Chủ nhật, 13/4/2014, 10h04

Chồng chéo quản lý, đào tạo lãng phí

Theo các chuyên gia giáo dục, ngành kế toán chỉ đào tạo bậc trung cấp là đủ khả năng làm việc, tuy nhiên các trường ĐH hiện nay lại đào tạo rất nhiều. Trong ảnh: Lớp học ngành kế toán tại Trường ĐH Mở TP.HCM. Ảnh: A.K
Cần phải tái cấu trúc hệ thống giáo dục trong thời gian tới. Đó là khẳng định của các chuyên gia giáo dục trong hội thảo Tái cấu trúc hệ thống giáo dục do Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tổ chức ngày 12-4 tại Hà Nội.
Nhiều bất hợp lý tồn tại trong ngành giáo dục
Theo GS. Trần Phương - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội - giáo dục Việt Nam hiện nay không đi liền với phát triển kinh tế. Chúng ta đang bắt thanh niên học quá thừa. Cũng theo ông Phương, với 500.000 doanh nghiệp, công ty tư như hiện nay thì chỉ cần đến  trung cấp kế toán là đủ. Nhưng hiện nay, chúng ta cứ phát triển ĐH, do đó, bắt buộc các công ty phải dùng. Đào tạo thừa kiến thức và mất thời gian của người học. Không những thế, GS. Phương cho rằng chương trình ĐH cũng quá thừa và không thích hợp. Có nhiều môn phải ĐH nghiên cứu mới cần đến. Trong khi đó, các trường phải tuân theo khung chương trình cứng nhắc gây nên lãng phí thời gian và tiền bạc. Ông Phương đề nghị đào tạo phải phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế theo từng giai đoạn. Với tình hình kinh tế của Việt Nam như hiện nay, chỉ cần trung cấp nghề là chính. Các địa phương không cần phải đào tạo lắm cử nhân như hiện nay, vì kiến thức cũng không dùng đến. Do đó, cơ cấu các loại trường phải xem lại.
Trong bài phát biểu của mình, TS. Lê Viết Khuyến (Ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục ĐH thuộc hiệp hội) cho biết, hệ thống giáo dục nước ta đang có hướng đi bất hợp lý, nếu cứ theo đà này mục tiêu tới năm 2020 đất nước sẽ khó trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Công tác phân luồng sau THCS và sau THPT của Việt Nam đã thất bại. Con số thống kê năm học 2010-2011 cho thấy chỉ có 2,04% HS sau THCS vào TCCN và 4% vào dạy nghề, có tới 84% vào THPT. Tỷ lệ HS sau THPT vào học nghề và học TCCN cũng chỉ chiếm trên 15%. “Trong khi đó, phần lớn nhân lực được đào tạo dưới chuẩn. Công tác đào tạo không bám sát chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước và địa phương, thả nổi cho các cơ sở đào tạo dẫn tới cơ cấu trình độ cơ cấu ngành nghề không hợp lý. Cơ chế liên thông cũng bất hợp lý”, TS. Lê Viết Khuyến nói.
Còn theo GS. Nguyễn Minh Đường, hệ thống giáo dục quốc dân của chúng ta đang bị cắt khúc thành 5 đoạn không hợp lý. Hai đầu quản lý không nhất quán. Nên càng ngày càng mất cân đối. Hiện chưa có một văn bản nào khẳng định Việt Nam có bao nhiêu trình độ. Chúng ta vừa quản lý theo ngành, vừa quản lý theo lãnh thổ. Một đơn vị đào tạo có thể có tới 4 đầu quản lý. Ví  dụ CĐ Nghề Công nghiệp Hà Nội thì đầu quản lý đầu tiên là Bộ Công nghiệp, tiếp đến là Tổng cục Dạy nghề, Bộ GD-ĐT và vì đóng trên địa bàn Hà Nội nên còn có sự quản lý của UBND TP.Hà Nội. Với 4 đầu quản lý thì họ phát triển thế nào? Đó còn chưa kể cơ chế quản lý của chúng ta còn nặng về quản lý hành chính.
Cần quy hoạch lại mạng lưới giáo dục

Theo các chuyên gia giáo dục, đào tạo nghề hiện nay được quản lý rất “chồng chéo” và gây nhiều lãng phí. Trong ảnh: Sinh viên học ngành in của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM trong giờ thực hành. Ảnh: A.K

Cũng theo GS. Đường thì cần quy hoạch lại mạng lưới giáo dục để đáp ứng được sự phát triển kinh tế. Hiện nay chúng ta không phân luồng được nên không có một đội ngũ cán bộ, nhân lực như mong muốn. Và khi không phân luồng được thì sẽ không thể gắn được đào tạo với nhu cầu xã hội. Nói về vấn đề phân luồng, theo ông Trần Phương nên phân luồng từ THCS. Nhà nước phải thay đổi chính sách thì mới hấp dẫn được người học vào những nghề khác nhau. Lấy ví dụ ngay tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, GS. Trần Phương cho biết có đến 90% sinh viên của trường chọn các ngành nghề liên quan đến kinh tế, kinh doanh tài chính. Nguyên nhân do những ngành này luôn luôn được ngồi ở văn phòng có máy lạnh. Còn những ngành cơ điện tử rất ít sinh viên lựa chọn. Vì học nặng hơn nhưng lương sau khi đi làm cũng chỉ bằng hoặc thấp hơn ngành tài chính. Làm việc thì phải xuống nhà máy, xuống công trường. GS. Phương đề xuất phải trả lương cho những người làm kỹ thuật gấp đôi những người làm việc ở văn phòng thì may ra mới có người học. Như vậy, muốn phân luồng được thì chính sách phải khác.
Về cấu trúc ĐH, ông Phương cho rằng đồng ý với quan điểm chia giáo dục ĐH thành ĐH nghiên cứu và ĐH ứng dụng thực hành. Đối với ĐHQG, ông Phương khẳng định đó không phải là ĐH nghiên cứu. Ông lấy ví dụ, Khoa Kinh tế (tiền thân của ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội hiện nay), ông là một trong những người sáng lập có nhiệm vụ đào tạo ra những nhà nghiên cứu đầu ngành về kinh tế. Nhưng hiện nay, trường cũng chỉ đào tạo các ngành quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng… như tất cả các trường ĐH khác. Theo ông Phương những trường ĐH trọng điểm của cả nước chỉ có nhiệm vụ đào tạo ra các nhà toán học, vật lý học, hóa học… tức là đào tạo ít nhưng có quyền tuyển các tinh hoa vào học, con số này chỉ chiếm khoảng 10% sinh viên. 90% còn lại là học thực hành, ứng dụng.  TS. Lê Viết Khuyến thì đưa ra quan điểm cần đổi tên trường trung cấp nghề thành trung học nghề, điều chỉnh lại mục tiêu và chương trình đào tạo. Bảo đảm HS tốt nghiệp THPT vừa có trình độ văn hóa, vừa có nghề thành thạo. Đồng thời, chuyển đổi trường TCCN theo hai hướng: CĐ thực hành hoặc trung học nghề. Hợp nhất một phần trường THPT với các cơ sở dạy nghề ở địa phương để chuyển thành các trường trung học nghề.
Thiên Lam