Thứ hai, 27/10/2014, 10h10

60 năm ngày tập kết chuyển quân ra Bắc (1954-2014): Bệ phóng của người cách mạng

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Mộng Phù và ông Nguyễn Tăng Hảo
Cuối năm 1954 thị trấn Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) đã trở thành một địa chỉ đáng ghi nhớ của nhân dân Đồng Tháp Mười khi trên vùng đất mùa nước nổi này trở thành một trong 3 điểm cho cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc theo hiệp định đình chiến của Hội nghị Giơ-ne-vơ. Sau 60 năm trôi theo dòng lịch sử, kẻ ở người đi, kẻ còn người mất nhưng những câu chuyện về buổi chia tay chưa hẹn ngày trở lại trên bến tàu Cao Lãnh cho đến hôm nay vẫn đầy xúc động mỗi khi được tái hiện trong ký ức của mỗi người dân Nam bộ.
Nếu khu tập kết ở Xuyên Mộc quy định trong 80 ngày và ở Cà Mau lên đến 200 ngày thì ở Cao Lãnh lại được chính quyền hai bên gói gọn trong 100 ngày.
Lên tàu ngay sau cưới
Ông Nguyễn Tăng Hảo - một cán bộ tập kết - nguyên là Bí thư Đảng ủy, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhớ lại: “Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết năm 1954, cơ quan Ty Công an chúng tôi tổ chức học tập để thông suốt việc ký kết hiệp định, thống nhất chủ trương tạm giao cho Pháp quản lý miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào chờ ngày tổng tuyển cử thống nhất đất nước và kế hoạch chuyển quân tập kết. Cả đơn vị đang ở Bình Thành huyện Tân Hồng được lệnh hành quân bằng ghe ra đóng quân ở xã Mỹ Trà, Cao Lãnh (nơi đây Pháp đã rút hết quân, tạm giao cho ta quản lý trong 100 ngày). Lúc ấy cơ quan Ty Công an vô cùng bận rộn: Chọn người đi tập kết, tổ chức việc cất giấu vũ khí (loại tốt giữ lại, loại cũ và hư hỏng đóng thùng chuyển ra Bắc) và bàn bạc kế hoạch chuyển hướng hoạt động cho số cán bộ ở lại”.
Theo lời kể của ông Hảo những ngày cuối cùng, số anh chị em đi tập kết tập trung ở riêng cùng các đơn vị khác, phiên chế thành đơn vị tiểu đội, đại đội, trung đoàn… Những đơn vị này được giao nhiệm vụ vận động quần chúng ở khu đóng quân và các đường phố Cao Lãnh, tuyên truyền thắng lợi cuộc kháng chiến, nhiệm vụ của bà con ở lại trong 2 năm chờ tổng tuyển cử thống nhất đất nước, nhắc nhở bà con bảo vệ mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sanh Huy vừa mới tu bổ. Hằng ngày vào buổi sáng, các đơn vị sắp xếp thành đội ngũ, tập đi đứng để chuẩn bị xuống tàu.
Nhắc lại đám cưới hồi đó, bà Nguyễn Thị Mộng Phù - Trưởng phòng Kỹ thuật - Xuất bản, Báo Nhân dân tại TP.HCM (vợ ông Hảo kể): “Tuy hồi đó ai cũng lo cho công việc chuẩn bị tập kết ra Bắc nhưng đám cưới vợ chồng tôi vẫn có đủ mặt anh em. Đám cưới được tổ chức tại xã Mỹ Trà, Cao Lãnh, trên sân của nhà dân. Hơn một tháng sau khi cưới, hai vợ chồng tôi được sắp xếp đi tập kết chung trên chuyến đầu tiên vào ngày 20-10-1954. Tôi về công tác ở Thông tấn xã Việt Nam, sau đó học Khoa Vô tuyến điện tử, ĐH Bách khoa Hà Nội. Học xong về công tác ở Cục Thông tin Liên lạc, Bộ Công an, sau giải phóng về miền Nam phụ trách Đài Truyền báo, Trưởng phòng Kỹ thuật - Xuất bản, Báo Nhân dân tại TP.HCM… Còn ông Hảo - chồng tôi công tác ở Bộ Nội vụ, sau đó đi học. Tốt nghiệp năm 1963 ở lại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội giảng dạy cho đến ngày trở về Nam sau năm 1975”.
Bịn rịn với gia đình
Đại tá, tiến sĩ Huỳnh Bạch Răng(nguyên cán bộ kỹ thuật của Bộ Quốc phòng)- tham gia cách mạng từ năm 14 - nhớ lại:“Năm 1951, tôi thoát ly gia đình đi kháng chiến. Tháng 7-1954, lúc chúng tôi đang làm việc với tinh thần hưởng ứng các chiến dịch trên các chiến trường toàn quốc thì hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết và sau đó có lệnh đi tập kết. Trước khi rời khỏi Tân Thành, bộ phận chúng tôi ngày đêm lau chùi, vô dầu mỡ rồi bao kỹ lại cho đơn vị khác đến nhận đem đi chôn”. Mặc dù chưa biết ra Bắc học cái gì nhưng khi có lệnh đi tập kết ra miền Bắc trong thời gian hai năm chàng trai họ Huỳnh rất hào hứng và xác định mỗi một mục đích là ra đó học tập để trở về xây dựng quê hương.

Đại tá, tiến sĩ Huỳnh Bạch Răng thời gian nghỉ hưu

Đại tá Răng vẫn không sao quên được chuyến đi bí mật và nhanh chóng từ xưởng A Tân Thành cả một đêm và một ngày để tới kịp quận lỵ Cao Lãnh. “Mới tới Cao Lãnh, đơn vị tôi được giao nhiệm vụ xuống Doi Me chọn súng ống còn tốt, lau chùi bụi bặm, vô dầu mỡ. Còn chôn ở đâu, tôi không biết. Súng dở thì đem đi theo xuống tàu… Thiết bị - dụng cụ sửa súng thì được tháo rời ra tập trung ở bến sông Doi Me”, ông Răng nhớ lại. Sau khi làm xong việc bảo quản vũ khí, đơn vị của ông lại về tập kết ở xã Hòa An, quận lỵ Cao Lãnh. Đóng quân trong nhà dân chừng nửa tháng chờ xuống tàu tập kết ra Bắc. Ông nhớ mãi đêm cuối cùng ngủ ở Cao Lãnh với người cha thân yêu của mình: “Nói là ngủ tại nhà dân nhưng hai cha con trải chiếu giăng mùng ở ven hàng rào đường lộ, trước cửa nhà đóng quân. Đêm đó ba tôi căn dặn tôi đủ điều: Nào học hành, phấn đấu tốt nên người về xây dựng quê hương, đừng phụ lòng tin của những người ở lại. Một lời dặn dò không bao giờ tôi quên là phấn đấu vào Đảng”. Kỷ vật mà ông Răng trân trọng nhất là mấy thứ mà người mẹ gửi vội cho cậu con trai sắp xa gia đình. Dù đó chỉ là bộ đồ quân phục may bằng vải thô nhuộm màu xám bằng pin đèn, vài bộ đồ lót và cái áo thun để chống rét nhưng đó là tất cả tình mẫu tử đầy yêu thương của trái tim người mẹ. Nhưng chi tiết đáng nhớ nhất của Đại tá Răng là khi đi ngang qua cầu Đúc - Cao Lãnh, ông bỗng nhìn thấy má và em gái 3 tuổi, 2 mẹ con dì Sáu cùng nhiều bà con đứng tiễn ở bên đường. “Kỷ luật quân đội là khi hành quân phải nhìn thẳng, không được ngó nghiêng phải, trái, đằng sau, thể hiện kỷ luật, tư thế của người chiến thắng. Và tôi cũng vậy. Tôi bỗng nghe tiếng nhỏ em tôi la lên: Má, má… Anh Hai! Anh Hai! Anh Hai đi bán cà rem nhớ mau về nghen. À, thì ra má sợ khi tôi đi rồi, lỡ tụi lính tới hỏi về tôi nên má dạy em nếu ai hỏi thì nói anh Hai đi bán cà rem. Trong cảnh chia tay ấy, tôi chỉ biết nghẹn ngào mà không dám nhìn lại”, ông Răng nhớ lại những phút giây đã làm ông bịn rịn.
Đoàn của ông Răng lên một chiếc tàu chở hàng của Pháp. Đi cùng họ có cả một số bộ đội Cao Miên, toàn đàn ông thanh niên chứ không hề có phụ nữ và trẻ em: “Chúng tôi nằm trên sàn tàu, người dính bột mì bê bết. Sóng dồi, nhiều người bị say sóng lăn qua lăn lại. Tàu chạy 9-10 ngày mới tới biển Sầm Sơn do phải ghé trốn bão ở Đèo Cả”.  Không chỉ tự hào với quá khứ cống hiến thời thanh xuân dù ở Nam hay ra Bắc, hai người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa vẫn luôn nhắc nhở con cháu nhớ ơn sự hy sinh to lớn của chiến sĩ, đồng bào để gia đình và đất nước có được ngày hôm nay và luôn ghi tâm mảnh đất Cao Lãnh - nơi kết nên duyên chồng vợ và cũng là nơi ra đi đầy nhiệt huyết của một thế hệ đáng được ghi vào lịch sử.
Sau 54 năm đi theo cách mạng, suốt đời là người lính Cụ Hồ, Đại tá Huỳnh Bạch Răng đã nghỉ hưu từ mấy năm nay. Ông không ngờ gần cả cuộc đời binh nghiệp, bắt đầu là một cậu học sinh lớp 3 trường làng thành một đại tá, tiến sĩ: “Giờ đây trở về cuộc sống đời thường, tôi hay suy nghĩ về khoảng thời gian mấy chục năm trời khi chúng tôi xuống tàu tập kết tại Bắc Cao Lãnh và trở về Nam ở bến Nhà Rồng. Không còn được gặp ba tôi nữa và bây giờ má tôi cũng đã đi xa, buồn thương vô hạn nhưng đó là quy luật không ai cưỡng lại được. Dù sao ông cũng cảm thấy an lòng vì đã thực hiện được ước nguyện của cha mẹ, của đồng bào miền Nam gửi gắm niềm tin những người ra đi sẽ trở về vinh quang”.
Đối với vợ chồng ông Nguyễn Tăng Hảo và ông Huỳnh Bạch Răng, mảnh đất Cao Lãnh và cách mạng đã trở thành bệ phóng vững chãi đầu tiên cho cuộc đời người chiến sĩ miền Nam đã có những tháng ngày may mắn được sống, học tập và làm việc trên đất Bắc.
Bài, ảnh: Quang Toán