Thứ sáu, 21/11/2014, 13h11

Tình thầy - trò bước ra từ cuộc chiến

Thầy và trò gặp lại nhau trong ngày họp mặt truyền thống của Ban Tuyên huấn Trung Nam bộ (Khu 8) năm 2014 tại Bến Tre

Nơi khó khăn nhất cũng là nơi sáng lên vẻ đẹp của tâm hồn và tình người. Đó là câu chuyện về tình nghĩa thầy - trò ấm áp và ngọt ngào trong thời kỳ đạn bom gian khổ.
Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm nhưng kỷ niệm của từng ngôi trường hiên ngang mọc lên dưới tầm bom đạn và đặc biệt là nghĩa tình thầy trò vẫn cứ theo thời gian khắc sâu và in đậm trong ký ức của một thế hệ nhà giáo thời chiến chinh…
Nghĩa tình
Dù được tổ chức ở Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp hay An Giang… nhưng chương trình Họp mặt truyền thống của Ban Tuyên huấn Trung Nam bộ (Khu 8) năm nào cũng đông đủ. Cuộc gặp gỡ của các đồng chí cán bộ, giáo viên sau nhiều năm mất liên lạc diễn ra trong niềm vui trào nước mắt và thỏa nỗi chờ mong. Những cái bắt tay, những lần ôm hôn thắm thiết vẫn không nói hết lời yêu thương nhung nhớ của từng con người một thời đồng cam cộng khổ giữa lớp học hay trên bục giảng ở trong lòng chiến trường.
Ông Nguyễn Trọng Đàm - nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp - do tuổi cao sức yếu nên không thể tham dự các buổi họp mặt hàng năm như trước đây. Thế nhưng rất đông học trò của ông vẫn nhắc đến tên thầy giáo Đàm với niềm tôn kính nhất. Chỉ đến năm 2012, khi sức khỏe tạm bình phục ông mới khập khiễng đôi chân về Tiền Giang với mục đích duy nhất là gặp lại từng học trò cũ thân yêu của mình. Nói là học trò nhưng tuổi tác cũng xấp xỉ với thầy, ai cũng da nhăn tóc bạc hết cả rồi. Thời gian thay đổi mọi thứ nhưng đối với họ tình nghĩa thầy - trò vẫn cứ xanh tươi như lá trên cành. Nói sao hết nỗi vui mừng của những cô cậu học trò trước đây ngồi trong các lớp học vùng kháng chiếngặp lại được thầy giáo cũ sau nhiều năm xa cách. Nghẹn ngào nhất vẫn là những câu chuyện nhường cơm sẻ áo cho nhau thời kỳ đói khổ và thiếu thốn. Thời gian như lớp bụi phủ mờ ký ức đối với người cao tuổi nên ông Đàm không thể nào nhớ hết bao nhiêu lần đưa “trường” đi sơ tán, bao nhiêu cây bút cuốn tập đã dành dụm cho học trò. Các “môn đệ” của ông bây giờ dù đã ngoài 60, 70 nhưng vẫn nhớ như in tất cả - nhất là từng bài học của những ông thầy giáo: Ba Đàm, Bảy Kim, Ba Đoàn, Năm Bảo...
Đối với người học sinh thời kháng chiến, cảnh học tập dưới tầm bom đạn, cuộc sống cơm đùm uống nước chai đã trở thành những ký ức gian khổ nhưng lại vô cùng sáng đẹp của độ tuổi hoa niên. Năm 2014, tại buổi họp mặt truyền thống Ban Tuyên giáo Khu 8 được tổ chức ở Bến Tre, ông Chu Cấp là nhân vật được nhiều người chú ý và quan tâm nhất. Những năm chiến tranh ác liệt, chiến trường miền Nam cần mở rộng phong trào giáo dục ở vùng giải phóng, nhà giáo Chu Cấp đã tạm biệt gia đình và người thân ở Nghệ An để tình nguyện vào các tỉnh Trung Nam bộ dạy chữ cho phong trào bình dân học vụ. Dù ban đầu thầy trò khác nhau lời ăn tiếng nói nhưng chỉ sau một thời gian “cùng ăn cùng ở cùng làm” họ đã trở thành “lá chung một cành, cây cùng một cội”. Có lẽ vì thế mà tình thầy - trò còn gắn bó hơn cả anh em trong một nhà. Những lúc thiếu lương thực thầy - trò rủ nhau đi thu hoạch lúa với dân để có gạo thổi cơm. Mùa mưa xuống thầy - trò đan lợp bắt cá, ra đồng mò cua. Nhận được thư nhà từ vùng địch hậu, các em cũng chia sẻ với thầy cô của mình. Buồn vui, khổ đau thầy - trò cùng nhau chia sẻ. Những tháng ngày đó thầy cô là chỗ dựa tri thức của các em còn HS là chỗ dựa tình cảm cho các thầy cô. Làm sao thiếu nhau được. Đất nước thống nhất thầy Chu Cấp trở về quê hương biền biệt tin các học trò cũ. Chính vì thế sau 20 năm gặp lại thầy - trò mừng mừng tủi tủi như người thân lâu ngày xa cách được gặp lại nhau. Trò khóc vì vui sướng, thầy cũng nhòa lệ trên khuôn mặt nhăn nheo mà không nói nên lời .
Khắc ghi hình bóng người lái đò năm cũ
Ông Nguyễn Văn Quý luôn được học trò Nam bộ gọi bằng cái tên thân mật là thầy Ba Quý. Không giống như các nhà giáo kháng chiến khác phải chờ đến ngày họp mặt truyền thống mới trở lại thăm vùng đất địa chỉ đỏ, chỉ sau 5 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (năm 1980) giữa bộn bề công việc ông từ thành phố Vinh quyết làm một chuyến “xuôi phương Nam” cùng vợ là bà Nguyễn Thị Long để tìm lại đồng nghiệp và những học trò cũ của mình, quê Đồng Khởi - Bến Tre. Cũng nhờ chuyến trở lại vùng đất năm xưa đó mà sợi dây tình cảm giữa thầy - trò bắt đầu được kết nối lại. Thầy Ba Quý trở về TP.Vinh công tác lại nhận được nhiều thư và điện thoại của các đồng chí cán bộ cao cấp ở khu Trung Nam bộ nguyên là học trò cũ, họ thường xuyên hỏi thăm sức khỏe và gia đình. Vài năm sau các trò biết địa chỉ nên rủ nhau “Bắc tiến” thăm thầy.
Cô học trò cũ của thầy Ba Quý tên Bé Năm năm nào bây giờ đã trở thành một cán bộ tuyên giáo của huyện Mộc Hóa (Long An). Sau này gặp được vợ thầy Ba Quý, bà Nguyễn Thị Bé Năm rất cảm phục khi nghe được câu chuyện về thầy của mình. Dù đã có hai con nhỏ nhưng thầy vẫn chấp nhận hy sinh tình cảm riêng tư để vào giữa chiến trường… gieo chữ.
Vì đàn em thân yêu mà các thầy giáo dám hy sinh tuổi trẻ của mình và hạnh phúc riêng của gia đình để miệt mài thắp sáng ngọn lửa tri thức. Biết bao thầy giáo đã hy sinh ngay trên bục giảng khi tay vẫn còn cầm viên phấn để cho sự nghiệp “trăm năm trồng người” đẹp mùa hoa thơm. Những thế hệ trẻ trong kháng chiến không chỉ lớn khôn hơn về trí tuệ mà còn cứng cáp thêm về bản lĩnh. Họ vẫn luôn khắc ghi rằng: Không có người đưa đò năm xưa thì làm sao các trò nhìn thấy bến bờ mơ ước và cập bến vinh quang như ngày hôm nay.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang