Thứ bảy, 6/12/2008, 11h12

Đào tạo tiếng Anh theo chuẩn quốc tế: Lo ngại học phí sẽ tăng

 
 
Học tiếng Anh trong trường ĐH hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu - Ảnh: Đ.N.T
Tại hội thảo về “Đào tạo tiếng Anh trong các trường ĐH không chuyên ngữ” ngày 5.12, nhiều đại biểu đã nêu lên những vấn đề xung quanh việc áp dụng đánh giá năng lực tiếng Anh bằng các tiêu chuẩn quốc tế.

Ưu điểm rõ ràng, khó khăn trước mắt

PGS.TS Vũ Đình Thành - Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa TP.HCM chỉ ra rằng: cần thiết phải có một đề thi đầu vào và một hệ thống kiểm tra trình độ tiếng Anh với độ ổn định và tính chính xác cao để chuẩn hóa việc đào tạo tiếng Anh tại trường. Ông Thành cũng cho biết: SV đến từ nhiều vùng miền khác nhau trong cả nước nên trình độ tiếng Anh cũng rất khác biệt.

Chính vì vậy vào đầu học kỳ I, tất cả SV của trường phải tham dự kỳ thi kiểm tra tiếng Anh đầu vào. Dựa trên thang điểm 10-990 của bài thi TOEIC, căn cứ điểm thi đạt được, SV được phân làm 4 loại. Ví dụ, nếu đạt dưới 250 điểm, SV chưa đủ trình độ để học ngay môn Anh văn 1 và phải tự ôn luyện hoặc theo học các lớp bổ túc để chuẩn bị cho thi lại đầu vào nếu đạt mức từ 450 điểm trở lên thì SV sẽ được xét miễn học môn Anh văn 1 và 2...

Những ưu điểm của việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế trong đánh giá trình độ tiếng Anh đối với SV là điều khá rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều trường ĐH cũng bày tỏ lo ngại về khả năng đóng góp của người học. Đại diện lãnh đạo trường ĐH Luật TP.HCM cho rằng: SV đã phải chật vật với học phí hằng năm, giờ đây lại phải học các khóa bồi dưỡng tiếng Anh với mức học phí và tiền tài liệu quá cao so với khả năng tài chính.

TS Nguyễn Khắc Hùng - Phó hiệu trưởng trường ĐH Đại Nam phát biểu: Mục tiêu trước mắt đặt ra với mức điểm đầu ra cho SV là 400-450 điểm cũng là một thách thức không nhỏ, từ việc điều chỉnh chương trình đào tạo, tăng thêm số tiết học cho môn học này, cho đến xây dựng và sử dụng các giáo trình phù hợp... Cũng theo ông Hùng: đã tính đến việc tìm kiếm nguồn kinh phí hỗ trợ cho các SV thuộc các gia đình đặc biệt khó khăn nhận học bổng bồi dưỡng tiếng Anh.

Còn nhiều việc  phải làm

Ông Bành Tiến Long - Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT cho biết: Đề án đổi mới tài chính hy vọng sẽ được Bộ Chính trị thông qua vào đầu tháng 1.2009 sẽ là căn cứ để xác định lại khung học phí. Tuy nhiên, riêng đối với môn tiếng Anh, ngoài chương trình đào tạo chính, nếu SV phải học thêm để nâng cao trình độ đạt chuẩn quốc tế thì hiệu trưởng các trường phải xây dựng khung học phí phù hợp với nhu cầu và khả năng đào tạo của trường mình.

Để hỗ trợ người học, theo ông Long: trong thời gian tới các trường cần phải chọn ra những SV xuất sắc để có thể cho đi bồi dưỡng thêm ở nước ngoài 1 năm. Kinh phí này sẽ do Bộ GD-ĐT cấp từ Đề án 322. Các trường cần tiến hành xây dựng chuẩn trình độ tiếng Anh cho SV để làm tiền đề đào tạo tiếp, xây dựng các điều kiện đảm bảo chất lượng đồng thời kêu gọi các nhà tuyển dụng ký hợp đồng và cam kết hỗ trợ SV trong quá trình học.

Cũng theo ông Long: Bộ GD-ĐT đang xúc tiến để năm 2009 có ít nhất 30 chương trình tiên tiến giảng dạy bằng tiếng Anh và đến năm 2012 có thể có kiểm định chất lượng chương trình đào tạo dạy và học bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, khoảng quý I năm 2009, Bộ GD-ĐT sẽ trình Chính phủ đề án nâng cao năng lực và chất lượng giảng dạy tiếng Anh từ năm 2008-2020.

Tuệ Nguyễn (Theo TNO)