Thứ năm, 23/10/2014, 23h10

Cuốn sử quý của Việt Nam

Có thể xem cuốn sách Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX  (ảnh) của giáo sư Lê Thành Khôi (dịch giả Nguyễn Nghị, Nguyễn Thừa Hỷ hiệu đính) do NXB Thế giới ấn hành là cuốn sử quý của Việt Nam.
Dịch giả Nguyễn Nghị cho biết: “Lê Thành Khôi là một học giả uyên bác trên nhiều lĩnh vực. Những nghiên cứu về lịch sử Việt Nam của ông được in thành sách ở Pháp, nay được dịch và xuất bản ở Việt Nam. Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX là sự kết hợp của hai chuyên khảo mang tính kinh điển về lịch sử và văn hóa Việt Nam của giáo sư Lê Thành Khôi. Đó là cuốn Le Viet Nam, Histoire et Civilisation (Việt Nam, Lịch sử và Văn minh, NXB Minuit Paris năm 1955) và Histoire du Viet Nam, des origines à 1858 (Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến năm 1858, NXB Sud-Est Asie, Paris, 1982). Hai công trình này được đánh giá là uyên bác và có hệ thống, từ lâu được các nhà nghiên cứu Việt Nam coi như sách tham khảo căn bản khi tìm hiểu về lịch sử Việt Nam”.
Giáo sư Lê Thành Khôi sinh năm 1923 tại Hà Nội. Năm 1947 ông sang Pháp du học. Ông tiếp cận nhiều chuyên ngành khác nhau thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, trở thành tiến sĩ kinh tế và giáo dục. Ông từng giảng dạy ở nhiều trường ĐH trong đó có ĐH Paris, ĐH Nanterre. Ông xuất bản 20 cuốn sách viết riêng và hơn 20 cuốn viết chung, với hàng trăm bài báo, tham luận quốc tế.
Trong lời giới thiệu, giáo sư sử học Phan Huy Lê viết:“Tôi rất hoan nghênh các đơn vị chủ trương dịch ra tiếng Việt và xuất bản hai công trình này của giáo sư Lê Thành Khôi. Tôi hy vọng bản dịch tiếng Việt cuốn này của dịch giả Nguyễn Nghị sẽ đáp ứng mong đợi của nhiều nhà khoa học, nhiều bạn đọc Việt Nam chưa có điều kiện tiếp xúc với nguyên bản tiếng Pháp của giáo sư Lê Thành Khôi.
 Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương, ĐH Paris Decartes cũng có nhận định: “Viết về lịch sử Việt Nam, với giáo sư Khôi cũng chính là đi sâu vào cuộc sống, nhận diện lịch sử bao gồm toàn bộ đời sống xã hội. Có kiến thức dân tộc học, văn hóa học, khảo cổ học, kinh tế học. Một lịch sử của con người như thế trong sách, dễ làm người đọc xao xuyến. Trong khi, sự xao xuyến của lịch sử dường như xa xỉ với nhiều người đọc sử, nhất là người trẻ phải học sử đã hàng chục năm gần đây”.
M.NGUYÊN