Thứ tư, 19/2/2014, 10h02

Thi tốt nghiệp 4 môn?

Thí sinh TP.HCM xem lại bài tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013

Phương án thi tốt nghiệp THPT 2014 của Bộ GD-ĐT đang chờ Thủ tướng quyết định. Nhưng ngay từ đầu khi đưa ra dự thảo, Bộ GD-ĐT cũng nghiêng về phương án thi tốt nghiệp 4 môn với hai môn bắt buộc và hai môn tự chọn.
Đưa ngoại ngữ vào môn tự chọn?
Tại Hội nghị quán triệt NQTW8 khóa XI mới đây, khi được hỏi ý kiến về các phương án thi tốt nghiệp THPT, các sở GD-ĐT đều đồng tình với phương án thi tốt nghiệp 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là văn, toán và 2 môn tự chọn. Đồng thời, các đại biểu đều cho rằng nên đưa môn ngoại ngữ vào môn tự chọn. Như vậy, ngoài hai môn thi bắt buộc là toán, văn thì sẽ có 6 môn tự chọn gồm ngoại ngữ, hóa, lý, sinh, sử, địa.
Trao đổi với Giáo dục TP.HCM sáng 18-2, PGS. Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh cho rằng nên thi 4 môn và cần thiết phải đưa môn ngoại ngữ là môn thi tự chọn. Vì không thể có chuyện ở phương án 1 bộ đưa ra môn ngoại ngữ chỉ là môn thi để lấy điểm cộng khuyến khích (giống thi nghề) còn ở phương án 2, ngoại ngữ lại là một trong 3 môn bắt buộc. Như thế là không hợp lý. Ông Cương cũng cho rằng cần thiết thi luôn trong năm 2014. Việc xét điểm tốt nghiệp cũng được tính toán lại. Theo đó, điểm trung bình học tập sẽ chiếm 50% điểm xét tốt nghiệp.
Bỏ miễn thi 20%?
Cũng tại Hội nghị quán triệt NQTW8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi với thực tế 98% tốt nghiệp hiện nay thì có cần phải miễn thi hay không? Hay chỉ miễn cho những trường hợp bất khả kháng? Nếu với một kỳ thi nặng nề, không cần thiết thì bỏ đi. Nhưng nếu nặng nề mà cần thiết thì vẫn phải giữ. Còn PGS. Văn Như Cương thì cho rằng, việc miễn thi 20% sẽ làm nảy sinh cơ chế xin cho. Giống như cách đây đã lâu, chúng ta cho học sinh tốt nghiệp THPT loại giỏi vào thẳng ĐH. Năm đó, số học sinh giỏi của Hà Nội vào thẳng ĐH bằng một nửa số học sinh tốt nghiệp THPT của Hải Phòng. Chính vì vậy, ông Cương cho rằng chủ trương miễn thi 20% đối với học sinh là không cần thiết.
Đối với việc thi 2 môn tự chọn, PGS. Văn Như Cương cho rằng, Bộ GD-ĐT cần phải có tính toán cụ thể để tổ chức được kỳ thi trong 2 ngày. Nên chăng bộ cần có thêm yêu cầu đối với 2 môn tự chọn của học sinh. Đó là yêu cầu các em phải chọn một môn tự nhiên, một môn xã hội. Có như thế, việc tổ chức kỳ thi mới không bị rối. Ông Cương cũng chia sẻ, công tác “bếp núc” này rất quan trọng. Vì nếu không, sẽ vẫn phải mất 6 buổi thi như những kỳ thi tốt nghiệp trước. Như vậy, có thể 100% học sinh lớp 12 năm nay đều phải thi tốt nghiệp THPT.
Về phía học sinh, PGS. Văn Như Cương chia sẻ, qua tìm hiểu học sinh ở trường, các em đều rất phấn khởi vì giảm được số môn thi. Rất nhiều em đồng tình với chủ trương đưa môn ngoại ngữ vào môn tự chọn. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT nên có chiến lược tính toán việc áp dụng phương án thi này trong thời gian một năm hay hai năm. Bởi theo ông, giải pháp này chỉ mang tính tình thế, không thể kéo dài, vì nếu không sẽ dẫn tới tình trạng học sinh học lệch.
Như vậy, cho đến thời điểm này, có thể nói rằng phương án thi tốt nghiệp 4 môn sẽ được Bộ GD-ĐT chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 sắp đến?
Nghiêm Huê