Thứ tư, 16/9/2009, 08h09

Tân sinh viên “chóng mặt” với tiền trường!

Đầu tháng 9, các tân sinh viên đều bước vào kỳ nhập trường. Nhưng đối với nhiều tân sinh viên, niềm vui chưa trọn thì họ phải lo một khoản tiền nhập học mà đối với nhiều gia đình, đó là một gia tài.

Tân sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Xây dựng

Khám sức khỏe: mỗi trường thu một kiểu
Khám sức khỏe được coi là giấy “thông hành” của mỗi tân sinh viên khi bước vào giảng đường ĐH. Tuy nhiên, khác với “viện phí”, mỗi trường, khoản đóng góp của sinh viên mỗi khác. Trong khi ĐH Ngoại thương Hà Nội chỉ mất 30.000đ/sinh viên cho loại giấy “thông hành” này thì cách đó vài chục mét, sinh viên Học viện Ngoại giao phải đóng tới 130.000đ. Sinh viên ĐH Xây dựng đóng 90.000đ, ĐH Sư phạm Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội đóng 80.000đ. Trao đổi về vấn đề này, một lãnh đạo của ĐH Xây dựng cho biết, trước kia, phòng y tế của trường đảm nhiệm công việc khám sức khỏe cho học sinh, nhưng khi kiểm toán vào kiểm tra, họ cho biết, khoản tiền này nhà trường không được thu. Do đó, trường phải mời nhân viên, bác sĩ của một bệnh viện tới khám sức khỏe cho sinh viên của trường. Và giá cả do bệnh viện quyết định, nhà trường chỉ thương lượng, giảm được chừng nào, tốt cho sinh viên chừng ấy.
Đến những khoản thu đặc thù
Ngoài tiền học phí, tân sinh viên nhập học còn phải nộp thêm các khoản phí khác. Trong bảng hướng dẫn chi tiết làm thủ tục nhập học K54 (tân sinh viên) của ĐH Bách khoa Hà Nội có dòng chữ: Thu học phí đợt đầu, tiền 2 quyển SV ĐHBK Hà Nội cần biết và Giới thiệu ngành nghề. Được biết, đây là hai cuốn sách giới thiệu về trường và ngành nghề trường đào tạo được in “lưu hành nội bộ” và không có giá tiền cụ thể. Sinh viên cũng không biết 2 cuốn này giá bao nhiều tiền, họ chỉ đóng “một cục” trọn gói. Sinh viên ĐH Thương mại còn băn khoăn với khoản thu 105.000đ tiền lệ phí khác mà không hiểu là những khoản gì. Ngoài ra, các tân sinh viên của trường cũng phải đóng 55.000đ cho cuốn Những điều sinh viên Trường ĐH Thương mại cần biết. Ngoài ra, sinh viên ĐH Thương mại còn phải đóng 260.000đ tiền phí thi chia lớp tiếng Anh. Sinh viên Học viện Ngân hàng cũng phải đóng 10.000đ để mua cuốn sổ tay cẩm nang do nhà trường biên soạn. Có một điều lạ, hầu như tất cả các trường ĐH đều có website giới thiệu về trường mình bao gồm: lịch sử của trường, các ngành đào tạo, cơ cấu tổ chức…! Có lẽ do “sợ” sinh viên ra trường vẫn “mù tịt” về trường nên các trường phải “tranh thủ” trang bị kiến thức này cho sinh viên chăng? Lãnh đạo Trường ĐH Thương mại lý giải: trang bị những điều sinh viên Trường ĐH Thương mại cần biết là hợp lý. Nếu đưa lên website, nhiều sinh viên không đọc. Thiết nghĩ, với những cuốn cẩm nang dạng như những điều cần biết này, các trường nên để cho sinh viên tự nguyện, ai có nhu cầu thì mua, không nhất thiết các sinh viên đều phải có. Điều này là vô lý.
Thiên Lam