Thứ hai, 1/8/2011, 09h08

Olympic Toán học Việt Nam tụt hạng không phanh

Khép lại một mùa Olympic các môn quốc tế năm 2011 với 2 tấm huy chương vàng ít ỏi. Có thể nói, đó là sự “tụt hạng” nghiêm trọng của các đoàn Olympic Việt Nam, đặc biệt là môn toán. Có người cho rằng đây là cú ngã đáng lo ngại nhưng nếu không ngã, có khi chúng ta vẫn không thoát khỏi hào quang của quá khứ.
Năm nay, kỳ thi Olympic quốc tế với các môn: Toán học, vật lý, hóa học, sinh học, tin học... đã khép lại. Thành tích nổi bật của đoàn học sinh Việt Nam có hai huy chương vàng: một của vật lý, một của tin học. Môn toán vốn được coi là thế mạnh của Việt Nam thì năm nay đứng ở vị trí thứ 31/101 - vị trí “chưa từng có” trong lịch sử thi Olympic Toán học quốc tế (IMO) của Việt Nam. Cách đây vài năm, Việt Nam từng giữ vị trí thứ 3 hai lần và liên tục là thuộc hàng “top 10” trên thế giới. Nhưng trong những năm trở lại đây, từ “top 20” Việt Nam đã “tụt” xuống “top 40”.
Nhìn ra các nước ở khu vực, nhiều năm trước, Việt Nam được xem như “cường quốc” về môn toán nhưng trong một vài năm gần đây, cụ thể là năm nay Việt Nam đã bị chiếm ngôi khi Singapore đứng thứ 3 và Thailand đứng thứ 5. Singapore tham gia IMO lần đầu tiên vào năm 1988 và liên tục trong những năm qua tham gia xếp hạng ngoài top 10, 20, 30 nhưng năm nay có thành tích vượt trội với 4 huy chương vàng. Thailand tham gia IMO lần đầu năm 1989 và luôn giữ ở thứ hạng “top 20”. Nhưng trong những năm gần đây, Thailand đã giữ quanh mốc 5 - một phong độ hiếm thấy trong bảng so sánh những kỳ tham gia IMO của nước này.
Trao đổi với báo chí, GS.TSKH Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, đồng thời là Trưởng đoàn đội tuyển IMO cho biết: “Cách tuyển chọn học sinh vào đội tuyển Olympic quốc tế như hiện nay đã dẫn đến sự tụt hậu của đoàn Việt Nam. Điều này chúng tôi không bất ngờ. Cách mà ta làm như hiện nay là như cách họ đã làm cách đây 20 năm”.
GS.TSKH Hà Huy Khoái cho rằng, sự tụt hạng thể hiện rõ nhất là trong năm nay. Ngoài ra có nguyên nhân khách quan là cấu trúc đề thi toán năm nay có thay đổi. Trong 18 năm gần đây trong đề thi luôn có hai bài hình học nhưng năm nay, hội đồng giám khảo đã thay đổi hai bài hình học này bằng hai bài toán tổ hợp. Điều này lại khác với truyền thống học của học sinh Việt Nam. “Mặc dù chúng tôi nói rất nhiều với các trường cần phải dạy tổ hợp. Nhưng các thầy ở trường ta hầu như không dạy tổ hợp nên các em học rất yếu. Nhưng đây cũng là lý do phụ để làm rõ hơn sự tụt hậu của Việt Nam thôi”, GS.TSKH Hà Huy Khoái chia sẻ.
Tại các diễn đàn học sinh chuyên đã bàn luận sôi nổi về sự tụt dốc này. Diễn đàn của học sinh chuyên Vĩnh Phúc, một thành viên bày tỏ: “Nguyên nhân là do cách ra đề không phù hợp của Bộ GD-ĐT so với đề thi toán quốc tế (thời gian làm bài gấp 2 lần, lượng bài thi phân bố trong hai ngày). Việc chọn học sinh giỏi ở nước ta chỉ có một bài thi, trong khi, các “cường quốc” về IMO như Iran, Mỹ, Trung Quốc… họ thi tận hai, ba vòng để chọn đội tuyển. Do vậy việc lọc học sinh rất hiệu quả. Thứ ba, việc bỏ hẳn tuyển thẳng vào ĐH đã khiến học sinh chuyên sợ, không toàn tâm toàn ý cho việc ôn luyện đội tuyển”.
Những nguyên nhân trên đều được các học sinh thấu hiểu và đã được chỉ ra trong những cuộc họp, hội thảo của ngành nhưng Bộ GD-ĐT vẫn chưa có những thay đổi. Sự đi xuống của các đội tuyển Olympic Quốc tế, các chuyên gia giáo dục, người dẫn đoàn đã không bất ngờ với thành tích này. Sự vượt trội của hai nước trong khu vực như Thailand và Singapore phải kể đến sự thay đổi của họ trong cách lọc học sinh vào đội tuyển. Cụ thể, các nước này đã chọn học sinh giỏi từ lớp 5, lớp 6 và đã tiếp xúc với các dạng bài kiểu như Olympic từ nhỏ. Việc làm này đã được ta thực hiện trước đây, trong khi bây giờ tuyển chọn học sinh giỏi chỉ còn ở cấp III. Ví dụ như ở Thailand, để có đội tuyển vào tháng 7 đi thi, họ đã tuyển chọn từ tháng 5 năm trước với khoảng 50 em. Trong số em này đã trải qua rất nhiều vòng để có 6 em vào đội tuyển. “Nhưng ở ta phải đến tháng 12 thi chọn học sinh giỏi toàn quốc. Về thời gian, thua họ phải ít nhất là 8 tháng, vì vậy rất khó có thể đuổi kịp họ về việc lọc học sinh cũng như cách ôn luyện. Một nguyên nhân khác được chỉ đến đó là việc chưa thể khuyến khích được những học sinh giỏi nhất tham gia đổi tuyển Olympic và không nhiệt tình với phong trào học sinh giỏi. Các em có những con đường khác để chọn”, GS.TSKH Hà Huy Khoái cho hay.
Xu hướng tụt hậu không chỉ ở môn toán mà còn cả những môn khác nữa. Thầy Nguyễn Thế Khôi, cán bộ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trưởng đoàn thi Olympic Vật lý Quốc tế của Việt Nam nhận định, nên xem lại từ cách tổ chức và chính sách của bộ đối với những học sinh thi Olympic quốc tế thì mới phát huy thành tích mà nước ta đã từng có.
Theo GS. Khoái, hiện các chuyên gia về các môn khoa học cơ bản đã có những bản kiến nghị tới Bộ GD-ĐT nhiều lần và mong muốn trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT cần phải có một số thay đổi phù hợp để Việt Nam có một đội tuyển Olympic mạnh
Nghiêm Huê