Thứ năm, 18/9/2014, 20h09

Khắc ghi hai chữ “trách nhiệm”

Giờ lên lớp của thầy Hải 

Thực hiện những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc, những năm qua, cùng với các ngành, các cấp trong cả nước, ngành GD-ĐT TP.HCM đã triển khai và thực hiện có hiệu quả việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Một trong số những nhà giáo thực hiện tốt lời dạy của Bác là thầy Nguyễn Thanh Hải (giáo viên Trường THCS Đồng Khởi, Q.1). Thầy đã làm thay đổi suy nghĩ của HS từ chỗ ghét đến mê môn lịch sử…
Cái chuyện mà HS không thích môn sử, nó có nhiều lý do lắm. Đầu tiên phải kể đến lý do môn sử chỉ là môn… phụ. Đối với HS THCS thì môn sử không phải là môn thi lên lớp 10. Còn đối với HS THPT thì vài ba năm môn sử mới được chọn để thi tốt nghiệp. Chính vì vậy mà các em có phần bỏ bê môn học này. Song, nguyên nhân sâu xa là do: “Kiến thức trong sách giáo khoa quá nhiều, quá hàn lâm. Đòi hỏi HS không chỉ phải nhớ ngày tháng năm, nhớ sự kiện mà còn phải nhớ cả những con số. Điều này khiến các em… sợ môn lịch sử”, thầy Hải thừa nhận.
Là một giáo viên khi bước vào lớp thấy HS uể oải thì chẳng ai còn tâm trí để mà giảng bài. Nếu thầy và trò không có hứng thú dạy và học thì sẽ dẫn đến tình trạng… “dân ta không biết sử ta”. Nghĩ đến điều này thầy Hải không khỏi day dứt. Câu hỏi: “Phải làm sao để HS chịu học môn sử” cứ nhảy múa mỗi ngày trong đầu thầy.
Thầy Hải thổ lộ rằng, thực hiện việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua, tôi thấm nhuần lời dạy của Bác về việc đề cao tinh thần trách nhiệm - trách nhiệm trong cuộc sống, trách nhiệm với công việc. Vì vậy, tôi luôn tự nhủ với bản thân phải giảng dạy bằng cả tâm huyết của một người thầy để khi bước ra khỏi lớp không bị áy náy. Và thế là trước mỗi giờ lên lớp tôi đều nghiên cứu kỹ nội dung bài giảng, chọn ra phương pháp giảng dạy phù hợp nhất với lứa tuổi HS (vì thầy Hải vừa dạy lớp 6, vừa dạy lớp 9 - PV). Tôi giảm bớt những kiến thức hàn lâm trong sách giáo khoa và thay vào đó bằng những câu chuyện về các nhân vật, sự kiện lịch sử liên quan đến nội dung của bài. Trong quá trình giảng dạy tôi thường sử dụng các công cụ hỗ trợ như bản đồ, sơ đồ (thầy Hải tự vẽ - PV), hình ảnh minh họa về các sự kiện, chân dung lịch sử do tôi sưu tầm. Tôi không yêu cầu HS phải nhớ tất cả các sự kiện nêu trong sách giáo khoa mà chỉ cần các em nhớ những sự kiện quan trọng. Để có thể nhớ được những sự kiện này tôi chỉ cho các em thấy tất cả các sự kiện quan trọng đều có ngày kỷ niệm như ngày thành lập Đảng (3-2), ngày Cách mạng tháng 8 (19-8), ngày Nam bộ kháng chiến (23-9), ngày Quốc khánh (2-9)…
Với cách dạy chỉ tập trung vào những kiến thức trọng tâm và kèm theo những câu chuyện bên ngoài SGK, thầy Hải đã nhanh chóng chinh phục được HS, làm cho các em “chịu học môn sử”. Thậm chí có nhiều em còn yêu thích môn học này… Bằng chứng là năm học nào Trường THCS Đồng Khởi cũng có hàng chục HS đăng ký tham gia đội tuyển HS giỏi môn sử. Được sự chăm chút, chỉ bảo tận tình của thầy Hải, nhiều em đã đạt giải cao trong cuộc thi HS giỏi cấp thành phố.
Cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Khởi - nhận xét: “Mặc dù hoàn cảnh gia đình tương đối khó khăn, cả hai vợ chồng đều là giáo viên dạy sử, con thì còn nhỏ nhưng thầy Hải lúc nào cũng tận tâm, tận lực với công việc. Đặc biệt là công tác bồi dưỡng HS giỏi, năm nào HS của thầy cũng đem vinh quang về cho nhà trường mặc dù điểm đầu vào của trường là thấp so với nhiều trường trên địa bàn quận”.
Được biết, trong năm 2013, thầy Hải đã vinh dự được Quận ủy Q.1 công nhận là tấm gương tiêu biểu trong việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Bài, ảnh: Hòa Triều