Thứ ba, 5/8/2008, 10h25

Chính sách tín dụng đối với HSSV: Tín dụng người nghèo… cho người giàu

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Nhà của 1 hộ dân xã Vân Xuân (huyện Vĩnh Tường) được xác nhận là hộ khó khăn để vay vốn HSSV.(Dân trí) - Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV) đã mở ra cơ hội học tập, sinh hoạt cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, việc thực hiện Quyết định này có thực sự đúng với chủ trương?

PV Dân trí đã có cuộc điều tra và phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong sử dụng nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc.

Tìm hiểu tình hình vay vốn theo Quyết định 157 tại TP Vĩnh Yên, huyện Tam Dương, huyện Vĩnh Tường, thị xã Phúc Yên… chúng tôi đều nhận được câu trả lời giống nhau của các lãnh đạo các địa phương rằng: đối tượng được vay vốn là chính xác 100%.

Tuy nhiên sự thật không phải như vậy, ở tất cả các địa phương khi tiến hành điều tra, chúng tôi đều phát hiện ra các sai phạm trong đó đáng nói nhất là việc các hộ khá giả được chính quyền xác nhận là khó khăn để vay vốn.

Theo danh sách 54 đối tượng được vay vốn theo Quyết định 157 ở phường Tích Sơn (TP Vĩnh Yên), chúng tôi thấy hộ Kiều Thị Nguyệt (ngõ 4, đường Lam Sơn, Tích Sơn). Chị Nguyệt có con là Vũ Kiều Oanh (SV Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội).

Điều 1. Ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 - 2010 như sau:

 

1. Khu vực nông thôn: những hộ có mức thu nhập bình quân từ 200.000 đồng/người/tháng (2.400.000 đồng/người/năm) trở xuống là hộ nghèo.

 

2. Khu vực thành thị: những hộ có mức thu nhập bình quân từ 260.000 đồng/người/tháng (dưới 3.120.000 đồng/người/năm) trở xuống là hộ nghèo.

 

(Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 8/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ).

Chị Nguyệt kinh doanh hàng ăn uống, còn chồng bán bảo hiểm ô tô, xe máy. “Thu nhập chỉ được 5.000.000 đồng/tháng… được vay, lại vay với lãi suất thấp thì tội gì không vay” - chị Nguyệt thản nhiên nói với PV!

Với 5.000.000 đồng/tháng thì một năm gia đình chị Nguyệt có tổng mức thu nhập là 60.000.000 đồng. Đây là mức thu nhập khá cao, thế nhưng gia đình chị Nguyệt vẫn “được” UBND phường Tích Sơn xác nhận là hộ khó khăn cần hỗ trợ vay vốn.

Nằm ở trung tâm TP Vĩnh Yên, Ngô Quyền được coi là một trong những phường có tốc độ phát tăng trưởng kinh tế mạnh (tỷ lệ hộ nghèo năm 2007 là 0,87%). Năm 2007, phường Ngô Quyền đã hoàn thành và vượt kế hoạch hầu hết các chỉ tiêu KT-XH (theo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2007 của phường).

Với những thông tin trên thì chắc chắn ở phường Ngô Quyền sẽ có rất ít hộ làm đơn xin vay vốn để cho con em ăn học. Song, theo phản ánh của người dân thì trong số ít đó có 2 trường hợp “đặc biệt” được vay vốn HSSV là hộ Hoàng Hữu Hùng (khu hành chính số 4, đường Nguyễn Thái Học, chủ 1 doanh nghiệp làm ăn phát đạt) và hộ bà Trần Minh Khang (phố Lý Tự Trọng đang sống trong 1 ngôi nhà rất khang trang, chồng bà Khang là ông Hoàng Hữu Nhân, Bí thư UBND phường Ngô Quyền).

Khi PV Dân trí đề nghị giải thích về 2 trường hợp này thì ông Bùi Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường Ngô Quyền nói: các hộ đó đã trả lại tiền, vì vậy không nên nhắc đến nữa vì như thế là xúc phạm họ (!).

Riêng trường hợp ông bí thư phường nhà to đẹp cũng vay vốn HSSV thì ông Thắng nói rằng phường xác nhận không sai, vì vào thời điểm đó gia đình ông Nhân có lí do “đột xuất” vì có con bị ốm, phải nằm viện. Tuy nhiên, khi chúng tôi yêu cầu ông Thắng cung cấp hồ sơ để xác minh thì ông kiên quyết không hợp tác mà đề nghị không “truy cứu” (?).

Phường Liên Bảo có 77 HSSV được vay vốn hỗ trợ học tập. Hộ Nguyễn Thị Nguyệt (phố Láp, khu 7, Liên Bảo) có con là Đinh Quang Tuân, SV Học viện Tài chính Kế toán.

Giữa tháng 7/2008, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh chuẩn nghèo giai đoạn 2006 - 2010 theo CPI 2008 bằng 2 phương án.

 

Tuy nhiên nếu Thủ tướng chấp thuận phương án 2 thì chuẩn nghèo cũng mới là 300.000 đồng/người/tháng đối với nông thôn và 390.000 đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị.

 

(Kiến nghị này hiện chưa được thông qua - PV)

Chồng chị Nguyệt làm ở Công ty cổ phần Vật tư tổng hợp Vĩnh Phú (chi nhánh Vĩnh Phúc) còn chị kinh doanh hàng quán. Hiện tại, gia đình chị Nguyệt đang sống trong 1 ngôi nhà chính chủ cao tầng và có đầy đủ tiện nghi. Tuy nhiên, chị Nguyệt vẫn làm đơn xin vay vốn cho con ăn học và cũng được phường xác nhận là hộ “khó khăn”.

Tại thị xã Phúc Yên, làm việc với UBND phường Trưng Nhị về Quyết định 157 sau 1 năm thực hiện. Theo danh sách đối chiếu và tìm hiểu thực tế, chúng tôi phát hiện có rất nhiều gia đình khá giả (thậm chí giàu có) được xác nhận là khó khăn để vay nguồn vốn này.

Đơn cử như hộ Phạm Thị Nguyệt (tổ 9, phường Trưng Nhị), cả 2 vợ chồng chị Nguyệt đều là cán bộ, công nhân viên chức nhà nước, gia đình chị có cuộc sống khá sung túc; gia đình anh Nguyễn Văn Vĩnh (tổ 6, phường Trưng Nhị) có nghề làm bún gia truyền, thu nhập 70 triệu/năm, trong ngôi nhà cao tầng của anh Vĩnh không tiện nghi nào không có…

Làm việc tại UBND xã Vân Xuân (huyện Vĩnh Tường), ông Nguyễn Văn Lượng, Chủ tịch Hội Nông dân, cán bộ phụ trách tín dụng cho HSSV nhiều lần khẳng định với chúng tôi rằng: các đối tượng được xác nhận vay vốn chính xác 100%.

Nhưng bằng chứng cụ thể mà chúng tôi có được là hộ chị Lê Thị Hồng Nghi (thôn Xuân Húc 4 - Vân Xuân). Chị Nghi là giáo viên trường mầm non Vân Xuân, chồng là Trần Minh Sơn, Cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và ngôi nhà 3 tầng mà gia đình chị Nghi đang ở không có chướng ngại vật nào có thể che khuất được…

Qua kiểm tra sơ bộ và sự “thú nhận muộn màng” của chính quyền địa phương, chúng tôi được biết số hộ được vay vốn sai đối tượng ở xã Vân Xuân chiếm đến 10%.

Kỳ 2: Cơ quan chức năng không thể chối bỏ sự thật

Cẩm Chướng (theo VnExpress)