Thứ bảy, 18/4/2015, 14h04

Gắn việc bảo tồn Hát Xoan với tín ngưỡng thờ Hùng Vương

Về dự Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng 2015, du khách thập phương sẽ được thưởng thức các làn điệu Hát Xoan mượt mà, đằm thắm, thấm đậm tình đất, tình người đất Tổ Vua Hùng.

Đây là một loại hình nghệ thuật đặc sắc được phát tích từ thời đại Hùng Vương dựng nước chỉ có ở vùng đất Tổ-Phú Thọ và đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Chương trình văn nghệ biểu diễn Hát Xoan Phú Thọ. (Ảnh: Minh Quyết/)TXVN

Về cội nguồn nghe làn điệu Xoan cổ

Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ, cho biết Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm 2015 ghi dấu Hát Xoan Phú Thọ sau 4 năm được UNESCO vinh danh.

Trong dịp lễ hội này, tỉnh Phú Thọ sẽ tổ chức nhiều hoạt động để giới thiệu và quảng bá đậm nét về các làn điệu Xoan để đồng bào cả nước hiểu về văn hóa trên quê hương Đất Tổ Vua Hùng như tại Khu di tích Đền Hùng, tỉnh sẽ tổ chức liên hoan “Dân ca và hát Xoan Phú Thọ” do các phường Xoan gốc và các câu lạc bộ Hát Xoan biểu diễn.

Còn tại thành phố Việt Trì, tỉnh cũng sẽ tổ chức hát Xoan của thanh, thiếu niên nhằm khẳng định Hát Xoan đã được trao truyền và lan tỏa không chỉ ở người lớn tuổi mà còn ở cả thế hệ trẻ.

Ở 4 phường xoan gốc là An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét nằm ở 2 xã Kim Đức và Phương Lâu (thành phố Việt Trì) sẽ tổ chức hát Xoan làng cổ do những nghệ nhân kế cận biểu diễn. Đây là những báu vật nhân văn sống được đào tạo để kế cận với các bậc cao niên, đồng thời cũng là kết quả, bước đi để hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa Hát Xoan ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp.

Theo các nhà nghiên cứu, hai Di sản Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tuy hai mà một, gắn kết với nhau. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tồn tại và phát huy được, trong nghi thức có Hát Xoan.

Vì theo sử sách ghi lại, Hát Xoan đã tồn tại hơn 2.000 năm. Từ thời các vua Hùng dựng nước, Hát Xoan được tổ chức vào mùa Xuân để đón chào năm mới, không chỉ để ca hát mà còn là để cầu trời cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no đủ, nhân khang vật thịnh, quốc thái dân an và chúc tụng Vua Hùng.

Từ lâu, Hát Xoan đã gắn liền với lễ hội, với nhu cầu tâm linh của đời sống người dân. Tên gọi và nguồn gốc Hát Xoan đều gắn liền với những câu chuyện truyền thuyết về thời Hùng Vương dựng nước.

Hàng năm cứ vào ngày mồng 1 tháng Giêng, các phường Xoan ở Phú Thọ lại tiến hành làm lễ ở trước Miếu Lãi Lèn và tại đình làng mình rồi cùng nhau lên hát ở Đền Hùng. Cuộc lưu diễn của các phường Xoan thường diễn ra trong gần 3 tháng. Trải qua năm tháng, khúc hát ấy vẫn mãi mãi trường tồn và khẳng định sức sống lâu bền.

Qua khảo sát, các nhà nghiên cứu đã tìm được 31 cửa đình thuộc 2 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ (9 huyện) và 18 xã có Hát Xoan (trong đó Phú Thọ 15 xã, Vĩnh Phúc 3 xã) có nguồn gốc về Hát Xoan. Hiện nay đã có 11/30 đình làng-không gian diễn xướng Hát Xoan cổ được công nhận là Di tích Văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Hát Xoan, còn có tên gọi khác là hát Lãi Lèn, hát Đúm, hát Thờ, hát Cửa đình. Các làn điệu Xoan cổ đều được bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở địa bàn trung tâm bộ Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước.

Gốc của Hát Xoan ở vùng Phú Thọ, sau đó lan tỏa tới các làng quê thuộc đôi bờ sông Lô, sông Hồng, qua cả tỉnh Vĩnh Phúc. Trong đó có 4 phường Xoan cổ là An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét nằm ở 2 xã Kim Đức và Phương Lâu (Phú Thọ) hiện vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn giá trị của Hát Xoan.

Để gắn bảo tồn di sản văn hóa Hát Xoan với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, hiện nay tỉnh Phú Thọ đã tập trung đầu tư tu bổ, phục hồi cho 5 di tích tại các phường Xoan gốc ở thành phố Việt Trì, khôi phục các lễ hội, tục lệ Hát Xoan truyền thống nhằm xây dựng thành không gian văn hóa Hát Xoan gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; tiếp tục đầu tư tu bổ, phục hồi cho các di tích còn lại tại các phường Xoan gốc, hỗ trợ chống xuống cấp cho các di tích và phục hồi các tục lệ Hát Xoan truyền thống tại các di tích có Hát Xoan lan tỏa.

Đồng thời, tỉnh cũng đã có quy chế đãi ngộ với lớp nghệ nhân cao tuổi, những người đã có công bảo tồn, gìn giữ nghệ thuật Hát Xoan và hiện nay vẫn tiếp tục việc truyền dạy cho lớp trẻ tại cộng đồng; đảm bảo 100% người có công bảo tồn, truyền dạy Hát Xoan được tôn vinh và hưởng chế độ đãi ngộ theo quy định.

Tỉnh cũng nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, hội nghề nghiệp trong việc bảo vệ, phát huy giá trị của Hát Xoan Phú Thọ và năng lực thực hành, quản lý di sản cho cộng đồng Hát Xoan; phát huy giá trị của Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong hoạt động phát triển du lịch, dịch vụ thông qua hoạt động trình diễn tại các phường Hát Xoan, các di tích Hát Xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Xây dựng chiến lược bảo tồn lâu dài

Để bảo tồn di sản Hát Xoan bền vững lâu dài, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại-Hát Xoan Phú Thọ giai đoạn 2013-2020. Đề án này đã được Chính phủ phê duyệt ngày 7/11/2013. Dự kiến nguồn vốn đầu tư cho đề án khoảng 165 tỷ đồng.

Hiện nay, tỉnh đang tập trung đào tạo lớp nghệ nhân kế cận và truyền dạy Hát Xoan trong cộng đồng; tăng cường sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa và số hóa các bài Hát Xoan; đẩy mạnh thực hành Hát Xoan trong cộng đồng địa phương. Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ thành lập Trung tâm Bảo tồn và Phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nhằm quảng bá, phổ biến, tôn vinh giá trị của di sản văn hóa Hát Xoan trong nước và với bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, Phú Thọ triển khai nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn “Tổng tập Hát Xoan Phú Thọ,” đây sẽ là công trình khoa học đầy đủ nhất về Hát Xoan Phú Thọ, góp phần là cơ sở khoa học trong việc xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO đưa “Hát Xoan Phú Thọ” vào danh sách văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016.

Phú Thọ cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá Hát Xoan trên các phương tiện thông tin đại chúng; đặc biệt tuyên truyền, giới thiệu, cập nhật thường xuyên các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hát Xoan trên Cổng Giao tiếp điện tử tỉnh Phú Thọ bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt.

Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn 13 huyện, thị xã của tỉnh Phú Thọ đã phát triển được 115 câu lạc bộ Hát Xoan với gần 1.300 hội viên. Từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, phường, thị trấn đều duy trì có hiệu quả việc truyền dạy Hát Xoan. Trong đó, cấp huyện tổ chức được 2 đến 5 lớp/năm, mỗi lớp 25-30 học viên; cấp tỉnh tổ chức được 3 lớp/năm và 4 lớp tại cộng đồng xoan gốc với trên 100 học viên đủ các lứa tuổi.

Ngành giáo dục tỉnh Phú Thọ cũng đã đưa Hát Xoan vào các trường học giúp thế hệ trẻ nhận thức được trách nhiệm trong việc lưu giữ, bảo tồn làn điệu Xoan. Từ năm học 2010-2011 đến nay, đã có 202/209 trường tiểu học trên địa bàn triển khai Hát Xoan; khối trung học cơ sở có 200/259 trường và 37/45 trường phổ thông trung học trên địa bàn đã triển khai việc dạy Hát Xoan.

Đặc biệt, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Việt Trì đã triển khai việc học Hát Xoan rộng khắp ở các bậc học. Bên cạnh đó, tỉnh Phú Thọ cũng đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp chuyên ngành của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch thẩm định trình Chủ tịch nước xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” cho 19 trường hợp, trong đó có 2 nghệ nhân Hát Ghẹo và 17 nghệ nhân Hát Xoan.

Mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ cũng đã phong tặng và cấp Bằng công nhận danh hiệu “Nghệ nhân Hát Xoan Phú Thọ” cho 31 người ở Phú Thọ, 3 người ở Vĩnh Phúc; đồng thời tổ chức vinh danh, khen thưởng đối với các nghệ nhân và những người có công nghiên cứu, xây dựng hồ sơ và truyền dạy di sản Hát Xoan Phú Thọ, trong đó 7 nghệ nhân được tặng Kỷ niệm chương Hùng Vương, 59 nghệ nhân và cán bộ nghiên cứu được tặng Bằng khen của tỉnh, 12 tập thể đã có thành tích sưu tầm, tuyên truyền, quảng bá Hát Xoan…

Với chiến lược bảo tồn này, mục tiêu đưa Hát Xoan ra khỏi tỉnh trạng cần bảo vệ khẩn cấp, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong năm 2016 của Phú Thọ sẽ trở thành hiện thực, để những giai điệu Xoan Phú Thọ trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân đất Tổ nói riêng và của cộng đồng người dân Việt Nam trên khắp mọi miền của Tổ quốc./. 

LÂM ĐÀO AN

(TTXVN/VIETNAM+)