Thứ ba, 15/4/2014, 21h04

Tân sinh viên… “sa lầy”

SV không nên học “cầm chừng” ở những năm đầu ĐH vì kết quả không cao dễ khiến các em nản lòng, tuột dốc… Ảnh SV ĐH Quốc gia TP.HCM học bài tại ký túc xá

Chơi nhiều hơn học là cách tân sinh viên (SV) tự gạch tên mình ra khỏi những cơ hội hấp dẫn trong tương lai… Điều thiết thực này đã được “nói thẳng” với SV năm nhất nhằm “sốc” lại tinh thần học tập cho các em.
Chủ đề “Nói thẳng với SV năm nhất” của SV Nguyễn Văn Sơn (năm cuối ngành truyền thông marketing, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) trên trang Facebook cá nhân vừa qua đã thu hút gần 3.600 người thích và hơn 1.000 lượt chia sẻ. Không chỉ các em tân SV mà cả những SV năm cuối, đang mấp mé ngưỡng cửa vào đời cũng tự “soi” lại mình khi xem bài viết.
Tại bài viết, Nguyễn Văn Sơn đã chỉ ra rằng, có nhiều SV đã tự đánh mất bản thân ngay từ lúc bước vào ĐH do tư tưởng nghỉ xả hơi, thiếu quyết tâm, nỗ lực. Nếu trước kia họ có thể thức đến 2-3 giờ sáng để ôn thi ĐH thì giờ đây có nhiều cuốn giáo trình chưa chắc họ đọc qua.
Sơn còn dẫn chứng nhiều điểm trừ của SV năm nhất, năm hai như một lý giải sinh động cho việc họ bị… tuột dốc. Điển hình, SV có thể dành cả đêm chơi game, đọc tiểu thuyết, lướt Facebook, xem phim… nhưng lại dễ dàng chối từ làm bài tập nhóm với lý do đơn giản: “Đợt này bận quá, nhóm làm đi rồi ghi tên mình vào với, ít hôm nữa mời cả nhóm đi ăn chè”. SV “chém gió” vô tư, sôi nổi về rất nhiều lĩnh vực trong cuộc sống nhưng trên lớp, khi được yêu cầu phát biểu ý kiến thì lại im bặt, mỉm cười lấy lệ...
Với quan điểm rõ ràng rằng 4 năm ĐH chưa đủ dài để học lấy kiến thức, trau dồi kỹ năng ngay cả ở trường học lẫn “trường đời”, Sơn khuyên SV năm nhất nên tăng tốc “chạy” thay vì chỉ thủng thẳng bước đi. Thực tế, cùng lứa với Sơn, thậm chí có những SV đến năm cuối mới hốt hoảng nhận ra đã để thời gian trôi đi lẹ làng trong khi chưa kịp học và làm những điều cần thiết. Một số trong họ hối hả, gấp gáp học bổ sung nhưng khá vất vả.
Những chia sẻ trên Facebook thực chất được rút từ câu chuyện thật diễn ra ngay với chính các thành viên cùng phòng ký túc xá Sơn và đó là lý do nó gần gũi, thu hút. Buổi tối ở phòng mà trừ Sơn ra, 8 thành viên còn lại đều chúi đầu vào máy tính xem phim, chơi game, lướt net. Chẳng những số SV này không làm gương cho các em năm nhất đang trọ chung mà còn để lại hình ảnh không đẹp. Theo Sơn, việc chơi nhiều hơn học là cách SV tự gạch tên mình ra khỏi những cơ hội hấp dẫn trong tương lai…
Những điều Sơn “nói thẳng với SV năm nhất” thật ra không phải quá xa lạ với một bộ phận SV. Ông Lê Xuân Dũng - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Học sinh - SV TP.HCM - cho biết, bản thân ông từng chứng kiến cảnh SV với xuất thân là học sinh giỏi dù nghèo, nhưng đáng buồn chỉ sau năm đầu ĐH đã bị buộc thôi học do nợ môn quá nhiều. Ông Dũng chỉ ra 3 nguyên nhân khiến SV dễ “sa lầy” ngay từ khi vào ĐH chính là việc trọ học xa nhà, dễ “bay nhảy” do ít chịu sự kèm cặp của gia đình; môi trường học ĐH không quá khắt khe như bậc phổ thông; đồng thời không gian sống sôi động, nhiều trò tiêu khiển hấp dẫn lôi cuốn.
Chính vì có nhiều “cám dỗ” nên ông Dũng khuyến cáo SV cần xác định vững vàng tư tưởng. Đặc biệt, SV năm nhất phải tiếp cận môi trường sống mới, phương pháp học tập mới nên càng phải xem việc học là số 1. Để theo kịp đà học tập, tân SV không nhất thiết phải làm thêm mà có thể dành việc đó vào năm tới khi đã thích ứng được với môi trường. Việc học và chơi cần cân đối, SV không nên để lãng phí công sức, tiền bạc đã nỗ lực đầu tư cho quá trình học phổ thông nhằm giành suất vào ĐH.
Bên cạnh nội lực bản thân SV, ông Dũng còn nhấn mạnh việc nhà trường, Đoàn, hội cần tăng cường những hoạt động giúp định hướng lối sống tân SV, rèn cho các em những kỹ năng thích nghi, hội nhập, phương pháp học ĐH…
Bài, ảnh: Mê Tâm