Chủ nhật, 19/10/2014, 22h10

Bộ GD-ĐT có một bộ SGK

Trường THCS Võ Trường Toản sử dụng tài liệu dạy học vật lý do  ngành GD-ĐT TP.HCM tự biên soạn. Ảnh: D.Bình

Hôm nay, 20-10, khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Trong kỳ họp lần này, Bộ GD-ĐT trình tờ trình của Chính phủ về việc ban hành nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) giáo dục phổ thông (GDPT). Trước đó,  Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội (gọi tắt là Ủy ban) có báo cáo thẩm tra Dự thảo nghị quyết của Quốc hội về đổi mới CT-SGK GDPT (thay thế nghị quyết 40/2000/QH10 ngày 9-12-2000 của Quốc hội). Theo báo cáo này, nhiều vấn đề liên quan đến CT-SGK sau 2015 được Ủy ban thống nhất quan điểm.
GDPT 12 năm
Dư luận chung trong giới GD và khoa học nhất trí GDPT kéo dài 12 năm và chia thành 2 giai đoạn: GD cơ bản (gồm cấp tiểu học và cấp THCS) là giai đoạn GD phổ cập, bắt buộc và GD định hướng nghề nghiệp (cấp THPT) chuẩn bị cho HS tham gia thị trường lao động hoặc học lên CĐ, ĐH và sau ĐH. Tuy nhiên, về vấn đề giai đoạn GD cơ bản kéo dài mấy năm thì hiện có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị GD cơ bản trong 9 năm (5 năm tiểu học và 4 năm THCS - như hiện nay). Loại ý kiến thứ hai lại cho rằng GD cơ bản cần 10 năm (5 năm tiểu học và 5 năm THCS hoặc 6 năm tiểu học và 4 năm THCS). Ủy ban tán thành loại ý kiến thứ nhất vì những lý do sau: Thứ nhất, việc thực hiện GD cơ bản 10 năm sẽ làm tăng thời gian GD phổ cập bắt buộc thêm một năm, đòi hỏi ngân sách Nhà nước tăng mạnh đầu tư cho giai đoạn GD này. Việc tăng một lớp ở cấp THCS hoặc cấp tiểu học và giảm một lớp ở cấp THPT sẽ gây xáo trộn, mất cân đối về cơ sở vật chất và đội ngũ GV các cấp học phổ thông. Hơn nữa, việc dôi dư cơ sở vật chất và GV cấp THPT có thể dẫn đến tăng tỉ lệ HS tốt nghiệp THCS học tiếp lên THPT, đi ngược chủ trương phân luồng HS sau THCS. Thứ hai, việc kéo dài thêm một năm GD cơ bản là thực sự không cần thiết, bởi vì sau THCS, một bộ phận HS sẽ học sơ cấp, trung cấp nghề nghiệp hoặc tham gia lao động phù hợp và 9 năm GD cơ bản hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu đối với các em. Đối với những HS sẽ học lên CĐ, ĐH thì những nội dung GD bổ sung, nâng cao cho các em có thể thực hiện trong năm học đầu của cấp THPT hoặc qua mô đun văn hóa của trình độ trung cấp nghề nghiệp.  
Bộ GD-ĐT phải có một bộ SGK
Liên quan đến vấn đề CT-SGK, Ủy ban cho rằng chương trình GD hiện hành nhìn chung vượt quá khả năng đáp ứng về đội ngũ GV và cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường cũng như khả năng tiếp thu của HS, mặt khác việc thực hiện cứng nhắc một CT chung không phù hợp đối với HS các địa phương, cơ sở GD với đặc thù và điều kiện kinh tế - xã hội rất khác nhau, hạn chế chất lượng, hiệu quả học tập. Vì vậy, Ủy ban đề nghị ban hành một chương trình GDPT thống nhất nhưng khả thi, mềm dẻo, linh hoạt, nói chung phải phù hợp với điều kiện bảo đảm thực tế của nhà trường, nhất là về đội ngũ GV và cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như với khả năng tiếp thu của HS. Về chủ trương có nhiều bộ SGK trong CT mới, Ủy ban cho biết nhất trí với chủ trương sử dụng nhiều SGK cho mỗi môn học và thực hiện xã hội hóa việc biên soạn, xuất bản SGK phổ thông một cách hợp lý và có điều kiện. Về đối tượng tham gia biên soạn SGK, Ủy ban tán thành phương án do Chính phủ đề nghị với các lý do sau đây: Thứ nhất, việc Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK để đảm bảo sự chủ động về thời gian công việc và kiểm soát được chất lượng nội dung cần thiết trong quá trình triển khai thực hiện lộ trình, kế hoạch đổi mới CT, SGK trên quy mô toàn quốc và đồng thời ở cả ba cấp học. Thứ hai, việc biên soạn song hành một bộ SGK cung cấp tài liệu GD để tổ chức dạy học thực nghiệm cần thiết cho việc ban hành chính thức chương trình GDPT. Thứ ba, mục tiêu vì lợi ích của đông đảo HS và vì chất lượng GD phải đặt lên trên yêu cầu công bằng trong kinh doanh nếu có xung đột. Hơn nữa, băn khoăn về vấn đề này có thể xử lý bằng việc bán đấu giá bản quyền bộ SGK do Bộ GD-ĐT biên soạn cho các nhà xuất bản để phát hành, kinh phí thu được nộp ngân sách Nhà nước cũng như việc giao thẩm quyền lựa chọn SGK cho cơ sở GD. Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định công khai quy trình thẩm định SGK khách quan, độc lập; quy định quy trình cơ sở GD lựa chọn SGK trên cơ sở bàn bạc dân chủ giữa GV với HS và phụ huynh của nhà trường.
Điều kiện đảm bảo CT-SGK
Ủy ban cho rằng: Đội ngũ GV và cơ sở vật chất, trường lớp là hai yếu tố cơ bản cùng với CT-SGK cấu thành chất lượng GD. Trong thời gian qua, việc phát triển đội ngũ GV phổ thông chưa được quan tâm đúng mức, công tác bồi dưỡng, đào tạo lại GV chưa được thực hiện một cách căn bản, chưa đáp ứng yêu cầu triển khai CT-SGK hiện hành. Điều kiện cơ sở vật chất ở đa số các cơ sở GDPT hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu GD toàn diện. Việc xây dựng và nâng cấp trường lớp, trang thiết bị học tập đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, chủ yếu do UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm đầu tư, ngân sách địa phương không đủ đáp ứng yêu cầu, rất cần có sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương. Do đó, để đổi mới căn bản, toàn diện GDPT thành công cần bổ sung thêm hai nhiệm vụ: Phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ GV và chuẩn hóa cơ sở vật chất trường lớp. Ủy ban đề nghị xây dựng các nhiệm vụ này thành các đề án riêng và triển khai sớm, đồng bộ với Đề án đổi mới CT-SGK. Nhiệm vụ thứ nhất, tập trung vào đổi mới công tác đào tạo GV ở các trường sư phạm và xây dựng CT bồi dưỡng, đào tạo lại GV phục vụ trực tiếp cho việc triển khai CT-SGK mới; giao cho các cơ sở GD có đào tạo về sư phạm thực hiện nhiệm vụ này. Ủy ban đề nghị Chính phủ nghiên cứu sắp xếp lại hệ thống các trường, khoa sư phạm và cơ sở đào tạo GV phổ thông khác; ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đối với các trường, khoa sư phạm để nâng cao chất lượng đào tạo; đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, đánh giá, sử dụng GV và cán bộ quản lý GD; chế độ, chính sách ưu đãi nhằm thu hút người có năng lực, trình độ về làm công tác giảng dạy, quản lý tại các trường, khoa sư phạm và các cơ sở GDTP. Nhiệm vụ thứ hai, tập trung vào xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư nhằm chuẩn hóa cơ sở vật chất kỹ thuật nhà trường; giao cho UBND cấp tỉnh chủ trì thực hiện, có sự chỉ đạo trực tiếp của các bộ, ngành Trung ương mà đầu mối là Bộ GD-ĐT.
Nghiêm Huê