Chủ nhật, 21/12/2014, 17h12

Thí sinh nhiều nguyện vọng, trường lo “ảo” lớn

Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM năm 2014

Dù thí sinh có đến 16 nguyện vọng (NV) xét tuyển ĐH-CĐ nhưng các trường cho rằng, nếu chỉ tiêu tuyển sinh dành cho bậc ĐH ổn định như mọi năm thì khả năng các trường CĐ không lo khó tuyển.
Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ, nhiều ý kiến của các trường bày tỏ lo lắng vấn đề “ảo” lớn, bậc học thấp sẽ vắng bóng thí sinh...
Phải chấp nhận “ảo”
Theo dự thảo quy chế mới, mỗi thí sinh năm nay được tham gia xét tuyển 4 đợt với tổng số 16 NV. Với số NV này, ThS. Đặng Văn Sáng - Hiệu trưởng Trường TC Ánh Sáng - dự đoán, có thể năm nay độ “ảo” sẽ tăng, thậm chí tăng nhiều lần so với năm ngoái. Vì “ảo” cao như vậy nên dễ có khả năng một số trường ngoài công lập gọi nhập học nhưng thí sinh không tới. “Không hẳn vì các trường này đào tạo kém chất lượng mà học phí của họ không có lợi thế” - ông Sáng khẳng định.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Quốc Chính - Trưởng ban ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM - lại cho rằng, thông thường các trường đã tuyển được phần lớn chỉ tiêu ở NV1. Vì vậy, tỷ lệ “ảo” có thể không còn nhiều. Cũng theo TS. Chính, các trường cần chấp nhận và quen dần với việc “ảo”. TS. Chính đề xuất, để giảm ảo, nên chăng để các trường cho thí sinh nộp hồ sơ đăng ký trước vào địa chỉ mà các em đã định sẵn, thay vì chỉ nộp sau khi có kết quả thi. Thoạt nghe có vẻ lộn xộn nhưng cuối cùng sẽ điều tiết ổn. Bởi thí sinh luôn biết mình muốn gì, lượng thí sinh không rõ NV bản thân là không đáng kể.
Đồng quan điểm, ThS. Phạm Thái Sơn - Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - nhận định, trong tuyển sinh, các trường phải chấp nhận việc “ảo”. Bởi chỉ khi chịu bỏ công sức, các trường mới tuyển được nguồn thí sinh chất lượng theo đúng ý mình. Ông Sơn nhìn nhận, độ “ảo” còn nằm ở vấn đề thương hiệu của các trường nữa. “Sức ép của vấn đề “ảo” buộc các trường phải chú trọng đến vấn đề thương hiệu. Các trường không nên vịn vào lý do “ảo” để đề nghị bộ đưa ra cơ chế giảm “ảo” trong khi bản thân đơn vị mình không chịu vận động. Chẳng hạn, hằng năm chỉ những em điểm cao mới nộp vào Trường ĐH Y dược và trường này rất ít khi bị “ảo””, ông Sơn nói.
CĐ có khó tuyển?
Một số lo ngại khác cũng tập trung vào vấn đề, thí sinh “dồi dào” NV ĐH quá sẽ không còn quan tâm đến các bậc học thấp hơn như CĐ, TCCN… Điều này sẽ khiến các trường CĐ, TCCN tiếp tục gặp khó khăn trong tuyển sinh và đào tạo. ThS. Trần Kim Phước - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định - đơn cử, năm ngoái, một số thí sinh dù đã thi đậu “3 chung” vào hệ CĐ của trường, nhưng sau đó lại sẵn sàng bỏ “không thương tiếc” để chuyển sang học ĐH bằng hình thức xét tuyển riêng. Bậc CĐ năm trước vì thế đã vắng thí sinh, năm nay trường chỉ xin chỉ tiêu cầm chừng nhưng cũng không dám hy vọng sẽ tuyển được như mong đợi.
ThS. Đặng Văn Sáng cũng nêu khó khăn, lượng tuyển sinh của các trường TCCN gần đây ngày càng èo uột. Bản thân nhà trường mấy năm nay tuyển đủ nhờ duy trì lượng chỉ tiêu ít (trên dưới 1.000 chỉ tiêu) chứ không dám tăng lên. Trong trường hợp bộ dễ dãi đối với chỉ tiêu tuyển sinh ĐH thì các trường CĐ-TCCN sẽ càng gặp khó.
Phân tích ngược lại, TS. Nguyễn Quốc Chính cho rằng, khó có chuyện hệ CĐ khó tuyển hơn mọi năm vì lượng chỉ tiêu dành cho bậc ĐH vẫn tương đương như các năm trước. Dù thí sinh có bao nhiêu NV, số chỉ tiêu bậc ĐH cũng vẫn ít hơn tổng lượng thí sinh. Do vậy, cuối cùng vẫn còn nhiều thí sinh không vào được ĐH, sẽ chọn CĐ.
ThS. Phạm Thái Sơn lý giải việc mất nguồn tuyển của bậc CĐ ở một khía cạnh khác. Theo ông Sơn, có thể năm nay các trường chưa lường trước được hết các tình huống xảy ra trong xét tuyển nên lựa chọn cách “an toàn” là lấy đủ chỉ tiêu ngay ở NV1 thay vì phân bổ cho cả NV trước và NV bổ sung như mọi năm. Khi đó, sẽ có một lượng thí sinh chỉ đạt điểm trung bình, tức ở mức sàn nhưng trường vẫn nhận. Đồng thời, những thí sinh điểm cao nhưng trượt NV1 ở trường khác lại mất cơ hội ở NV2. Diện thí sinh này dù trượt ở điểm cao nhưng vẫn không “cam lòng” học những bậc thấp hơn. Điều này đẩy các trường CĐ vào thế khó.
Cốt lõi vấn đề theo ThS. Đặng Văn Sáng, nằm ở chỉ tiêu tuyển sinh. Việc giao chỉ tiêu tuyển sinh cần căn cứ theo cơ cấu nhân lực của thị trường lao động. Nếu cấp chỉ tiêu nhiều quá, học sinh bao giờ cũng lựa chọn bậc cao, chỉ khi không được học bậc cao mới chấp nhận bậc thấp. “Bộ GD-ĐT cứ cấp chỉ tiêu cho các trường ĐH mà không theo cơ cấu nguồn nhân lực thì sản phẩm đầu ra đương nhiên sẽ bị thừa” - ông Sáng nhìn nhận.
Mê Tâm