Thứ hai, 28/6/2010, 08h06

Khủng hoảng sách thị trường: Kỳ cuối: Sách lậu lên ngôi

Sách lậu được bày bán công khai trên lề đường Võ Thị Sáu, Q.3

Sách làm lậu đang là một vấn nạn nhức nhối của ngành xuất bản Việt Nam. Số đầu sách in lậu gia tăng tỉ lệ thuận với chuỗi thời gian, theo đó, các mánh khóe cũng trở nên tinh vi và đáng sợ hơn.
Theo đúng quy trình, một ấn phẩm trước khi đến tay độc giả phải trải qua các công đoạn sau: chuyển ngữ (sách dịch)/ sáng tác (sách trong nước) ® mua tác quyền (sách dịch)/ trả nhuận bút (sách trong nước) ® biên tập lượt đi ® kiểm định nội dung (nhà xuất bản (NXB) cấp phép nếu nội dung đạt yêu cầu) ® biên tập lượt về ® ra nhũ ® in ® làm bìa ® nộp lưu chiểu ® phát hành. Thế nhưng, để tiết kiệm thời gian và chi phí, không ít công ty sách (CTS) đã đốt cháy một hoặc rất nhiều giai đoạn trong quy trình này.
Công nghệ làm sách lậu
Thông thường, có ba hình thức làm sách lậu: nối bản, lậu sách của NXB hay CTS khác, lậu hoàn toàn. Tùy theo hoàn cảnh và khả năng mà những người làm ăn bất chính chọn cho mình cách làm sách “lậu” khác nhau. Có người chọn phương án thứ nhất vì muốn được an toàn. Họ lợi dụng sơ hở trong việc cấp phép của NXB (về số lượng và thời gian hết hạn giấy phép) để in vượt số lượng sách đăng ký trong lưu chiểu hoặc tái bản mà không xin giấy phép mới. Số sách trội ra sẽ mang về khá nhiều tiền cho người làm sách bởi những sách được chọn làm lậu đều là ấn phẩm bán chạy trên thị trường.
Bên cạnh đó, nhiều CTS khi nhìn thấy đối thủ của mình thắng đậm trên thương trường thì nảy lòng tham. Vì thế, họ không ngần ngại “luộc” sách của đối phương. Để tránh bị “sờ gáy”, những người làm lậu sách tiến hành thay đổi nội dung, hình ảnh, thậm chí dịch khác, dịch sai bản gốc rồi nhanh chóng tung sách ra thị trường trong thời điểm hút hàng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của những CTS hay NXB làm ăn chân chính. Điển hình cho kiểu “luộc” sách nêu trên là hai tập trong bộ sách Sống hạnh phúc và kết bạn của Saigonbook. Tuy có chỉnh sửa đôi chút nhưng hai tập sách nêu trên bị coi là bản sao của hai tập đầu trong bộ sách Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi của tác giả Andrew do NXB Trẻ giữ bản quyền tại Việt Nam.
Cách “luộc” sách liều lĩnh và đáng gờm nhất chính là làm lậu hoàn toàn. Người chuyên làm sách lậu thường nhằm vào những đầu sách đang bán chạy trên thị trường rồi sao chép lại 100%. Với kỹ thuật scan chất lượng cao và sao chụp hiện đại như ngày nay, toàn bộ nội dung cuốn sách gốc được sao lại trong thời gian rất ngắn để tung ra thị trường cho kịp thời điểm. Nhằm nâng cao lợi nhuận, những tên đạo sách tiến hành thu nhỏ khổ, dàn lại, giảm số trang nhằm giảm giá thành ấn phẩm. Những cuốn sách ra đời từ công nghệ tinh vi này, cho dù được bán với giá thấp hơn giá bìa từ 30-35% cũng thu về lợi nhuận rất cao.
Vào vai một người đi mua sách, chúng tôi tạt vào một vài chiếu sách vỉa hè trên đường Trương Định, Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu… để quan sát tình hình. Ở đây, rất nhiều truyện và tiểu thuyết “lậu” được bày bán công khai. “Anh ơi, có tiểu thuyết nào hay hay không?”, chúng tôi hỏi. “Nhiều lắm em ơi, toàn truyện mới không đó. Em muốn mua cuốn nào cứ nói tựa anh tìm cho. Mỗi cuốn giảm 30%”. Chọn lựa mãi, cuối cùng chúng tôi mua cuốn tiểu thuyết Yêu anh hơn cả tử thần (Tào Đình) với số tiền 22 ngàn (giá bìa 32 ngàn). Qua kiểm tra sơ bộ chúng tôi nhận thấy, sách được làm từ giấy chất lượng kém, chữ in bị nhòe rất khó đọc, nhiều chỗ còn mất luôn chữ. Tuy chất lượng không đảm bảo nhưng những ấn phẩm “lậu” này vẫn thu hút khá nhiều người, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên và những người có thu nhập thấp vì giá chỉ bằng 2/3 giá sách gốc!
Giải pháp ở đâu?
Có thể nói, chưa bao giờ thị trường sách lậu lại náo loạn như hiện nay. Nó biến tấu muôn hình vạn trạng khiến độc giả và cả người trong cuộc khó biết trước để lường. Đến khi phát hiện mình bị hại, các NXB và CTS mới nhờ cơ quan chức năng bắt tay vào cuộc. Nhưng cũng lắm khi vì giữ thể diện và mối quan hệ hợp tác với nhau, các CTS tự giải quyết mâu thuẫn của mình. Các biện pháp được đưa ra chủ yếu là: tiêu hủy sách lậu, phạt hành chính với số tiền không đáng kể, viết giấy cam kết… Những hình phạt này được coi là quá nhẹ nên không bao giờ đủ tính răn đe với những người hám lợi. Khi không thể tự thân vận động, người bị hại chỉ còn cách gõ cửa các cơ quan chức năng nhờ giúp đỡ. Và ở đây họ cũng nhận được cách giải quyết tương tự.
Để tự bảo vệ mình, nhiều NXB và CTS gắn kết chặt chẽ hơn với công ước Berne (công ước bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật). Gia nhập công ước này, các thủ tục giao dịch bản quyền sẽ phải theo một tuần tự nhất định, nó đòi hỏi NXB hay CTS đó cần đầu tư thời gian và tiền của hợp lý. Phí tác quyền dao động khoảng từ 5-10% trên giá bìa cho lần xuất bản đầu tiên. Thời gian từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc giao dịch có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng tùy theo khả năng ngoại giao của các “nhà thầu” sách trong nước. Tuy nhiên, không phải khi nắm tác quyền trong tay, người làm sách có thể yên tâm với “chén cơm manh áo” của mình, bởi sách có bản quyền vẫn bị in lậu như thường. Người hám tiền cứ tiến hành in lậu, đến khi bị phát hiện thì chịu phạt hành chính và bị thu hồi hoặc tiêu hủy sách. Nhưng đâu phải “mẻ lưới” in lậu sách nào cũng gặp “bão” để mà mất trắng. Chị T.L, nhân viên phòng tác quyền của một CTS chia sẻ: “Có lẽ việc kiểm tra và xử phạt tại nước ta chưa đủ mạnh để kìm chân những người làm sách bất chính. Việc kiểm tra các CTS khả nghi chưa được tiến hành thường xuyên nên vẫn còn kẽ hở cho họ luồn lách”.
Điều 36 Luật Xuất bản quy định,các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong lĩnh vực in xuất bản phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị cảnh cáo hoặc phạt tiền, đình chỉ in xuất bản phẩm đang in và có thể bị áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động in xuất bản phẩm, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Chúng tôi mong sao các cơ quan chức năng sớm đưa ra những biện pháp cứng rắn hơn để lấy lại sự trong sạch cho ngành xuất bản nước nhà. Đừng để sách lậu chiếm lĩnh thị trường bởi nó sẽ làm tổn hại rất lớn đến nguồn tri thức của con em chúng ta.
Bài, ảnh: Mỹ Dung