Thứ tư, 7/7/2010, 08h07

Ngôi trường trong lòng “địa đạo”

Lớp học trong căn phòng 15m2 của Trường TH Âu Cơ

Từ 10 năm nay, Trường Tiểu học Âu Cơ (quận 11, TP.HCM) được biết đến với việc những lớp học được bố trí như trong lòng “địa đạo”. Những lớp học bé tẹo, xuống cấp trầm trọng và có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào…
Được xây dựng từ năm 1964, tiền thân của Trường TH Âu Cơ là hai ngôi trường tư thục Hoa văn với tổng diện tích gần 2.000m2, sau giải phóng hai trường này được ghép lại (do ở cùng trên một diện tích) thành trường cấp 1, 2 và sau này là Trường TH Âu Cơ.
Phòng học “ma trận”
Cầu thang dẫn lên các phòng học được thiết kế như “ma trận” tối, ẩm mốc và đặc biệt ở chỗ, đi một cầu thang có thể vào được ba dãy phòng học rồi đâm thẳng ra khu vệ sinh của học sinh sau đó đi ngược lên khu bán trú.
Thầy Trương Thành Diễn, Hiệu trưởng nhà trường hướng dẫn chúng tôi đi tham quan những phòng học “địa đạo” của trường và không quên hóm hỉnh nhắc nhở: “Các bạn đi là phải bám sát theo tôi nếu có “bị lạc” ở đâu thì nhớ phải gọi điện thoại vào số máy của trường, để có người tới ứng cứu kịp thời”. Để lên lầu 1 chúng tôi “mò mẫm” đi vào hệ thống cầu thang có bề ngang chưa tới 1m, tối om do thiếu ánh sáng mặt trời còn bóng đèn đã được “tinh giản” vì giá tiền điện. Khi lên tới nơi, trước mắt chúng tôi là dãy phòng học của khối 1 đan xen với ngách thông ra khu vệ sinh rộng cũng gần 1m, những cánh cửa các phòng học cái còn, cái gãy rời ra khỏi ô cửa. Bước vào bên trong phòng học một mùi ẩm mốc nồng nặc xộc thẳng vào mũi, ba dãy bàn ghế siêu vẹo, trên tường mạng nhện giăng mắc khắp nơi. Rời lầu 1 chúng tôi tiếp tục đi qua cầu thang hình chữ H để tới khối 2 và 3. Tình trạng các phòng học ở đây còn thê thảm hơn, những phòng học nhỏ đến “không tưởng”, chỉ rộng khoảng… 15m2, phòng này thông qua phòng kia bằng lối cửa ngách. Để minh chứng cho sự “liên thông” giữa các phòng học này, thầy Diễn đi qua ngay trước mặt chúng tôi sang phòng học bên cạnh bằng cửa ngách bên bàn giáo viên, 3 phút sau từ phía sau lưng thầy khều lưng tôi và đứng ngay bên cạnh. Cười buồn, thầy Diễn chua chát: “Các bạn thấy có giống trò chơi trốn tìm của học sinh không? Chưa hết đâu, ở các lớp học này còn có rất nhiều chuyện “cười ra nước mắt”. Chẳng hạn như có học sinh lớp 2 đang học, xin ra ngoài đưa phụ huynh vào lớp để xin giáo viên chủ nhiệm nghỉ học nhưng em đưa lộn sang lớp khác; còn giáo viên chủ nhiệm thì không biết học sinh đó học ở lớp nào?”.
Tiếp tục lên lầu 3, nơi học lớp bán trú của học sinh khối 4, 5. Các phòng học ở đây cũng có diện tích rộng bằng khối 2, 3 và phía ngoài sân thượng rộng gần 50m2 được tận dụng làm “sân chơi” cho học sinh. Sau đó từ “sân chơi” này, chúng tôi tiếp tục hành trình đi xuống tầng trệt bằng lối cửa ngách của phòng bán trú học sinh, mà chúng tôi tưởng đó là phòng cho thuê của công nhân ở các khu nhà ổ chuột!
“Thạch nhũ”… trong phòng thư viện
Điều đặc biệt của Trường TH Âu Cơ là tất cả các phòng học của trường không hề đúng quy chuẩn. Do được cải tạo lại từ hai trường tư thục cũ, căn phòng nào cũng nhỏ xíu. Nếu quy chuẩn một phòng học phải có diện tích 6x8m thì phòng học ở Trường Âu Cơ chỉ đạt 3x5m. Mỗi phòng học chỉ có một cửa ra vào, trong khi theo chuẩn thì phải có hai cửa. Chính từ diện tích như vậy mà khu A (tạm gọi như thế) của trường đã xuống cấp trầm trọng, có thể đổ sập bất cứ lúc nào, một số khối học phải “lấn” sang khu B. Phòng ban giám hiệu nằm ở khu B, nó được tận dụng xây ở khoảng trống của cầu thang dẫn xuống “hầm” chơi của khu A. Ngách cầu thang được tận dụng làm phòng thư viện và chính tại phòng này… “điều kỳ diệu” đã xảy ra. Nước mưa, nước sinh hoạt của khu dân cư bên cạnh theo năm tháng ngấm dần vào từng mạch vữa, trần phòng học và tạo ra chỗ trũng ngay giữa phòng thư viện. Ngày qua ngày, nước nhỏ giọt xuống phòng đọc tạo ra hình dáng những cột “thạch nhũ” dài, ngắn đủ loại mà chúng ta chỉ có thể thấy được ở các hang động có hàng trăm năm tuổi! Để giải quyết nước ngấm tạo thành… “thạch nhũ” này, nhà trường phải phân công giáo viên luân phiên “canh chừng” để đi đổ thau nước hứng phía dưới khi đầy. Chính vì vậy mà phòng thư viện thường xuyên vắng bóng học sinh tới sinh hoạt hay đọc sách, truyện vì đồ dùng dạy học, tranh truyện bị ẩm mốc, chữ thì nhòe, trang này dính trang kia… Thầy Diễn tâm tư: “Trường quá cũ, nhiều phụ huynh lo lắng khi chẳng may có hỏa hoạn hoặc sự cố sập trường. Từ ngày tôi về trường đến nay, càng ngày sĩ số học sinh càng giảm. Nếu cách đây khoảng 5 năm trước toàn trường có 1.200 học sinh thì năm học 2009-2010 chỉ còn có 481 học sinh. Mặc dù Quận ủy, UBND và Phòng GD-ĐT quận 11 đã quan tâm chỉ đạo sâu sát việc xây mới ngôi trường này nhưng đang gặp phải khó khăn là những hộ xung quanh trường chưa chấp thuận giá đền bù để di dời. Cách đây gần 10 năm trường đã có dự án xây dựng mới nhưng gặp khó khăn trong giải tỏa đền bù, vì vậy mà đến bây giờ dự án xây mới trường vẫn “đóng băng” một chỗ”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy

Ông Lê Minh Mẫn, Bí thư Đảng ủy phường 6, quận 11: Từ thực tế của địa phương trong những năm qua dân số cơ hữu tăng liên tục. Do đó mà nhu cầu xây dựng mở rộng Trường TH Âu Cơ là rất cần thiết. Hiện nay phương án xây dựng mới đã được lập nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong việc GPMB. Do 13 hộ dân với diện tích khoảng 1.000m2 trong diện GPMB không chấp thuận phương án GPMB của quận. Chúng tôi đang kết hợp cùng quận để thuyết phục các hộ dân này cũng như tham mưu cho quận trong việc lập phương án đền bù GPMB mới.

Bà Tô Thanh Lan đại diện cho các hộ dân trong diện di dời trả đất lại cho trường: Tại hẻm 208 có ba hộ bị giải phóng mặt bằng (GPMB) với diện tích gần 200m2, trong đó có gia đình tôi. Ngay từ năm ngoái (2009) khi Ban giải phóng và đền bù của quận tổ chức họp, chúng tôi đã không chấp thuận phương án GPMB của quận. Nguyên do, giá đền bù 18 triệu đồng/m2 quá thấp so với giá thị trường hiện nay. Phương án nhận tiền đền bù sau đó mua lại căn hộ chung cư là không khả thi, vì các gia đình có từ 3 đến 5 gia đình nhỏ ở trong một nhà từ hơn 20 năm qua. Ở chung cư chúng tôi biết sinh sống, làm ăn ra sao khi nhân khẩu quá đông. Vì vậy, chúng tôi đã đề xuất khi GPMB, quận phải bố trí cho các hộ được ở trên đất tái định cư, có được như vậy chúng tôi mới chấp nhận bàn giao mặt bằng.
Bà Trần Bích Liên, Phó chủ tịch UBND quận 11: Thực hiện và chỉ đạo theo nghị quyết đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ trước, UBND quận đã chỉ đạo Ban giải phóng và đền bù làm việc trực tiếp với các hộ gia đình này, để có phương án đền bù khả thi nhất. Chúng tôi đã vận dụng các nghị định mới nhất trong công tác GPMB cũng như cập nhập, áp dụng giá đền bù thị trường và tạo điều kiện cho các hộ được tái định cư trong các căn hộ chung cư cho người thu nhập thấp của quận. Tuy nhiên các hộ này không chấp thuận. Trước mắt, chúng tôi đang lập kế hoạch xây dựng Trường TH Âu Cơ trên diện tích thực có của trường để đẩy nhanh và cố gắng xây dựng trường trong quý 4 năm nay nếu không gặp trở ngại gì.
Thầy Lê Nguyên Vịnh, Trưởng phòng GD-ĐT quận 11: Lãnh đạo phòng cũng như UBND quận 11 rất quan tâm và chỉ đạo sát sao trong vấn đề xây dựng mới Trường TH Âu Cơ. Trước mắt, do khu A đã xuống cấp trầm trọng, phòng chỉ đạo nhà trường không được dạy học và sinh hoạt tại khu này, mọi hoạt động của trường phải dời hết sang khu B. Vào kỳ tuyển sinh đầu cấp hàng năm đều có cán bộ phòng xuống từng hộ dân có con em vào lớp 1 để vận động phụ huynh cùng nhà trường. Chúng tôi đang kết hợp chặt chẽ với UBND quận để bằng mọi cách nhanh nhất có thể khởi công xây dựng mới Trường Âu Cơ.