Thứ hai, 15/3/2010, 11h03

Giáo dục ĐBSCL: Chưa thoát khỏi khó khăn: Kỳ 2: Giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới

Lớp học bằng mây tre lá vẫn còn hiện hữu tại nhiều tỉnh của ĐBSCL

So với thời gian trước, những năm gần đây đã có những chuyển biến lớn trong đội ngũ giáo viên. Tình trạng thiếu giáo viên ở ĐBSCL đã cơ bản được khắc phục. Song song đó, chất lượng giáo viên cũng được nâng lên, tỉ lệ đạt và vượt chuẩn ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, khi đi vào phân tích cụ thể lại thấy tình trạng không đồng bộ trong lực lượng nhà giáo ở ĐBSCL...
Nghịch lý thiếu - thừa
Trong khi đội ngũ giáo viên bậc phổ thông ngày càng ổn định, thậm chí còn thừa giáo viên ở các môn văn hóa thì ĐBSCL vẫn còn thiếu một lượng lớn giáo viên mầm non, giáo viên dạy các môn năng khiếu, các môn đặc thù như: thể dục, công nghệ, mĩ thuật, âm nhạc, tin học…
TP. Cần Thơ hiện còn thiếu khoảng 300 giáo viên mầm non. Ở bậc phổ thông, do thiếu quy hoạch trong đào tạo giáo viên, nên tình trạng thừa nhưng vẫn thiếu đang ngày càng trầm trọng. Trong khi giáo viên ở các môn văn hóa ngày càng thừa thì lại thiếu giáo viên ở các môn: thể dục, công nghệ, tin học, giáo dục quốc phòng. Nhiều lãnh đạo phòng GD-ĐT than: Những năm gần đây, ngành giáo dục quận không nhận hồ sơ dự tuyển đối với các môn không thiếu giáo viên nhưng vẫn có rất nhiều người xin gửi lại hồ sơ. Điều này cho thấy, ở nhiều bộ môn, nhu cầu thì không có nhưng nguồn cung cứ ào ạt. Sự không đồng bộ trong thiếu - thừa giáo viên kéo dài suốt nhiều năm nhưng vẫn không được cải thiện.
Điều nghịch lý là ở bậc học phổ thông, lực lượng giáo viên đã bắt đầu thừa nhiều năm qua nhưng hầu như các trường sư phạm mùa tuyển sinh nào cũng tuyển sinh để đào tạo giáo viên. Vì vậy, hàng trăm giáo viên ở mỗi tỉnh, thành trong vùng tốt nghiệp mà không có chỗ dạy là điều tất yếu. Trớ trêu là ở chỗ: trong khi những giáo viên được đào tạo chính quy này bị thất nghiệp thì vẫn còn lượng lớn giáo viên chưa đạt chuẩn. Không thể phủ nhận, trước đây, chính lực lượng giáo viên này đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển giáo dục. Được tham gia vào những lớp chuẩn hóa, nâng chuẩn nên nhiều người trong số họ đã có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm nhất định cùng kinh nghiệm giảng dạy trong nhiều năm liền. Thế nhưng, thực tế cho thấy, cũng có những người tham gia học chuẩn hóa, nâng chuẩn chỉ với mục đích hợp thức hóa bằng cấp. Giải quyết lực lượng này như thế nào cho hợp tình, hợp lý là cả một vấn đề. Ông Nguyễn Huỳnh Đức, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: “Nhiều giáo viên đạt chuẩn về bằng cấp nhưng năng lực giảng dạy vẫn không hơn gì mấy so với lúc chưa đạt chuẩn nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục”. Cũng rất lo lắng, ông Nguyễn Ngọc Du, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, nói: “Một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới, ngại thay đổi nên không thể nâng cao chất lượng giảng dạy”. Nhưng giải quyết những trường hợp này như thế nào cho hợp tình hợp lý là điều không dễ dàng.
Giáo viên dạy nghề, CĐ, ĐH: Thiếu trầm trọng
Lực lượng giáo viên mầm non, phổ thông đã vậy, lực lượng giáo viên, giảng viên ở bậc học cao hơn cũng không khác bao nhiêu. Hàng loạt trường trung cấp, cao đẳng, đại học được nâng cấp hoặc thành lập mới nhưng lực lượng giáo viên cho các trường lại không đủ. Tình trạng thỉnh giảng diễn ra ồ ạt ở nhiều tỉnh, thành trong khu vực là điều khó tránh khỏi. Để tiết kiệm kinh phí, nhiều trường thường sắp 10 tiết học/ngày. Dạy và học như thế liệu có đảm bảo chất lượng? Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, ĐBSCL hiện có 1.285 giáo viên dạy trung cấp chuyên nghiệp, tăng 26% so với trước năm 2005; trong đó, chỉ có 0,47% tiến sĩ, 5,84% thạc sĩ. Các trường đại học, cao đẳng có 3.655 giảng viên; trong đó, chỉ có 4,4% giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, 29,4% thạc sĩ. Tỉ lệ này thấp hơn các trường ở các tỉnh, thành khác rất nhiều. Ở các trường trung cấp, cao đẳng mới được nâng cấp, thành lập mới, việc xây dựng đội ngũ giảng viên cũng gặp rất nhiều khó khăn. Là trường dạy nghề nhưng Trường CĐ Nghề An Giang (tỉnh An Giang), Trường Trung cấp Nghề Thới Lai, (TP. Cần Thơ) lại thiếu giáo viên dạy nghề, để dạy các môn chuyên sâu. Biết thiếu nhưng trường khó có thể tuyển giáo viên vì không có nguồn để tuyển.
Bài, ảnh: Bảo Ngọc