Thứ sáu, 21/11/2014, 15h11

Nghĩa thầy trò

Gia Bảo cùng ông nội Bảo Quốc
Từng thấy họ diễn chung trong một vở kịch, vở cải lương hay một bộ phim với nhiều tuyến nhân vật trái ngược nhau, nhưng ít ai biết, phía sau hậu trường là một tình cảm thầy trò với những câu chuyện rất cảm động…
1. NSƯT Vũ Linh cho biết: “Ngày tôi bước chân vào sân khấu cải lương thì tên tuổi của NSƯT Diệu Hiền đã ngự trị trên đỉnh cao. Những buổi học của tôi chưa bao giờ có phấn trắng bảng đen, nên hai chữ thầy trò cũng được thay bằng cách gọi thân thương, gần gũi: Chị và em. Chị cũng chưa bao giờ chấm tôi điểm cao, nhưng thành tích học tập lớn nhất chính là vốn nghề, vốn sống mà tôi có được như ngày hôm nay. Tôi nhớ giữa những buổi tập tuồng, truyền nghề, chị thường bảo: “Em đừng tưởng là chỉ có chị đang dạy em không thôi mà trong khi dạy, chị đang học em đó chứ !”.
Chị nhận tôi làm học trò lúc còn ở gánh hát Kim Chưởng. Hồi đó, thấy tôi chỉ toàn đóng vai kép phụ nên có người “xúi” chị năn nỉ anh kép chánh giả bệnh để tôi có dịp đóng thế vai nhằm ghi dấu ấn với bà bầu. Nhưng chị nhất định không làm như vậy vì chị sợ nếu chuyện vỡ lở, tôi sẽ bị tổn thương. Hay tin tôi được nhận vào Đoàn cải lương Minh Tơ, sau 3 tháng đã làm kép chánh, chị đến tận đoàn ôm tôi khóc như mưa vì hạnh phúc. Khi tôi đứng trên đỉnh cao danh vọng, sợ tôi “ngủ quên trong chiến thắng”, chị thường nhắc nhở: “Là một nghệ sĩ, để giữ vững danh hiệu, tình thương trong lòng khán giả thì tài và đức phải song hành. Lời dạy của chị, đến nay tôi không bao giờ quên…”.
NSƯT Diệu Hiền kể: “Tôi cảm ơn Tổ nghiệp đã ban cho tôi một đồng nghiệp, một người em, một học trò chí tình chí nghĩa như NSƯT Vũ Linh. Năm 1978, tôi về cộng tác với Đoàn cải lương Hương Tràm do nghệ sĩ Minh Đương làm Trưởng đoàn, lưu diễn ở tỉnh Cà Mau. Một đêm ghe hát cháy, tôi bị phỏng toàn thân phải nằm viện suốt hơn một năm trời mới ngồi dậy được. Vũ Linh đã nghỉ hát đúng một năm, từ TP.HCM xuống Cà Mau để nuôi tôi. Điều đó không phải người học trò nào cũng có thể làm được. Lần khác, trên đường cùng Đoàn Văn công TP đi lưu diễn miền Trung, xe đoàn bị một xe khác tông, tôi bị bất tỉnh. Khi tỉnh dậy tôi thấy mình nằm ở bệnh viện, khắp người đầy vết thương… Lại một lần nữa, Vũ Linh ở bên cạnh tôi suốt ba tháng liền cho đến ngày tôi lành bệnh. Sau này, thấy tôi sống trong một căn nhà nhỏ chật chội ở quận 11, Vũ Linh đã âm thầm mua trả góp mảnh đất ở quận 9 để tặng tôi. Hiện, tôi đang dành dụm tiền để xây nhà an hưởng tuổi già bên con cháu…”.

NSƯT Diệu Hiền và học trò Vũ Linh

2. Người thầy lớn của Gia Bảo chính là ông nội - NSƯT Bảo Quốc. Chính sự dạy dỗ nghiêm khắc nhưng rất âm thầm cũng như “chưa từng khen lấy một câu” của ông nội đã giúp Gia Bảo trưởng thành trong nghiệp diễn. Gia Bảo kể: “Hai tuổi, Bảo đã được vào Đài Truyền hình TP.HCM quay vở kịch Lòng mẹ, vào vai đứa con út mà người cha do chính ông nội thủ diễn. Sau “vai diễn” đầu đời ngày ấy, Bảo thường xuyên đứng trong cánh gà say sưa xem ông nội diễn và niềm đam mê nghệ thuật đã thấm vào người lúc nào cũng không hay. Khi thấy Bảo muốn trở thành diễn viên, ông nội khuyến khích bởi đây không chỉ là nghề mà đã trở thành nghiệp của dòng họ. Tuy nhiên, ông nội bắt buộc Bảo phải học văn hóa tử tế thì mới cho đi diễn. 13 tuổi, Bảo chính thức bước lên sân khấu diễn chuyên nghiệp chung với ông nội. Con đường nghệ thuật quá bằng phẳng nên Bảo nghĩ rằng mình sẽ sớm nổi danh. Nhưng không phải vậy, suốt một thời gian dài, Bảo toàn nhận những vai “không tên”, hầu như không ai nhớ. Khi đầu quân về Sân khấu Kịch Phú Nhuận cũng vậy, có những vở, Bảo chỉ là diễn viên đứng lố nhố trong đám trẻ đóng vai ăn mày. Nhiều lúc Bảo rất thèm được đeo cái micro và nói vài câu thoại như những đồng nghiệp khác, nhưng không có cơ hội. Đôi lần Bảo chán nản muốn xin Tổ nghiệp cho bỏ nghề. Nhưng sau đó, Bảo phát hiện ra rằng, ông nội muốn “thử thách” mình. Làm nghệ thuật phải có thời gian dài rèn luyện, thành công quá sớm sẽ đâm ra tự mãn. Bảo còn biết thêm được một điều, có nhiều đạo diễn muốn mời Bảo vào vai chính, nhưng ông nội cản ngay vì thấy Bảo chưa đủ lực. Cả khi báo chí đề nghị viết bài về Bảo, ông nội cảm ơn rồi thẳng thắn: “Các cháu viết có chừng mực, kẻo nó ảo tưởng…”. Để có thêm nhiều kiến thức biểu diễn, Bảo đã thi vào học lớp diễn viên ở Trường Cao đẳng - Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Từ đó, những mặc cảm vai lớn vai nhỏ không còn quan trọng với Bảo. Bởi ông nội rất hiếm được vào vai chính mà cũng nổi tiếng đó thôi. Chính nhờ tấm gương của ông nội mà Bảo mới có được một số thành công bước đầu như hôm nay. Được khán giả yêu mến, Bảo rất hạnh phúc nhưng trong thâm tâm của Bảo luôn biết rằng, “người thầy” của mình còn hạnh phúc hơn…”.
3. 15 năm qua, cứ đến ngày 20-11 là diễn viên Kim Huyền đều ôm một bó hoa thật to đến nhà tặng cho thầy - đạo diễn Công Ninh. Kim Huyền cho biết: “Nếu không có thầy Công Ninh ban “phép lạ” thì có lẽ đến bây giờ Huyền vẫn là cô thợ may công nghiệp không ai biết đến. Huyền vẫn nhớ như in cái ngày một thân một mình từ Phan Thiết vào TP.HCM dự thi Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh. Huyền bị đánh rớt ngay vòng đầu tiên vì “xấu và quá lùn”, nhưng do quá yêu thích sân khấu nên Huyền không nản lòng mà chờ đến năm sau để thi tiếp. Trong một năm chờ đợi đó, Huyền kiếm sống bằng nghề may công nghiệp. Năm thứ hai lại rớt, buồn quá Huyền lang thang khắp Sài Gòn, không biết đi đâu và làm gì. Tình cờ thấy một đoàn làm phim đang quay tại Công viên Hoàng Văn Thụ, Huyền “cả gan” vào xin được đóng vai quần chúng. Nhờ đó mà gặp thầy Công Ninh. Chính thầy Công Ninh khuyên Huyền nên theo học hệ B Trường Sân khấu Điện ảnh. Thầy cũng là người đầu tiên truyền cho Huyền sức mạnh để đi theo nghề này. Vào học, sống ở ký túc xá, Huyền phải cắn răng chịu đựng những ngày “đói khát”, có khi nửa đêm đi xin bạn nửa gói mì tôm ăn đỡ đói. Thời điểm đó, dù không giàu có gì nhưng thầy Công Ninh đã cho tiền Huyền mua máy may mang vào ký túc xá để may quần áo thuê kiếm tiền trang trải học phí, cuộc sống. Ra trường, thầy giới thiệu Huyền về Sân khấu Kịch Phú Nhuận đóng các vai đào con, vai hài… và tạo được tên tuổi như ngày hôm nay. Mặc dù được mời đóng phim liên tục nhưng phim nào làm cẩu thả là thầy Công Ninh dứt khoát rút lui bởi thầy bảo, thầy cô mà không làm gương thì khó dạy học trò lắm. Làm nghệ sĩ thì làm, nhưng rốt cuộc cũng không được quên mình là nhà giáo. Chính vì xem thầy là thần tượng mà Huyền quyết định thi vào Khoa Đạo diễn để thực hiện mơ ước sau này sẽ trở thành một đạo diễn tài năng và đức độ như thầy…”.
Bài, ảnh: Song Minh