Thứ bảy, 6/12/2008, 10h12

“Một tỉ USD đòi hỏi phải “mồi” đúng chỗ”

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm (Ảnh: MC).

Thưa ông, phiên họp vừa mới đây của Chính phủ đã quyết định chuyển đổi mục tiêu trọng tâm từ chống lạm phát sang chống suy giảm kinh tế. Ông đánh giá như thế nào về tính thời điểm của việc đưa ra chuyển đổi này?

Tình hình kinh tế trong nước và thế giới đang chuyển biến rất nhanh. Kinh tế các nước đang co lại, sức mua giảm xuống. Cái chung của thế giới đã áp vào Việt Nam mà áp nhanh nhất, mạnh nhất ở ba lĩnh vực: đầu tư, xuất khẩu, du lịch. Ba cái này biểu hiện nền kinh tế đang suy giảm và suy giảm lớn nhất là tốc độ tăng GDP.

Cộng thêm nữa, trước đây chỉ doanh nghiệp vừa và nhỏ lao đao, giờ đây lan ra cả doanh nghiệp lớn. Hơn nữa nhiều tập đoàn kinh tế lớn đang co lại.

Trước đây thiếu vốn trầm trọng, bây giờ lãi suất xuống vốn tốt hơn, nhưng không ai vay. Không ai vay là vì khả năng sản xuất, sức mua, kể cả trong nước, kể cả xuất khẩu giảm xuống…

Nền kinh tế chúng ta hiện nay vẫn đang tập trung chống lạm phát, nhưng yếu tố của giảm phát, yếu tố của suy giảm kinh tế đã rõ và đang ngày càng lấn tới cho nên nhiệm vụ lúc này vừa chống lạm phát vừa chống suy giảm.

Vừa phải làm thế nào cho khỏi bung tiền khơi lại lạm phát, nhưng lại phải đưa vốn kích thích sản xuất phát triển, kích thích thu nhập, kích thích việc làm, không suy giảm kinh tế thì chủ trương của chúng ta tập trung mũi nhọn sang chống suy giảm kinh tế là chính xác - chính xác theo yêu cầu thực tế của nước ta và tác động của thế giới vào.

Thực hiện mục tiêu chống suy giảm kinh tế, Chính phủ đã quyết định dành 1 tỉ USD để kích thích đầu tư và tiêu dùng. Con số này theo ông là lớn hay nhỏ?

Nói chung kích thích đầu tư và tiêu dùng hay nói cách khác là chống suy giảm có nhiều kênh. Bây giờ ngoài tháo dỡ cho sản xuất, tạo ra yếu tố việc làm để kích thích sức mua, cần phải có cái mồi của nhà nước đưa vào những chỗ khó khăn nhất, những chỗ đang cần mà chưa điều hoà được, đang cần có cú đấm quyết định.

Cái 1 tỉ USD đó là chất xúc tác, chưa phải là nhiều nhưng trong tình hình hiện nay, nếu có số ấy mồi vào đúng chỗ, mồi những dự án đầu tư cần thiết, những mặt hàng sản xuất, hàng tiêu dùng cần thiết, xuất khẩu cần thiết hay bù lãi suất cho một số đơn vị khó khăn quá... sẽ có nhiều ý nghĩa.

Chính sách, giải pháp đưa ra thường có độ trễ. Liên tục thời gian vừa qua chúng ta thực hiện các chính sách, biện pháp chống lạm phát, nhưng giờ ta lại chống suy giảm, như vậy sẽ có sự “va chạm” mạnh giữa cái mới và cái cũ?

Hoàn toàn va chạm. Một mặt, mình muốn chống lại áp lực của lạm phát, mình phải rút tiền trong lưu thông thừa về, không đưa tiền ra lưu thông nhiều, một mặt phải kích thích tiêu dùng, kích thích sản xuất thì phải đưa vốn ra kích thích đầu tư.

Hai cái đó mâu thuẫn nhau, nhưng mâu thuẫn này hoàn toàn có thể xử lí được.

Bằng cách nào, thưa ông?

Chúng ta đưa tiền ra không có nghĩa là chúng ta đưa cho tất cả mà đưa vào những dự án, những đơn vị, những mặt hàng góp phần sử dụng lao động, góp phần tạo nhiều hàng, góp phần chống suy giảm, nhưng nếu tạo nhiều hàng để rút tiền về cũng là để góp phần chống lạm phát.

Chống lạm phát, chống suy giảm kinh tế đều có độ trễ. Chúng ta phải phân loại, trước mắt ta có thể chọn cái gì có thể làm “ăn” ngay, chuyển biến ngay để chúng ta kích vào trước làm độ trễ ngắn lại.

Phải chú ý mâu thuẫn và cách chữa tốt nhất là chú ý đến tính hiệu quả của vốn đầu tư. Trúng, đúng, có hiệu quả sẽ tránh được lạm phát và giảm phát.

Nhưng thực hiện thống nhất trong cả nước, từ Trung ương tới địa phương là rất là khó, thưa ông?

Tất nhiên là bây giờ ăn nhau ở điều hành nữa. Phải rất chi tiết, rất cụ thế, rất linh hoạt, chứ không phải như nhau và phải có sự điều hoà, phối hợp.

Vừa qua lãi suất cơ bản đã liên tục giảm và hiện tại đã giảm xuống 10%, kéo theo lãi suất vay và cho vay giảm hơn nhiều, nhưng theo ông có cần giảm lãi suất nữa?

Phải giảm nữa vì mình phải giảm lạm phát xuống nữa. Thứ hai, lãi suất giờ đang cao, lên đến 15% mà sản xuất kinh doanh của các đơn vị, nhất là các đơn vị vừa và nhỏ hiện nay đạt lãi 15% là khó.

Phải làm thế nào cho chi phí thấp xuống, lãi suất thấp xuống, người ta ít lỗ hoặc lãi, người ta mới vay, ngân hàng mới ra được, doanh nghiệp mới lên được.

Với lãi suất gửi thấp như thế này hoặc thấp hơn nữa, người có tiền nhàn rỗi sẽ chuyển sang những kênh đầu tư khác. Với sự chuyển kênh như thế, thị trường chứng khoán có thể sáng sủa hơn, thậm chí có thể phục hồi?

Hạ lãi suất thế này, nguồn vốn dồi dào, nếu không vào cái khác thì vào chứng khoán. Nhưng vực dậy ngay thị trường chứng khoán là chưa thể vì nó còn rất nhiều yếu tố. Ngoài cung cầu, ngoài cơ sở sản xuất kinh doanh ra còn yếu tố tâm lí nữa.

Lãi suất ngân hàng giảm, Thủ tướng cũng đề nghị giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp trong quí IV và giảm 30% thuế thu nhập cho các doanh nghiệp khó khăn trong năm 2009. Hai cái đó cộng lại đã cứu được các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa?

Chưa đủ cứu, nhưng dù sao đó cũng là một cố gắng. Mỗi kênh làm một chút, hỗ trợ vào thì doanh nghiệp dễ thở hơn, sau này có thể ổn định rồi từ từ phất lên.

Nhưng tôi vẫn nói năm 2009 khó khăn hơn 2008 nhiều và sự hỗ trợ của nhà nước, sự vươn lên của doanh nghiệp phải rất lớn, chứ không phải một kênh và cũng phải có cả thời gian nữa.

Xin cám ơn ông!

Cấn Cường (Theo Dantri)