Thứ hai, 22/9/2014, 14h09

Chuyện tình miền sơn cước: “Anh mù lòa, em có thương anh không ?”

Có một thứ mà những người con của núi rừng Trường Sơn luôn... dư thừa, đó chính là tình yêu. Và người vùng cao chỉ biết nói một lời, không yêu thì thôi chứ đã yêu thì luôn có... lửa! 

 
Đối với anh Sới, bây giờ điều tuyệt vời nhất là được thổi sáo ru cho các con ngủ - Ảnh: Nguyễn Phúc
Câu chuyện về chàng “nghệ sĩ bản” mù lòa biết chơi nhiều loại nhạc cụ và đang có một mái ấm bình yên giữa vùng rừng núi xã A Vao (H.Đakrông, Quảng Trị) đã thôi thúc tôi đến vùng cao giáp biên giới Lào...

Anh tên Hồ Văn Sới (43 tuổi) và cái sự “ở ẩn” của gia đình anh đã làm tôi một phen mướt mồ hôi khi phải đi bộ lòng vòng trong xóm Mít (xã A Vao). Phải qua một khu rừng ma thâm u mới thấy được gian nhà gỗ bé nhỏ của họ nằm lọt thỏm giữa khoảng đất bằng phẳng hiếm hoi. Nhác thấy khói bếp tỏa lên từ gian nhà ấy, Hồ Văn Bôi (Bí thư Chi đoàn thôn kiêm “hoa tiêu” cho tôi) phấn khởi: “May quá, hình như hắn có nhà”. Thì ra, “nghệ sĩ bản” từ khi có gia đình đã kiêm luôn việc nội trợ, giữ con để người vợ lành lặn lên nương, phát rẫy...

Đổi 4 chỉ vàng lấy cây đàn ghi ta
Hồ Văn Sới kể, lúc sinh ra chừng 3 tháng anh đã bị mù một mắt và đến hơn 1 năm sau thì ông trời cướp nốt mắt còn lại. Thời đó, đối với gia đình Sới và dân bản nói chung, việc kiếm cái ăn còn khó huống hồ nói chuyện chữa bệnh. Sới đã không thể có được một cơ hội nào để thấy ánh mặt trời suốt ngàn ngày sau đó...
Dù sống cảnh ngày cũng như đêm, Sới vẫn lớn lên khỏe mạnh, căng tràn nhựa sống và anh rất yêu âm nhạc. Khốn nỗi vì nhà nghèo, lại ở chốn rừng sâu, Sới chỉ biết nhờ cha đẽo cho cây đàn ta lư bằng gỗ, có 3 dây để ngày ngày lôi ra đánh phèng phèng, cốt chỉ vui tai. Cho tới một hôm nọ, có người đi buôn ở dưới xuôi lên xóm Mít mang theo cây đàn ghi ta. Sới lại bảo cha rằng: “Cha ơi, con ở nhà buồn lắm...”. Thương đứa con tật nguyền mê nhạc, cha Sới nằn nì mãi, người đi buôn kia mới chịu nhượng lại cây đàn với giá... 4 chỉ vàng, bằng cả gia tài của nhiều dân bản thời điểm đó.
Tất nhiên, Sới không quan tâm đến vàng, cậu chỉ biết sung sướng ôm cây đàn rồi mò mẫm, đánh hết ngày này sang ngày khác. “Thời gian bạn bè đi học cái chữ hay đi rừng đốn củi thì mình ở nhà gảy đàn. Gảy mãi cho đến khi mấy đầu ngón tay chai sần rồi mà vẫn không muốn dừng lại. Sống trong bóng đêm mà còn không nghe được thứ âm thanh gì thì buồn lắm”, Sới lý giải.
Sau nhiều tháng bập bõm, Sới chơi cho bố mẹ nghe rồi cho bạn bè nghe và đến khi chơi thành thạo thì mọi cuộc vui của làng của bản không thể thiếu anh. Sới bảo: “Hồi thanh niên, vì đàn hát được nên bạn bè dẫn mình đi chơi khắp nơi. Đi hết làng này đến làng kia, hết Việt sang Lào. Đi đến đâu mình cũng đàn hát và được rất nhiều người mến mộ”.
“Em có muốn làm đôi mắt của anh ?”
Mùa trăng tháng giêng năm 1996, Sới cùng chúng bạn đi đàn hát chung vui với một gia đình ở thôn Ka Hẹp (xã Tà Rụt, H.Đakrông). Dịp đó, có một người phụ nữ lớn tuổi vì yêu mến giọng ca của Sới mà đồng ý làm mai mối anh với cô cháu gái đẹp nết của mình. Ban đầu Sới ngại ngần từ chối nhưng người phụ nữ kia giục: “Sao mày không thử. Đánh đàn khó như vậy mà mày còn làm được huống hồ... đi hỏi vợ”.
Thế rồi Sới cũng dò dẫm đi đến thôn Ka Hẹp tìm gặp thiếu nữ tên Hồ Thị Tín (nhỏ hơn Sới 6 tuổi). Lấy hết bình sinh, Sới đi thẳng ngay vào vấn đề: “Anh mù lòa, em có thương anh không? Có muốn làm đôi mắt của anh không?”. Tín im lặng hồi lâu rồi lí nhí đáp, câu trả lời của cô tưởng như làm trái tim chàng trai Pa Kô nhảy ra ngoài lồng ngực: “Anh mắt mù thì em cũng thương, miễn anh đừng đàn, đừng hát lời yêu với người con gái khác”.
Và rồi sau bao nhút nhát, tự ti, Sới lần đầu biết nói lời “Ai ing aem” (anh yêu em) với cô gái “không sợ khổ”. Sung sướng với hạnh phúc đơn sơ mà đúng như mơ ước, Sới bèn viết lên một bài ca về tình yêu tặng vợ bằng tiếng dân tộc mình. Đó là bài Tớp nepa mai  (tạm dịch: Em đẹp mãi). Rằng: “Tình yêu ơi, ai chai may lây chom tam ma?/Bôn hôm ti coi o, ai chay nga chay a dư/I bư i bư, ai chay may in bổ sung nàng/Nàng tu cây aben, đung veng khưng azô...” (tạm dịch: Tình yêu ơi, anh không biết từ đâu tới?/Vừa thấy người đẹp, anh đã nhớ thương hoài/Chiều chiều anh đi chơi ở nhà nàng/Nàng nói thật duyên, bản làng đều khen...). Sới say sưa hát nhưng chen giữa giọng ca ngọt ngào của anh là tiếng cười rúc rích của chị Tín, sự ngại ngùng hiện rõ trên gương mặt chị như thuở ban đầu mới yêu...
Về sau, Sới còn sáng tác nhiều bài hát khác và mày mò chơi thêm được cả sáo, than la, khen be... Sới xem chiếc đài chạy bằng pin cũ kỹ là “tri kỷ” bởi nhờ nó mà anh tập được những bài hát, giai điệu hay.
Nay gia đình “nghệ sĩ bản” tên Sới đã có 5 đứa trẻ chào đời, chúng đều khỏe mạnh và không có ai mang đôi mắt “bỏ đi” như anh. Sới bảo bữa nay con cái nhiều rồi, ít đi chơi lắm, giờ có muốn đàn muốn hát gì cũng chỉ đàn hát ở nhà thôi, phục vụ vợ con là chính. “Như thằng út nó chỉ ngủ khi mình hát hoặc thổi sáo... Đối với mình đã là niềm hạnh phúc lớn lao lắm rồi”, Sới nói giọng tự hào.
Nói đoạn, Sới ôm con vào lòng, tựa cửa sổ nhìn xa xăm rồi lấy cây sáo mà anh khoe là vừa được tặng ra thổi. Lần này anh không thổi bài hát của dân tộc mình mà là một bài quan họ Bắc Ninh, Người ơi người ở đừng về. Tiếng sáo chưa dứt thì đứa trẻ đã ngủ từ bao giờ...
Theo TNO