Thứ sáu, 26/12/2014, 10h12

Ấn tượng với Mảnh trăng cuối rừng

Cảnh trong vở Mảnh trăng cuối rừng
Vở Mảnh trăng cuối rừng phát sóng vào dịp 22-12 vừa qua khép lại nhưng dư âm của vở nhạc kịch vẫn còn đọng mãi trong lòng người xem.
Mở đầu vở nhạc kịch, nhiều ca khúc nổi tiếng thời chống Mỹ đã làm sống lại không khí sục sôi cả nước ra quân vì miền Nam ruột thịt mà tiêu biểu là một thế hệ trẻ tuổi sẵn sàng hy sinh thân mình để “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. In đậm trên sân khấu là hình ảnh của những chàng trai trẻ vội xếp bút nghiên để mặc áo lính cầm súng theo tiếng gọi của Tổ quốc. Trên đường lái xe ra trận, họ gặp những cô gái cũng tuổi 18, đôi mươi làm nhiệm vụ mở đường thông xe ra tiền tuyến. Đúng như ý đồ nghệ thuật trước đó của tổng đạo diễn Nguyễn Bông Mai, các lời thoại trong kịch đa phần là những bài hát. Từng câu chuyện được kể lại hầu hết bằng những bài hát đã cuốn hút người xem ngay từ màn mở đầu. Có thể nói đây là sự sáng tạo của chương trình vì những ca khúc quen thuộc nhưng không hề cũ kỹ và tất cả đã được làm mới rất sinh động. Nếu tốp nam vui tươi, hào sảng trong các bài hát Bài ca Trường Sơn (Trần Chung), Bước chân trên dải Trường Sơn (Vũ Trọng Hối), Tôi người lái xe (An Chung)… thì tốp nữ lại sôi nổi nhiệt thành trong các ca khúc Cô gái mở đường (Xuân Giao), Nổi lửa lên em (Huy Du)… Nhờ bàn tay khéo léo của ê-kíp đạo diễn mà các bài hát Tôi là Lê Anh Nuôi, Anh quân bưu vui tính (Đàm Thanh)…đã được làm mới ngay từ phút đầu tiên trên sân khấu. Hơn 20 diễn viên Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã mang được cái chất trẻ trung, hồn nhiên vào trong từng bài hát và màn diễn. Lấy bối cảnh chiến tranh nhưng không hề có tiếng bom rơi đạn nổ như các tác phẩm sân khấu trước đó, toàn bộ vở nhạc kịch Mảnh trăng cuối rừng được làm sống lại bằng chất thơ và chất lãng mạn bay bổng.
Có thể khẳng định rằng, cô thanh niên xung phong Nguyệt và anh bộ đội lái xe Lãm không hề xa lạ với những độc giả yêu thích truyện ngắn của cố nhà văn quân đội Nguyễn Minh Châu. Từng bước vào chương trình giảng dạy và sách giáo khoa, họ đã để lại nhiều ấn tượng đẹp cho các thệ hệ học sinh THPT nhiều năm gần đây. Qua ngòi bút chăm chút của nhà văn, nhân vật Nguyệt hiện lên với những vẻ đẹp giản dị của ngoại hình và càng ngày càng chiếm cảm tình chàng trai bằng vẻ đẹp tâm hồn của người con gái sống giữa đạn bom khốc liệt.
Thế nhưng, khi đứng trước ánh đèn sân khấu, cô thanh niên xung phong Nguyệt và anh bộ đội lái xe Lãm không thể có một cuộc trò chuyện đầy đủ như trong tác phẩm mà phải tìm cách chinh phục người xem bằng giọng hát của chính mình. Đây vừa là sự tìm kiếm táo bạo nhưng cũng là một thử thách không nhỏ cho ê-kíp đạo diễn, diễn viên, nhạc sĩ khi vận dụng sáng tạo những bài hát truyền thống bằng cách thể hiện riêng của nhạc kịch. Nếu giọng ca Đông Hùng thuyết phục người xem qua ca khúc Tình em (Huy Du) thì ca sĩ Phương Linh cũng không chịu thua kém khi hòa mình nhịp nhàng với bài hát Đêm nay em ở đâu (Phan Huỳnh Điểu). Có thể nói đây là trường đoạn lãng mạn nhất của một tình yêu nở giữa chiến trường mà nhà văn Nguyễn Minh Châu đã phát hiện được qua câu chuyện đầy chất thơ. Kết thúc vở diễn, bài hát Mảnh trăng cuối rừng của nhạc sĩ quân đội An Thuyên như một điểm nhấn trong bản hòa âm hùng tráng. Tuy nhiên, cũng có khán giả nuối tiếc và đưa ra giả thiết, nếu lấy ca khúc Chào em cô gái Lam Hồng (Anh Dương) hay Đường Trường Sơn xe anh qua (Văn Dung) thay thế cho ca khúc Bài ca hy vọng (Văn Ký) thì hợp với chủ đề vở diễn hơn.
Bài, ảnh: Quang Phan