Thứ hai, 5/7/2010, 15h07

Biến đổi khí hậu được đưa vào bài giảng

Ngày 2-7, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến cho kế hoạch hành động về ứng phó biến đổi khí hậu và Dự án “Đưa các nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào các chương trình giáo dục và đào tạo” giai đoạn 2011-2015.
Theo đó, tất cả các bậc học sẽ được tích hợp nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chương trình giảng dạy, tùy theo độ tuổi, đặc điểm tâm sinh lý của học sinh mà lựa chọn các nội dung thích hợp. Cụ thể như cấp học mầm non, do đặc thù lứa tuổi nhỏ nên chỉ cần cho các em có những nhận biết ban đầu về ảnh hưởng, hậu quả của biến đổi khí hậu đến môi trường, cuộc sống quanh bé, có ý thức nhắc nhở mọi người. Đồng thời, các bé sẽ biết cách tự bảo vệ, chăm sóc cho mình như: trời nắng nóng biết đội mũ, không chạy chơi ngoài nắng, biết giữ sức khỏe... Các hình thức học chủ yếu sẽ qua các câu chuyện kể, các bài hát... Ở cấp tiểu học, chủ yếu các nội dung này sẽ được tuyên truyền qua các hoạt động ngoại khóa, trang bị kiến thức cơ bản phù hợp độ tuổi như: kiến thức về thời tiết, về khí hậu, khí nhà kính... Khi trẻ lên cấp học trung học, các nội dung về biến đổi khí hậu sẽ được tích hợp vào môn học như địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, giáo dục công dân... Lứa tuổi này, hình thức tuyên truyền thích hợp được các chuyên gia đề xuất là thông qua các cuộc thi tìm hiểu về biến đổi khí hậu ở địa phương để các em tự tìm hiểu, học hỏi thêm. Ở bậc đại học, cao đẳng thì cần tích hợp mạnh mẽ nhất các bài học về biến đổi khí hậu vì đây là lứa tuổi chuẩn bị bước ra xã hội, sẽ có thể có những đóng góp thực tế tới việc cải thiện môi trường. Thông qua các đợt thực tập, tham quan sản xuất, thực tập luận văn để có thể tích hợp nội dung bài giảng vào cho sinh viên tìm hiểu.
Riêng với một số cấp học đặc thù như giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp thì cần có những cách thức xây dựng bài học khác biệt hơn. Hệ giáo dục thường xuyên tập trung phần lớn người lao động, cuộc sống của họ đậm chất cộng đồng nên thông tin khi truyền bá sẽ có sức lan tỏa lớn và sẽ là lợi thế khi tổ chức các hoạt động giáo dục ứng phó với biến đổi khí hậu tại các cộng đồng dân cư. Phương châm giáo dục với bậc học này là học để biết, biết để thực hiện, để phòng tránh, để tự điều chỉnh suy nghĩ và hành vi, chung sức sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu. Ở hệ giáo dục thường xuyên, phương pháp giáo dục hiệu quả là xây dựng các tiểu phẩm, tổ chức các câu lạc bộ gắn liền với đời sống nhân dân.
Một số đại biểu cho rằng, Dự án “Đưa các nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào các chương trình giáo dục và đào tạo” có nội dung phong phú, đầy đủ và cập nhật nhưng vẫn thiên về lý thuyết nhiều hơn là kỹ năng. Hiệu trưởng ĐH Thủy lợi Nguyễn Quang Kim cho rằng: Hiện nay thiếu và yếu nhất là kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Cần xây dựng những nội dung thiết thực hơn như: kỹ năng ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan hơn là các vấn đề vĩ mô, mang tính lý thuyết không ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống con người hiện tại.
Nghiêm Huê