Chủ nhật, 9/2/2014, 10h02

Cần tuyển thí sinh có năng lực phù hợp ngành nghề đào tạo

PGS.TS Trần Văn Nam

Theo PGS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng (ĐHĐN), việc tuyển sinh riêng bây giờ không phải là vấn đề mới đối với các nhà trường, căn bản là mỗi trường phải có phương thức tổ chức thi như thế nào để tuyển được những thí sinh có năng lực phù hợp ngành nghề đào tạo. Theo đó kể từ năm 2014, ĐHĐN cũng sẽ thí điểm tự chủ tuyển sinh một số ngành đặc thù ở các trường ĐH thành viên.
Trên thực tế lâu nay ĐHĐN có hai hình thức xét tuyển. Đó là, xác định điểm chuẩn theo trường, gồm: Trường ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế, CĐ Công nghệ, CĐ CNTT và bước tiếp theo là xác định điểm chuẩn theo ngành. Các thí sinh trúng tuyển vào trường nhưng không trúng tuyển vào ngành sẽ được đăng ký 3 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên để xét chuyển ngành. Các trường ĐH Sư phạm, ĐH Ngoại ngữ, Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum, Khoa Y dược xác định điểm chuẩn theo chuyên ngành. Các thí sinh đủ điểm vào ngành thì trúng tuyển. Nếu không đủ điểm trúng tuyển ngành thì rớt và không được đăng ký xét chuyển ngành mà chỉ có thể đăng ký xét các đợt bổ sung vào những ngành khác nếu ngành đó còn chỉ tiêu. Về cơ bản, phương thức xét tuyển này cơ bản là phù hợp. Tuy nhiên, những năm gần đây phương phức này bắt đầu lộ ra nhiều điểm bất cập. Đơn cử như đối với cách xác định điểm chuẩn theo trường thì có nhiều thí sinh trúng tuyển nhưng không đúng vào ngành có nguyện vọng học nên các em tỏ ra chán nản, thiếu động lực học tập, có thí sinh bỏ học, tìm đến một trường khác, cấp học khác có ngành mình thích được học. Đối với cách xác định điểm chuẩn theo chuyên ngành: Các thí sinh dự thi cùng một ngành nhưng trượt chuyên ngành đăng ký thì không trúng tuyển trong khi kết quả thi cao hơn so với điểm chuẩn của các chuyên ngành khác cùng trường. Ở trường hợp này, thí sinh muốn đỗ vào chuyên ngành khác thì phải đăng ký xét tuyển bổ sung rất phiền phức cho thí sinh.
Khắc phục những bất cập trên, trong mùa tuyển sinh năm 2014, ĐHĐN đề ra kế hoạch thay đổi phương thức xét tuyển tại một số trường thành viên. Cụ thể, về khốithi: Trường ĐHBK sẽ tuyển sinh thêm khối A1 (trừ các ngành: Công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, công nghệ vật liệu, kỹ thuật dầu khí, công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng, kỹ thuật môi trường, quản lý tài nguyên và môi trường). Trường ĐH Kinh tế tuyển sinh khối C ngành quản lý Nhà nước. Trường ĐH Ngoại ngữ tuyển sinh thêm khối A1 ngành: Ngôn ngữ Nga, ngôn ngữ Thái Lan, quốc tế học và Đông phương học. Theo đó, ĐH Kinh tế sẽ lấy điểm chuẩn theo 3 nhóm ngành: Quản lý - kinh doanh, kinh tế - luật - thống kê, quản lý Nhà nước. Riêng Trường ĐH Sư phạm sẽ lấy điểm chuẩn theo khối thi. 
“Thực tế, tuyển sinh riêng không phải là vấn đề mới đối với các nhà trường, việc này các trường từng làm trước khi Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi “3 chung”. Điều căn bản nhất ở đây cách thi, kiểu thi… do các trường đề ra trong quá trình thực hiện tự chủ tuyển sinh. Cần nhất là làm thế nào để tuyển được thí sinh có năng lực phù hợp vào các ngành nghề đào tạo. Cần có lộ trình, kế hoạch cụ thể để hướng đến mục đích là đánh giá được năng lực thực sự của thí sinh qua mỗi mùa tuyển sinh. Làm như vậy sẽ giảm được tình trạng học lệch, học tủ, học thuộc bài một cách máy móc… đồng thời, hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm”, PGS.TS Trần Văn Nam nói.
Vĩnh Yên