Chủ nhật, 19/10/2014, 22h10

Nỗi niềm ban đại diện cha mẹ học sinh: Bài 1: “Anh” là ai?

Đại diện BĐDCMHS các lớp phát biểu tại Đại hội Đại biểu CMHS Trường THPT Ngô Quyền năm học 2014-2015

Năm nào cũng vậy, cứ vào thời điểm này là hai chữ “lạm thu” lại xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Thậm chí có những trường chỉ thu 12 ngàn đồng/năm học để photocopy đề thi cho học sinh cũng bị bêu rếu là “lạm thu”. Và tình trạng “lạm thu” này xuất phát từ những đề xuất, ý tưởng của ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐDCMHS). Vậy BĐDCMHS là ai?
Những người… vác tù và hàng tổng
Thầy Trần Ái Việt - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, Q.7, TP.HCM - bức xúc: “Theo đánh giá của tôi, sự đóng góp của phụ huynh nói chung và BĐDCMHS nói riêng trong hoạt động giảng dạy là rất lớn. Nếu không có sự hỗ trợ này thì nhà trường khó mà hoạt động tốt được. Một số tờ báo nói, BĐDCMHS là cánh tay nối dài của ban giám hiệu các trường, nói như vậy là xúc phạm BĐDCMHS. Họ là những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, có được lợi lộc gì đâu mà còn bị gắn tiếng xấu…”.
Bà Đào Thị Bích Phượng (cựu Trưởng BĐDCMHS Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, Q.7) là một ví dụ. Trong thời gian “đương chức”, bà Phượng đã bỏ hơn 300 triệu đồng tiền túi để xây dựng hòn non bộ và sửa chữa hồ bơi cho trường… Đến bây giờ khi con đã ra trường, bà Phượng vẫn tiếp tục hỗ trợ nhà trường với vai trò mới - Chủ tịch Hội Khuyến học. Hàng năm bà Phượng bỏ ra hàng chục triệu đồng và tích cực vận động bạn bè hỗ trợ nhà trường trao học bổng, tặng xe đạp cho các HS có hoàn cảnh khó khăn. Không ít HS được bà Phượng hỗ trợ tiền học từ khi vào trường đến lúc tốt nghiệp…
Ông Huỳnh Văn Vang (phụ huynh HS Huỳnh Phương Anh, lớp 11A4 Trường THPT Ngô Quyền) cũng là một người… “vác tù và hàng tổng”. Năm học 2013-2014, với vai trò là Trưởng BĐDCMHS của trường, ông và các thành viên trong ban đã phối hợp với hiệu trưởng nhà trường thực hiện tốt công tác khen thưởng HS giỏi, HS đậu ĐH, trợ cấp HS nghèo nằm viện, tổ chức các sinh hoạt ngoại khóa cho HS… Đặc biệt, mua robot hỗ trợ HS nghiên cứu khoa học. Nhờ vậy mà 2 đội của Trường THPT Ngô Quyền đã vinh dự đạt giải nhất và nhì cấp quốc gia trong cuộc thi Robot Talent Contest vừa qua.
Tại Đại hội Đại biểu CMHS Trường THPT Ngô Quyền tổ chức ngày 12-10 vừa qua, ông Bùi Văn Minh - Trưởng BĐDCMHS lớp 12A8 - cho rằng: “Xuất phát từ nhu cầu thực tế của HS mà phụ huynh chung tay đóng góp hỗ trợ nhà trường, bởi ngân sách Nhà nước lo không xuể”.
Nhờ những người như ông Minh, ông Vang, bà Phượng… mà bộ mặt của nhiều trường trên địa bàn TP.HCM khang trang hơn, hoạt động dạy và học cũng tốt hơn.
Vẫn còn “con sâu làm rầu nồi canh”
Theo điều lệ BĐDCMHS của Bộ GD-ĐT, BĐDCMHS lớp có nhiệm vụ phối hợp với giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục HS. Đối với BĐDCMHS trường thì phối hợp với hiệu trưởng: Hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chủ trương chính sách về giáo dục đối với CMHS nhằm nâng cao trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, giáo dục HS; tổ chức giáo dục HS hạnh kiểm yếu tiếp tục rèn luyện trong dịp nghỉ hè ở địa phương; giáo dục đạo đức cho HS, bồi dưỡng, khuyến khích HS giỏi, giúp đỡ HS yếu kém, HS nghèo, HS có hoàn cảnh khó khăn, vận động HS đã bỏ học trở lại tiếp tục đi học…
Công việc thì thật nhiều nhưng chỉ là làm không công. Vì vậy nếu không phải là người thật sự tâm huyết với công tác giáo dục thì không thể làm được. Ấy vậy mà trên thực tế có không ít người chẳng có tâm huyết gì nhưng lại rất thích tham gia vào BĐDCMHS. Và tình trạng này chủ yếu xảy ra ở những “trường điểm”.
Hiệu trưởng một “trường điểm” ở Q.Gò Vấp kể: “Trước đây, trong trường có một phụ huynh rất thích tham gia vào BĐDCMHS. Thường thì trong quá trình bầu BĐDCMHS, thấy phụ huynh nào tự ứng cử là những phụ huynh khác đồng ý ngay. Vì vậy, phụ huynh này được bầu làm trưởng BĐDCMHS lớp, khi lên cấp trường cũng tự ứng cử và được bầu làm phó ban. Trong suốt năm học, phụ huynh này nói thì nhiều mà làm chẳng bao nhiêu. Đã vậy, trong kỳ tuyển sinh lớp 1 của trường, ông ấy còn bảo lãnh cho mấy em trái tuyến. Nhà trường không giải quyết cho trường hợp nào thì ông ấy quát tháo ầm ĩ, rồi kể công đã làm những việc này việc nọ cho nhà trường trong thời gian làm trong BĐDCMHS. Năm học tiếp theo, ông ấy vẫn tự đề cử vào BĐDCMHS của lớp nhưng không ai bầu. Vậy là ông ấy tìm gặp tôi nói những lời rất khó nghe, thậm chí còn dọa viết đơn tố cáo tôi”…
Một phụ huynh khác ở Q.1 cũng rất mê tham gia vào BĐDCMHS. Không phải vì vị phụ huynh này là “người nhiệt tình, có trách nhiệm trong việc phối hợp với giáo viên, nhà trường và ĐDCMHS trong lớp, trong trường thực hiện các hoạt động giáo dục HS” như quy định trong điều lệ BĐDCMHS, mà nguyên nhân chính mỗi năm anh ta bảo lãnh cho vài suất HS trái tuyến. Mỗi suất bảo lãnh trót lọt có thể bỏ túi vài chục triệu đồng…
Cũng có một số phụ huynh vào BĐDCMHS để vẽ ra hàng loạt công trình rồi bắt các phụ huynh khác phải đóng góp với số tiền lên tới vài chục triệu đồng. Sau đó, hưởng hoa hồng trong quá trình thực hiện công trình…
Chính những “con sâu” này đã gây bất bình trong dư luận xã hội, khiến không ít người cho rằng nên “xóa sổ” BĐDCMHS.
Tuy nhiên, trong quá trình giáo dục HS không thể tách rời nhà trường với gia đình, và BĐDCMHS chính là cầu nối. Vấn đề là phải làm sao để loại bỏ được những “con sâu làm rầu nồi canh” trong BĐDCMHS từ cấp lớp đến cấp trường tại các cơ sở giáo dục…
Bài, ảnh: Hòa Triều