Thứ ba, 25/11/2014, 22h11

Quảng Ngãi: Bệnh thành tích - cấp dưới làm khổ cấp trên

Muốn nâng cao chất lượng giáo dục, ngành GD-ĐT Quảng Ngãi cần tránh bệnh thành tích. Trong ảnh: Giờ kiểm tra chất lượng đầu cấp ở một trường THCS huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi
Trước thực trạng đáng lo ngại về chất lượng giáo dục bậc trung học khi khảo sát chất lượng đầu năm học (Báo Giáo dục TP.HCM đã có bài phản ảnh), ngành GD-ĐT Quảng Ngãi đã tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng dạy và học với mong muốn tìm ra nhiều giải pháp, ý kiến cụ thể, thiết thực để nâng cao chất lượng dạy học bậc trung học trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Quảng Ngãi, cuối năm học 2013-2014, gần 99% học sinh lớp 5 trong tỉnh được xếp loại từ trung bình trở lên ở cả 2 môn tiếng Việt và toán. Tuy nhiên, kết quả khảo sát lớp 6 đầu năm học 2014-2015 thì lại cho một kết quả khá cách biệt. Chỉ có hơn 39% học sinh có điểm trên trung bình ở môn tiếng Việt. Ở môn toán, tỷ lệ này là gần 45%. Đối với khối lớp 9, kết quả xếp loại cuối năm học 2013-2014, gần 97% học sinh đạt từ trung bình trở lên. Thế nhưng, kết quả thi vào lớp 10, ở các huyện đồng bằng, ở môn văn chỉ có gần 58% học sinh đạt điểm trên trung bình. Môn toán có gần 48% học sinh đạt điểm trung bình. Ở các huyện miền núi, với việc khảo sát đầu năm bằng đề chung của Sở GD-ĐT, ở môn văn chỉ có trên 14% học sinh đạt điểm 5 trở lên. Môn toán chỉ có gần 5% học sinh đạt điểm trên trung bình. Không giấu giếm những yếu kém, bất cập đối với ngành giáo dục huyện mình quản lý, ông Lê Văn Búp - Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Nghĩa Hành cho rằng: Bệnh thành tích vẫn còn. Kết quả chất lượng học sinh thấp do các năm trước chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi yêu cầu quá cao nên không cho học sinh ở lại lớp. Bậc tiểu học có bao nhiêu học sinh, giáo viên cũng đưa lên lớp dẫn đến THCS phải gánh chịu. Nếu chấn chỉnh điều này, giáo viên có quyền đánh giá học sinh đúng mức hơn thì tình trạng này sẽ hạn chế”.
Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục bậc trung học. Đó là cơ sở vật chất, điều kiện kinh tế xã hội nhiều nơi còn khó khăn. Học sinh mất căn bản từ các lớp dưới và chưa ý thức được việc học. Giáo viên còn chạy theo thành tích, dẫn đến đánh giá sai năng lực học sinh, báo cáo chất lượng ảo. Nhiều cán bộ quản lý năng lực hạn chế, không quản lý và giám sát được hiệu quả dạy học của giáo viên… Lãnh đạo các phòng GD-ĐT, hiệu trưởng các trường THCS, THPT cũng đã đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục như đổi mới hoạt động tổ chuyên môn, tổ chức dạy học theo hướng phát huy năng lực học sinh, gắn trách nhiệm cụ thể cho từng giáo viên, từng trường và phải đưa ra chỉ tiêu cụ thể giảm tỷ lệ học sinh yếu kém trong năm học tới. Một số ý kiến đề xuất nên thay đổi cách biên chế một lớp học hiện nay để phù hợp với tình hình mỗi trường, tạo điều kiện giáo viên vừa dạy chương trình hiện hành, vừa lấp lỗ hổng kiến thức lớp dưới. Ông Đoàn Dụng - Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi yêu cầu các phòng GD-ĐT, các trường trên địa bàn tỉnh không né tránh sự thật, không đổ lỗi cho những nguyên nhân khách quan, phải tổ chức giảng dạy hết trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp. Đối với những học sinh cá biệt, yếu kém, vẫn phải để lưu ban. Cần có nhiều biện pháp chỉ đạo sâu sát để vực dậy số học sinh yếu kém như phân loại cụ thể từng đối tượng học sinh. Phân công những giáo viên có kinh nghiệm, có trách nhiệm phụ đạo cho số học sinh này ở buổi học thứ 2. Ông Đoàn Dụng nhấn mạnh: “Phân công giáo viên giỏi, có tâm phụ trách, dẫn dắt học sinh yếu kém. Nếu tất cả hiệu trưởng trong toàn tỉnh cùng sở làm được điều này thì chất lượng giáo dục đại trà của năm học 2014-2015 sẽ có sự chuyển biến tích cực, giảm tỷ lệ yếu kém”.
Bài, ảnh: Phước Trung
Ông Đoàn Dụng yêu cầu: Ngành giáo dục Quảng Ngãi phải dám nhìn thẳng vào sự thật và tránh bệnh thành tích, các trường cần thực hiện nghiêm túc việc nghiệm thu chất lượng giáo dục và bàn giao học sinh từ lớp dưới lên lớp trên. Điều đặc biệt quan trọng, đó là tất cả đội ngũ cán bộ giáo viên cần phải nhìn nhận sự việc một cách nghiêm túc và thực hiện điều đó bằng lòng nhiệt huyết, cái tâm của người thầy giáo.