Thứ sáu, 10/12/2010, 15h12

Kiên quyết không để học sinh bỏ học

Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế bên lề cuộc họp HĐND tỉnh ngày 8-12, về nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học có chiều hướng gia tăng ở tỉnh này.
Theo bà Hà, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học được xác định chủ yếu do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn; học sinh có học lực yếu kém; học sinh ở xa trường, lớp học trong khi giao thông ở một số vùng sâu, xa còn quá khó khăn; một số địa phương vận động học sinh tới lớp chưa thật sự quyết liệt, chưa có giải pháp thích hợp; nhận thức về việc học tập của một bộ phận phụ huynh học sinh, nhất là vùng cao, vùng dân tộc khó khăn còn hạn chế… Từ những năm học trước, ngành GD-ĐT và các cấp chính quyền, đoàn thể đã có nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng này song hiệu quả chưa được như mong muốn.
Đây là một thực tế đòi hỏi ngành GD-ĐT và các cấp chính quyền phải nghiên cứu những giải pháp mới, phù hợp với thực tiễn. Trước hết, cần phải có những khảo sát nghiêm túc trên diện rộng về vấn đề này để có những kết luận chính xác, làm cơ sở để đề ra những giải pháp hữu hiệu. 
Trước những lo âu của dư luận về vấn đề học sinh bỏ học hàng loạt ở một số nơi trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây, Sở GD-ĐT đã tổ chức nhiều cuộc bàn thảo nhằm tìm ra giải pháp mạnh để khắc phục tình trạng này. Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm học, các địa phương đã thực hiện hàng loạt biện pháp như: rà soát, phân loại học sinh; cử giáo viên bồi dưỡng học sinh yếu kém, động viên từng đối tượng học sinh đã bỏ học tiếp tục ra lớp, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho các em đến trường. 
Để giảm đến mức thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học, ngành GD-ĐT tham mưu với các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội và cấp ủy, chính quyền địa phương giải pháp thích hợp vận động học sinh ra lớp. Xác định và đánh giá thực chất nguyên nhân bỏ học của học sinh từng địa bàn để có biện pháp giải quyết kịp thời. Gắn kết giữa các sở GD-ĐT với UBND các huyện, thị xã, thành phố để nắm bắt tình hình và bàn biện pháp chỉ đạo, các biện pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học. Huy động các nguồn lực giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, hỗ trợ sách giáo khoa, văn phòng phẩm, mua tài liệu đọc thêm, sách truyện, dụng cụ thể thao để thu hút các em vào hoạt động vui chơi giải trí. Đặc biệt, kiên quyết không để học sinh bỏ học vì thiếu sách giáo khoa.
Đối với những địa bàn khó khăn, cần điều tra, khảo sát và lập đề án xin Nhà nước hỗ trợ kinh phí. Bên cạnh đó, kêu gọi các lực lượng xã hội xây dựng quỹ, tổ chức các đợt hỗ trợ thiết thực cho học sinh nghèo.
Vĩnh Yên