Thứ ba, 28/10/2014, 23h10

60 năm ngày tập kết chuyển quân ra Bắc

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (ngồi, bên phải) và bạn bè văn nghệ sĩ (ảnh nhân vật cung cấp)

Tròn 60 năm những chuyến tàu đưa chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc (10-1954 đến 10-2014), cuộc chia ly tưởng chỉ 2 năm thôi nhưng ngày trở về lại kéo dài đến 20 năm lửa đạn.
Ký ức của nhà báo sinh ra trên đất Bắc
Tháng 10-1954, trên chuyến tàu đầu tiên tập kết tại sông Ông Đốc (sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) có một nữ cán bộ bụng mang dạ chửa, tay lại dắt bé trai 3 tuổi. Tàu cập Sầm Sơn (Thanh Hóa) chừng dăm tháng, bà đã hạ sinh một bé trai. Bé trai ấy chính là nhà báo Huỳnh Dũng Nhân - Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM.
Bởi thế mà anh thường nói vui, anh cũng từng tập kết ra Bắc nhưng không có tên trong danh sách vì... còn nằm trong bụng mẹ khiến ai cũng “chưng hửng”.
Tự hào con em cán bộ miền Nam
Anh nhớ lời mẹ kể: Đến Sầm Sơn chừng 5 tháng thì mẹ chuyển dạ. Mọi người phải cáng mẹ lên Bệnh viện thị xã Thanh Hóa. Đó là một đêm tháng 3 rất lạnh, không điện, không đồng hồ nên không biết chính xác là mấy giờ. Trên giường phụ sản đã có một bà bầu nằm mãi chưa sinh nên bác sĩ đưa bà ấy xuống và đưa mẹ lên sinh trước. Mẹ tôi cho biết những người đỡ đẻ hay trông nom tôi ngày ấy chính là mẹ của một số người bạn của tôi sau này.
Là một người con của cán bộ chiến sĩ miền Nam, được sinh ra trên đất Bắc, anh Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ: “Ngay từ nhỏ tôi đã tự hào mình là con em cán bộ miền Nam tập kết, cảm giác lúc đó “oai” lắm. Lại có cái gì đó khác biệt với bạn bè cùng lứa. Và khi nghe ai đó giới thiệu ba mẹ là người miền Nam, lập tức tôi có một sự đồng cảm sâu sắc, dù về hình thức mình y như những đứa trẻ khác ở Hà Nội, thậm chí còn nói rặt tiếng Bắc. Ba mẹ và những cô chú miền Nam tập kết thường gặp nhau và đau đáu nhắc về quê hương miền Nam, tình cảm ấy cũng xâm chiếm vào tâm hồn những đứa trẻ sinh ra trên đất Bắc như chúng tôi”.
Ba anh Huỳnh Dũng Nhân lúc bấy giờ là Thư ký Báo Nhân dân, cũng đã có mặt trên chuyến tàu tập kết cuối cùng. Ba mẹ anh coi chuyến tập kết như một chuyến đi xa xuyên qua đất nước và sẽ nhanh chóng trở về, nên có ý định đặt tên anh là Xuyên Việt. Nhưng rồi bàn đi tính lại, gia đình lại đặt tên là Huỳnh Dũng Nhân, cái tên mang tinh thần của cá tính, của con người Nam bộ. “Chắc ba mẹ tôi cũng mong tôi lớn lên phải sống tử tế, giúp ích cho đời. Có điều cái tên này tạo cho mọi người cảm giác tôi to con dữ tướng lắm, nào ngờ khi gặp thấy tôi dạng thấp bé nhẹ cân ai cũng... ngã ngửa. Sau này, cái tên Xuyên Việt tôi đặt cho con trai để nhớ về những chuyến đi tác nghiệp bằng xe máy xuyên Việt của mình cũng như để nhớ về một phần kỷ niệm của gia đình và một sự kiện truyền thống không thể nào quên của đất nước”, anh giải thích.
Tháng ngày đẹp đáng nhớ
Hồi tưởng quãng 20 năm ở Hà Nội, với anh đó là những tháng ngày rất đẹp và đáng nhớ. Gia đình anh sống ngay giữa thủ đô, rất nhiều kỷ niệm về năm tháng thời bình ngắn ngủi êm đềm, những ngày thời chiến máy bay Mỹ ném bom phải đi sơ tán ra các tỉnh lân cận Hà Nội. Rồi một thời kỳ con người sống lý tưởng, có ý chí và đầy tình thương mến, san sẻ,  nhưng cũng rất nhiều chuyện cười ra nước mắt của thời bao cấp. Những cán bộ chiến sĩ và cả các nhà báo người miền Nam khi ấy đều có một mong muốn cháy bỏng là được trở về miền Nam. Và rất nhiều người đã trở về chiến đấu, công tác, một số đã hy sinh trên mảnh đất quê hương…
Anh tiếp: “Ba tôi kể, khi chia tay điểm tập kết Gành Hào (một điểm tập kết lúc bấy giờ ít công bố) ba tôi và mọi người lên boong tàu ngồi nhìn vào bờ. Hàng trăm cánh tay đưa lên chào nhau, người đi kẻ ở. Tất cả đều chìa hai ngón tay lên ra dấu: Theo hiệp định Giơ-ne-vơ, 2 năm nữa sẽ trở về. Cũng có người đầy tin tưởng chỉ giơ… 1 ngón rưỡi, vì trừ thời gian tập trung ở Cà Mau, thời gian thật sự còn lại chỉ hơn 1 năm ruỡi. Tôi nghe kể lại có người lúc đó đi tập kết chỉ mang theo 2 bọc thuốc rê, vì nghĩ chỉ đi gần 2 năm… hút chừng đó là vừa”.
Quê ba ở Bến Tre. Quê mẹ ở Kiên Giang. Anh sinh ra tại Thanh Hóa, lớn lên học tập tại Hà Nội, sau sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Vì thế mỗi năm họp mặt đồng hương các tỉnh Bến Tre, Kiên Giang, Thanh Hóa... anh đều có mặt. Anh chia sẻ:Nói về tuổi thơ thì Hà Nội là nơi tôi có nhiều kỷ niệm đẹp nhất. Nói về thời kỳ làm báo thì TP.HCM  là nơi tôi gắn bó suốt gần 40 năm. Còn quê hương thì bất cứ nơi nào có nguồn gốc gia đình, có những câu chuyện của ba tôi, của mẹ tôi, và nơi tôi cất tiếng khóc đầu đời… đều rất thiêng liêng, dù kỷ niệm không nhiều như nơi tôi từng sống và lập nghiệp sau này.
Anh tâm sự, với 20 năm sống trên đất Bắc và gần 40 năm sống và làm việc ở TP.HCM, anh đã thực hiện được tâm niệm ban đầu là trở thành một nhà báo, và khi về quê thấy được những đổi thay đẹp nhất mà mình mong muốn đã đến với quê hương mình.
Trần Tuy An