Thứ năm, 22/1/2015, 23h01

Nhiều dịch bệnh đã được khống chế

Năm 2014, tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp, trong nước có nhiều yếu tố nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Song, “Ngành y tế tiếp tục chủ động triển khai công tác phòng chống dịch, dự báo, phát hiện sớm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến - phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác y tế năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 tổ chức ngày 21-1.
Ngăn bệnh ngoại, giảm bệnh nội
Trong thời gian qua, thế giới luôn phải đối mặt với nhiều dịch bệnh, trong đó có những dịch bệnh có tỷ lệ tử vong cao, mức độ lây lan nhanh. Song, nhờ duy trì công tác giám sát dịch tễ thường xuyên, tăng cường giám sát tại các cửa khẩu nên các dịch bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết do virus Ebola, MERS-CoV, dịch hạch, cúm A(H7N9), cúm A(H5N6) đã không thể xâm nhập được vào nước ta.
Còn ở trong nước, tỷ lệ mắc và tử vong của hầu hết các bệnh truyền nhiễm đều giảm so với năm 2013. Cụ thể như bệnh sốt xuất huyết, có 36.055 trường hợp mắc với 20 trường hợp tử vong (so với năm 2013, số mắc giảm 49,3%, tử vong giảm 20 trường hợp); bệnh tay chân miệng: 79.485 trường hợp mắc, 8 trường hợp tử vong (số mắc giảm 0,2%, tử vong giảm 61,9% - 13 trường hợp so với năm 2013); thương hàn: 384 trường hợp mắc, không có tử vong (so với năm 2013, số mắc giảm 51,1%).
Riêng bệnh sởi tăng so với các năm trước và xuất hiện rải rác trên toàn quốc với 5.817 trường hợp mắc sởi xác định trong tổng số 36.478 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 147 trường hợp tử vong liên quan đến sởi. Tuy nhiên, dịch bệnh nhanh chóng được khống chế hiệu quả. Và để loại trừ bệnh sởi, chiến dịch tiêm vaccine sởi - rubella lớn nhất từ trước đến nay cho trẻ từ 1-14 tuổi đã được triển khai trên toàn quốc từ tháng 9-2014 đến tháng 2-2015 với tổng số 23 triệu trẻ, đến nay đã tiêm cho trên 14 triệu trẻ đảm bảo an toàn và hiệu quả.
“Mặc dù ngân sách các chương tình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) năm 2014 bị cắt giảm, nhưng Thủ tướng đã bổ sung kinh phí cho phòng, chống lao, tiêm chủng mở rộng, nhiều tỉnh đã bố trí ngân sách địa phương để tiếp tục triển khai có hiệu quả các dự án thuộc các CTMTQG, bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh...”, bà Tiến cho biết.
Tại TP.HCM, trong Hội nghị tổng kết công tác phòng chống dịch tổ chức ngày 22-1, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP - cho biết: Năm 2014, toàn TP ghi nhận 6.546 trường hợp mắc sốt xuất huyết (trong đó có 6 ca tử vong), giảm gần 7%; bệnh tay chân miệng là 7.816 ca. Các dịch bệnh như sởi (3.005 ca), tiêu chảy (6.620 ca, 2 tử vong) nhanh chóng được khống chế, không để lây lan ra diện rộng...
Không để dịch lớn xảy ra
Có thể nói, so với những năm trước, năm 2014 các bệnh truyền nhiễm không còn “hoành hành” tại khu vực trường học, các trường phải đóng cửa vì xuất hiện hàng loạt ca bệnh như trước giảm mạnh. Tuy nhiên nếu ngành y tế và các ngành liên quan chủ quan, lơ là thì nguy cơ dịch bệnh bùng phát lại trong năm 2015 là khó tránh khỏi.
Đúng như nhận định của bà Tiến: “Các dịch bệnh mới, bệnh lạ diễn biến khó lường. Mặt khác ngày càng nhiều yếu tố như môi trường, biến đổi khí hậu, xã hội và lối sống có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nhân dân”.
Trước tình hình này, tại hội nghị trực tuyến, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị ngành y tế tiếp tục kế thừa những kết quả đã đạt được trong năm 2014, tăng cường công tác y tế dự phòng, không để dịch bệnh lớn xảy ra.
Theo đó, triển khai công tác phòng chống dịch chủ động, dự báo, phát hiện sớm, khống chế kịp thời dịch bệnh. Đặc biệt giám sát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời bệnh dịch truyền nhiễm tại các cửa khẩu quốc tế, không để dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam bùng phát lây lan trong cộng đồng.
Tại TP.HCM, bác sĩ Dũng cũng thừa nhận: “Theo kết quả giám sát dịch tễ, dự báo các bệnh truyền nhiễm lưu hành tại TP không có sự gia tăng số ca mắc nhiều trên toàn TP, tuy nhiên có sự xuất hiện ổ dịch khu trú ở một số quận, huyện. Bên cạnh đó, TP.HCM là nơi có các cửa khẩu nên nguy cơ cao bệnh ngoại xâm nhập. Do vậy, mục tiêu chung của toàn ngành là khống chế số ca mắc sốt xuất huyết giảm 16%, tay chân miệng khống chế không để lây lan trong các trường mầm non, khống chế được dịch sởi...”.
Bài, ảnh: Hòa Triều