Thứ sáu, 11/12/2009, 14h12

Văn hóa giao tiếp trong nhà trường: “Bỏ trắng”

Thực trạng văn hóa giao tiếp học đường (VHGTHĐ) hiện rất đáng báo động và tại các trường học vấn đề này đang bị “bỏ trắng”. Làm thế nào để khắc phục tình trạng trên và xây dựng được một nền VHGTHĐ cơ bản nhất? Đó là những trăn trở được nhiều đại biểu nêu ý kiến tại hội thảo khoa học “Giáo dục văn hóa giao tiếp trong nhà trường” được tổ chức tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM ngày 10 -12.
Chưa chú trọng đến dạy người
Nhiều tham luận của đại biểu nêu lên tại hội thảo đều đồng tình cho rằng, VHGTHĐ hiện nay đang đi xuống do nhiều nguyên nhân. Nhưng một trong những nguyên nhân chính vẫn là nhà trường chỉ mới chú trọng dạy chữ mà chưa chú trọng đến dạy người. GS.TSKH Lê Ngọc Trà nêu, ngoài những kỹ năng sống tối thiểu như biết cầm đũa, mặc áo... rồi đến những kỹ năng cao hơn thì còn nhiều kỹ năng sống khác mà một đứa trẻ và người lớn cần biết, cần có nhưng hiện nhà trường không dạy. Nhà trường đã bỏ qua hoặc coi nhẹ một trong những hoạt động tối thiểu, cơ bản của giáo dục là việc hình thành con người. Quá tập trung vào giảng dạy truyền thụ kiến thức là chính mà “quên” đi việc giáo dục nhân cách. Và trong giáo dục VHGT thì vai trò của nhà trường là rất quan trọng, chính nhà trường chứ không phải báo chí hay chính phủ, dư luận xã hội quyết định. Gia đình và xã hội phải chia sẻ trách nhiệm, nhưng nhà trường vẫn là nơi chủ động vạch ra chiến lược, mục tiêu, đưa ra những chuẩn mực. Việc giáo dục nhân cách mới là quan trọng vì con người lớn lên không chỉ là một kho tri thức, mà còn có những kỹ năng khác như giao tiếp, có tình cảm, sự tha thứ và tôn trọng mọi người.
Cùng chung quan điểm đó, Th.S Trần Đức Thích (ĐH Cần Thơ) cho rằng, nếu dạy chữ, dạy kiến thức là thuần trí tuệ thì dạy lễ, dạy nghĩa lại cần đến cả trái tim, tâm hồn, tình cảm dạy bằng cả nhân cách của chính mình. Th.S cũng cho biết trong việc giáo dục VHGT không hề giới hạn bởi cấp học nào, bởi thời gian nào mà phải tiến hành một cách đồng bộ nhất quán ở tất cả các bậc học, mọi lúc mọi nơi. Không chỉ bó hẹp trong phạm vi nhà trường mà cần phải mở rộng ra toàn thể từ gia đình đến xã hội. Và đặc biệt, giáo viên là người “chủ đạo” thì trước hết giáo viên phải là người hoàn hảo nhất về mọi phương diện. Bởi trong giáo dục nhân cách của người thầy ảnh hưởng rất lớn đến HS, SV, “tôn sư trọng đạo” sẽ giảm khi người thầy “có vấn đề”.
GS.TS Trần Ngọc Thêm cho rằng: “VHGT bao gồm rất nhiều yếu tố và các mối quan hệ giữa trò với trò, trò với thầy và ngược lại. Nhưng xưa nay VHGT trong nhà trường ở Việt Nam chủ yếu chỉ xảy ra theo chiều hướng một chiều được thể hiện giữa trò với thầy, trong khi giữa thầy với thầy, trò với trò cũng rất đáng quan tâm”. Và học trò ngày nay bị “bỏ trắng” VHGT tại nhà trường. Một nguyên nhân khác được GS đưa ra; VHGTHĐ chịu ảnh hưởng từ tư tưởng phong kiến áp đặt với quan niệm thầy là cha mẹ của học sinh, thầy nói gì trò nghe đó dẫn đến việc HS thiếu tự tin sáng tạo. VHGTHĐ là một hệ thống quy định do cấp trên ban ra áp đặt như việc phải mặc đồng phục này, lô gô kia cho đến cách ăn mặc, đi đứng...
Thầy giáo là trung tâm
Để giáo dục VHGT trong nhà trường được tốt, nhiều đại biểu cho rằng phải có sự kết hợp đồng bộ giữa gia đình, xã hội và nhà trường một cách chặt chẽ. Đồng thời hơn ai hết, giáo viên chính là “trung tâm” trong việc truyền kỹ năng VHGT tới học sinh. GS.TS Lê Ngọc Trà cho rằng, giáo dục VHGT tức là làm cho HS biết làm chủ các công cụ và hình thức giao tiếp cũng như biết cách cư xử có VH trong những tình huống khác nhau là nhiệm vụ quan trọng của nhà trường. Và cái chính là phải làm cho các em có khả năng giao tiếp với nhau. Và để các em có được những tâm lý và đức tính nói trên, ngoài việc giảng giải, giáo dục mỗi ngày trong mỗi bài học, trong từng việc làm thì nhà trường và gia đình phải tạo được môi trường giao tiếp giúp HS mạnh dạn tự tin bày tỏ suy nghĩ, tâm tư của mình từ đó có thể giao tiếp với bạn bè, thầy cô… một không khí bình đẳng, dân chủ đầy tình thương và bao dung, một thái độ thân thiện, không áp đặt sẽ là môi trường giao tiếp tốt và đó cũng là môi trường giáo dục lý tưởng và đạt kết quả như mong muốn. Còn với GS.TS Trần Ngọc Thêm thì cần phải thể hiện được vai trò tinh thần: giáo viên phải thể hiện được tính cách và vai trò của mình, có kiến thức thực sự, có phẩm chất của người thầy. Không những thế, người thầy phải luôn học tập để trở thành người bạn của trò. Đặc biệt phải xây dựng tính dân chủ, coi HS là trung tâm, làm cho HS có tự tin và phản bác những kiến thức thầy dạy. Khi đó mới giáo dục được VHGT. Đồng tình với ý kiến trên, nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần còn cho rằng các tổ chức đoàn thể rất quan trọng, nhưng hiện nay nhiều câu lạc bộ, đoàn thể chưa nói về những kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống. Phải tận dụng thời gian rảnh để truyền bá VHGT cho HS mọi lúc mọi nơi. Thầy Phạm Văn Luận giảng viên đến từ Trường CĐ Bến Tre thì mạnh dạn đề xuất với hội thảo các biện pháp: Cải tiến các chương trình giảng dạy từ chính khóa lẫn ngoại khóa hướng vào đổi mới toàn diện và đi vào thực chất việc giáo dục VHGT cho HS, SV từ các bậc học mầm non đến đại học; nghiên cứu xây dựng chương trình riêng nhằm gia tăng vị thế giáo viên trong quá trình rèn luyện, giáo dục VHGT cho HS, SV…
Nguyên Hải