Thứ sáu, 9/1/2009, 17h02

Trường nào đào tạo ngành công nghệ sinh học, môi trường?

Không trúng tuyển ĐH ngành quan hệ quốc tế, có trường CĐ nào đào tạo ngành này? Diện nào được bảo lưu kết quả học tập? Ngành công nghệ sinh học, công nghệ môi trường học những gì, điểm chuẩn hằng năm bao nhiêu?.... là những thắc mắc thí sinh hỏi về tuyển sinh ĐH-CĐ-TCCN 2009.

> Dự thi vào hai trường cùng khối?

> Quy trình đăng ký dự thi ĐH, CĐ như thế nào?

Thí sinh làm bài thi môn toán khối A sáng 4-7 tại điểm thi của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2008 - Ảnh: Quốc Dũng

* Con tôi đang học lớp 12 ở Biên Hòa, Đồng Nai. Cháu muốn dự thi vào Học viện Quan hệ quốc tế ở Hà Nội. Vậy tôi sẽ nộp hồ sơ ở đâu? Khi thi cháu sẽ thi ở đâu? Nếu cháu không đỗ vào ĐH thì có trường CĐ đào tạo ngành này không? (haphuonghoa2008@...; Vu Hong, vuhong8008@...)
- Thí sinh dự thi vào Học viện Ngoại giao (trước đây là Học viện Quan hệ quốc tế) nếu đang là học sinh đang học lớp 12 THPT thì học tại trường nào phải nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại trường đó, không nộp hồ sơ qua Sở GD-ĐT. Riêng thí sinh tự do nộp hồ sơ theo hệ thống của các Sở GD-ĐT và tại trường tổ chức thi. Thí sinh tự do không nộp hồ sơ tại trường THPT vì những nơi này không nhận hồ sơ.
Khi thi tuyển vào Học viện Ngoại giao, thí sinh phải ra Hà Nội dự thi. Hiện chưa có trường CĐ nào đào tạo những ngành liên quan đến ngoại giao.
* Em đang học tại một học viện, năm nay em muốn thi lại thì em phải làm những thủ tục gì để được bảo lưu kết quả học kỳ I và được thi ĐH vào năm nay? (kienoi@...; Truc Thanh, truc_thanh247@...)
- Thí sinh thuộc diện sau đây được bảo lưu: bị ốm đau, tai nạn có giấy xác nhận của bệnh viện quận, huyện trở lên; bị thiên tai có xác nhận của UBND quận, huyện trở lên; thí sinh đã dự thi và trúng tuyển vào các trường nhưng ngay năm đó có lệnh điều động đi nghĩa vụ quân sự hoặc đi thanh niên xung phong tập trung.
Theo quy định, sinh viên được bảo lưu kết quả trong thời gian một năm và trình bày cụ thể hoàn cảnh của mình trong đơn rồi nộp tại phòng đào tạo trường; sinh viên chỉ được bảo lưu sau khi có sự chấp thuận và quyết định cho phép bảo lưu. Như vậy, việc bảo lưu kết quả học tập được áp dụng cho cả năm học chứ không áp dụng cho từng học kỳ. Do đó, nếu muốn bảo lưu thì bạn phải học hết năm học.
Theo quy chế, sinh viên đang học một trường ĐH, CĐ nào đó muốn dự thi lại thì phải được sự đồng ý của ban giám hiệu trường mình đang học. Tuy nhiên, phần lớn các trường đều tạo điều kiện để sinh viên tìm đúng ngành nghề phù hợp với khả năng nên sẽ không làm khó cho bạn.
* Em muốn học ngành công nghệ sinh học và công nghệ môi trường nhưng không biết ngành này học những gì, tốt nghiệp có thể làm ở đâu? Em nên thi vào trường nào và điểm chuẩn hằng năm là bao nhiêu? (Nguyễn Phước Thành, theblue123@...)
- Ngành công nghệ môi trường đào tạo các chuyên gia nắm vững lý thuyết, thành thạo kỹ năng thực hành, tư vấn và giải quyết các vấn đề liên quan đến công nghệ kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Sinh viên được học các môn học chuyên ngành như: quản lý môi trường, sinh thái học, độc học môi trường, công nghệ xử lý khí thải và tiếng ồn, suy thoái và bảo vệ đất, quản lý chất thải rắn và nguy hại, công nghệ xử lý nước thải, công nghệ xử lý nước cấp, bản đồ học và ứng dụng GIS quản lý môi trường, công nghệ sản xuất sạch hơn, kinh tế môi trường, đa dạng sinh học, quy hoạch môi trường...
Sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ môi trường, sinh viên có thể công tác trong các đơn vị liên quan đến tư vấn và giải quyết các vấn đề thiết kế công nghệ xử lý cấp nước, xử lý nước thải đô thị và khu công nghiệp, xử lý và chôn lấp chất thải rắn và chất thải nguy hại, thiết kế công nghệ kiểm soát ô nhiễm không khí, thiết kế công nghệ sản xuất sạch hơn, thiết kế hệ thống cấp thoát nước đô thị...
Điểm chuẩn hằng năm của ngành công nghệ môi trường như sau: ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM): A: 16 - B: 24 (năm 2008), A: 16,5 - B: 20,5 (năm 2007); ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng): A: 16 (năm 2008), A: 19 (năm 2007); ĐH Công nghiệp TP.HCM: A: 15 (năm 2008), A: 17 (năm 2007); ĐH Sư phạm kỹ thuật: A: 15 (năm 2008), A: 15,5 (năm 2007); ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội): A: 18 (năm 2008), A: 19,5 (năm 2007); ĐH Bách khoa Hà Nội: A: 21 (năm 2008), A: 23 (năm 2007); ĐH Nông nghiệp 1: A: 16 - B: 20,5 (năm 2008), A: 17 - B: 20 (năm 2007)…
Cùng mang tên công nghệ sinh học, nhưng mỗi trường có những đặc điểm, thế mạnh, tiềm năng khác nhau. Như Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) chỉ tuyển sinh khối A với thế mạnh thiên về thiết kế các thiết bị, máy móc công cụ; trong khi Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) lại theo hướng hóa học và sinh học nên tuyển sinh cả hai khối A và B.
Thế mạnh của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM là thiên về nghiên cứu cơ bản, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM có thế mạnh về nghiên cứu ứng dụng, đặc biệt trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp và bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm...
Tựu trung, ngành công nghệ sinh học trang bị những kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực: công nghệ di truyền và các ứng dụng của nó, chẩn đoán phân tử dùng trong y học và pháp y, cải thiện các giống cây trồng và vật nuôi bằng chuyển gen, công nghệ enzym, chế biến thực phẩm, xử lý nước thải, sản xuất vaccine, nuôi cấy tế bào động vật, tạo giống mới, công nghệ vi sinh vật, công nghệ protein, công nghệ sinh học môi trường...
Một số chuyên ngành hiện đang đào tạo ở các trường như công nghệ vi sinh, công nghệ tế bào, công nghệ mô - công nghệ protein-enzym và kỹ thuật di truyền, công nghệ sinh học nông nghiệp, công nghệ sinh học công nghiệp, công nghệ sinh học môi trường, công nghệ sinh học thực phẩm, công nghệ sinh học y dược, tin - sinh học.
Tùy trường, sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học, sinh viên có thể là kỹ sư hoặc cử nhân. Tốt nghiệp ngành này sinh viên có thể làm việc ở các lĩnh vực: y dược (chẩn đoán bệnh, chế biến thuốc, văcxin); môi trường (xử lý môi trường, đánh giá mức độ độc hại của sản phẩm, xử lý chất thải, bảo vệ môi sinh...); nông - lâm - ngư (giống, bệnh, chất lượng), công nghiệp (lên men công nghiệp, vật liệu sinh học, thuốc, chế biến); tin - sinh học (genomics, proteomics, công nghệ protein...); thực phẩm (công nghệ chế biến thực phẩm, công nghệ bảo quản các sản phẩm sau thu hoạch, các hệ thống quản lý chất lượng thực phẩm)...
Điểm chuẩn hằng năm của ngành công nghệ sinh học như sau: ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) khối A: 18 (năm 2008), A: 21 (năm 2007); ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM): A: 20 - B: 25 (năm 2008), A: 18 - B: 24 (năm 2007); ĐH Khoa học (ĐH Huế): B: 22 (năm 2008), B: 23 (năm 2007); ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng): A: 16 (năm 2008), A: 19 (năm 2007); ĐH Tôn Đức Thắng: B: 19 (năm 2008), B: 16 (năm 2007); ĐH Cần Thơ: A: 19 - B: 21 (năm 2008), A- B: 22 (năm 2007); ĐH Nông lâm TP.HCM: A: 16 - B: 20,5 (năm 2008), A: 18 - B: 23 (năm 2007); ĐH Mở TP.HCM: A: 16 - B: 18 (năm 2008), A-B: 16 (năm 2007); ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội): B: 25 (năm 2008), B: 26 (năm 2007); ĐH Bách khoa Hà Nội: A: 21 (năm 2008), A: 23 (năm 2007); ĐH Nông nghiệp 1: A: 19 - B: 23 (năm 2008), A: 17 - B: 20 (năm 2007); Viện ĐH Mở Hà Nội: A: 13,5 - B: 20 (năm 2008), A: 15,5 - B: 18 (năm 2007)…
QUỐC DŨNG (TTO)