnh đó việc tồn tại Trường THPT LTT thuộc Trường CĐKT LTT là không đúng các quy định theo điều lệ trường THPT, cũng không phù hợp điều lệ trường CĐ (trường THPT tồn tại trong trường CĐ) nên việc giải thể Trường THPT LTT là cần thiết và phù hợp các quy định hiện hành của ngành. Tuy nhiên, việc giải thể cũng làm theo lộ trình từ nay đến 2017; Sở GD-ĐT yêu cầu lãnh đạo Trường CĐKT LTT tập trung hướng dẫn Trường THPT LTT xây dựng đề án, xác định lộ trình thực hiện chủ trương của UBND TP gửi Sở GD-ĐT chậm nhất là ngày 14-5-2014.
Ông Văn Công Sang - Hiệu trưởng Trường CĐKT LTT (nguyên Trưởng phòng Tổ chức Sở GD-ĐT TP) - cũng cho biết: Rất nhiều thầy cô gắn bó với ngôi trường THPT LTT từ ngày đầu mới thành lập phân hiệu, tình cảm gắn bó là có và việc phải điều chuyển sang một cơ quan mới, ai cũng có tâm trạng là đúng. Tuy nhiên, việc giải thể THPT LTT là đúng với điều lệ trường phổ thông và điều lệ trường CĐ do Bộ GD-ĐT quy định. “Thầy cô hãy yên tâm công tác, việc điều chuyển GV về trường khác là trong tầm tay và trách nhiệm của Sở GD-ĐT, không thầy cô nào vì việc giải thể THPT LTT mà nghỉ việc hoặc phải đi xa không đúng nguyện vọng của mình. Bên cạnh đó, với trách nhiệm của Hiệu trưởng nhà trường, tôi sẽ nỗ lực tham mưu cho lãnh đạo sở về việc phân bổ, điều chuyển GV”, ông Sang nhấn mạnh.
Ông Mai Phương Liên - Phó trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GD-ĐT cũng khẳng định: “Việc tuyển sinh lớp 10 của TP từ năm học 2014-2015, cả 24 quận, huyện trên địa bàn TP đều phải thi tuyển. Đặc biệt, căn cứ vào tình hình cơ sở vật chất, trường lớp và số lượng HS lớp 9 năm học 2013-2014 thì tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 công lập trên địa bàn TP năm học 2014-2015 sẽ là 81,79%. Như vậy, việc dừng tuyển sinh của Trường THPT LTT không ảnh hưởng đến tỷ lệ tuyển sinh lớp 10 năm học 2014-2015”. Ngoài ra, “Theo quy hoạch phát triển trường lớp từ 2015-2020 của hai quận Tân Phú và Tân Bình sẽ có tổng cộng 34 trường THPT. Cụ thể: Quận Tân Phú sẽ có tổng cộng 29 trường THPT, gồm 8 trường THPT công lập và 21 trường THPT ngoài công lập; quận Tân Bình sẽ có tổng cộng 5 trường THPT công lập và một số trường THPT ngoài công lập khác”, ông Liên cho biết thêm.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
Không thay đổi lộ trình giải thể
Sáng 10-5, ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết: “Sau buổi đối thoại của lãnh đạo Sở GD-ĐT với CB, GV, CNV và PHHS Trường THPT LTT, lãnh đạo sở rất chia sẻ với những tâm tư của thầy cô giáo và PHHS. Tuy nhiên, như chúng tôi đã công bố, trong công văn 1540 của UBND TP.HCM về chấp thuận chủ trương giải thể Trường THPT LTT thực hiện từ năm học 2014-2017 sẽ vẫn triển khai theo chủ trương này. Riêng việc CB, GV đề xuất cho trường được tiếp tục tuyển sinh năm học 2014-2015, Sở GD-ĐT sẽ kiến nghị với UBND TP nếu UBND TP đồng ý cho trường tiếp tục tuyển sinh, Sở GD-ĐT sẽ hướng dẫn và cho trường tuyển sinh lại”.