Thứ ba, 24/3/2015, 22h03

Giáo dục di sản văn hóa phi vật thể trong nhà trường: Việc dễ khó làm

Một tiết dạy âm nhạc cho HS tiểu học tại TP.HCM. Ảnh: N.Trinh

Trong hai ngày 24 và 25-3, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT phối hợp cùng UNESCO, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tăng cường sử dụng di sản văn hóa phi vật thể trong giáo dục và sự phát triển bền vững tại khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Giáo dục di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào dạy thử nghiệm tại Việt Nam cách đây 11 năm, đến nay, mô hình này đã lan rộng nhưng vẫn còn những tồn tại khó khăn nhất định.
5% học sinh không biết một bài dân ca nào
Trong số các loại văn hóa phi vật thể, dân ca (quan họ Bắc Ninh, giặm xứ Nghệ, ca Huế) đã sớm được giới thiệu trong nhà trường. Năm 2004, GS. Trần Văn Khê và các cộng sự của mình lần đầu tiên thử 12 mô hình giảng dạy âm nhạc truyền thống tại Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP.HCM. GS. Trần Văn Khê trực tiếp đứng lớp. Ưu điểm của phương pháp này là luyện tai nghe cho chính xác, vận dụng trí nhớ ghi lại trong đầu những gì thầy dạy trước khi luyện con mắt đọc đúng, đọc mau những tín hiệu của bản ký âm theo cổ truyền hay theo phương Tây. Bên cạnh đó, GS. Trần Văn Khê cũng dạy nhiều bài hát ru, hát đồng dao, bài vè, câu đố, bài thơ cho học sinh... Từ đó đến nay, Bộ GD-ĐT đã có chú ý, hướng dẫn để các trường tiểu học triển khai dạy và học dân ca vào nhà trường. Tuy nhiên, cho đến nay, hiệu quả của việc đưa dân ca  đến với thế hệ trẻ chưa thực sự đạt như mong đợi. Vì trong nhà trường, việc dạy và học dân ca chỉ mới dừng ở mức như một môn học ngoại khóa, mang tính chất giới thiệu, chứ chưa được đánh giá đúng vai trò, giá trị và từ đó chưa được đầu tư, chú trọng trong hệ thống các môn học của nhà trường phổ thông. Nhiều giáo viên dạy nhạc cũng phải thừa nhận: Học nhạc trong nhà trường không đi đôi với việc thực hành; hoặc thực hành ở mức độ đơn giản, hạn chế, khiến giờ học trôi qua nặng nề. Chưa kể, chương trình, sách giáo khoa quá đơn điệu, không được hệ thống, phân loại một cách chặt chẽ, khoa học khiến cho HS cảm thấy không hứng thú. Trong số hơn 80 bài hát trong chương trình tiểu học, chỉ có một số bài hát dân ca được đưa vào giảng dạy. Nhưng nội dung chương trình quá đơn điệu, không đủ cung cấp cho các em hiểu biết đơn giản và hệ thống về kho tàng âm nhạc dân tộc phong phú của nước ta. Điều này cũng được khẳng định trong kết quả của một cuộc khảo sát tại một số trường THCS. Kết quả cho thấy có khoảng 21% học sinh biết được trên 10 bài dân ca Việt Nam, 73,4% học sinh biết chưa đến 10 bài dân ca Việt Nam và khoảng 5% học sinh không biết một bài dân ca nào. Nhưng theo ThS. Nguyễn Thị Tố Mai, Trưởng khoa Sư phạm âm nhạc Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương, không phải học sinh thờ ơ hoàn toàn với dân ca. Mà cái chính là làm sao để cho giờ dạy dân ca hấp dẫn được các em.
Những tín hiệu vui
Ông Võ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết năm 2005, bảo tàng đã xây dựng thành công và đưa vào thí điểm giảng dạy văn hóa phi vật thể vào các môn khoa học tự nhiên bậc THCS bằng 4 tiết giảng: Đưa đèn kéo quân vào môn vật lý lớp 8 ở bài đối lưu và bức xạ nhiệt; đưa rối nước vào vật lý lớp 8 bài sự nổi, văn hóa trầu cau vào hóa học lớp 9 bài canxi hyđroxit và đưa gốm Bát Tràng vào môn khoa học lớp 9 bài silic và công nghiệp silicat. Tiếp đó 2012, bảo tàng đã đưa văn hóa dân tộc thiểu số ở Kon Tum vào các môn học.  Từ tháng 8-2013 đến tháng 8-2014, bảo tàng đã kết hợp với Trường THCS Lê Quý Đôn, Cầu Giấy, Hà Nội và THCS Tử Nê, Trường THCS Thanh Hối, Hòa Bình thực hiện dự án giáo dục văn hóa phi vật thể vì sự phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, thời gian qua, đã có nhiều địa phương chủ động đưa di sản vào trường học khá thành công, những hoạt động đưa giá trị văn hóa truyền thống giáo dục đạo đức cho học sinh thời gian qua đã được các cấp, các ngành quan tâm. Mỗi tỉnh một cách thức đưa di sản đến gần hơn với cộng đồng. Tỉnh Bắc Ninh, Nghệ An có phong trào đưa dân ca vào trường học, Phú Thọ có phong trào đưa hát xoan, Lạng Sơn có phong trào đưa đàn tính, hát then vào dạy học sinh phổ thông... Nhiều trường phổ thông tại Hà Nội đưa học sinh tới tham gia CLB Em yêu lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia để học lịch sử qua hệ thống bảo tàng... Phương thức tổ chức dạy học giáo dục di sản văn hóa được thực hiện lồng ghép vào các môn học ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, âm nhạc, mỹ thuật..., hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông nội khóa hoặc ngoại khóa cũng mang lại nhiều hiệu quả tích cực.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: Nhà trường phổ thông vừa có trách nhiệm giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh về di sản văn hóa, vừa có trách nhiệm sử dụng di sản văn hóa để dạy học. Việc sử dụng di sản văn hóa để dạy học sẽ mang lại những kết quả tích cực vừa có giá trị ở phương pháp giáo dục kiến thức phổ thông theo quy định của chương trình, vừa nâng cao nhận thức và trách nhiệm của HS đối với di sản văn hóa. Bởi vậy chương trình được xây dựng cần có sự linh hoạt và phải phù hợp với văn hóa địa phương và dân tộc, phù hợp với mọi điều kiện của nhà trường ở: Nông thôn, đô thị, miền núi, ven biển, hải đảo... và mọi đối tượng HS. Quan niệm chỉ đạo là lấy HS và hoạt động học làm trung tâm; tận dụng khai thác nguồn học liệu tại chỗ là những di sản văn hóa gần gũi, xung quanh môi trường sống, dễ hiểu với HS và sử dụng những kinh nghiệm và tri thức của người địa phương. Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, hiện nay, giảng dạy về di sản đã là yêu cầu với các trường phổ thông. Các dự án đưa di sản vào trường học có được tác động tích cực nhưng còn không ít thách thức đối với các nhà quản lý giáo dục, văn hóa.
Nghiêm Huê