Thứ năm, 17/4/2014, 23h04

Nhạc kịch: “Món ăn” sang trọng, kén thực khách

Cảnh trong vở nhạc kịch High School Musical
Nhạc kịch là một thể loại còn xa lạ với khán giả Việt Nam. Khán giả của nhạc kịch cần có trình độ hiểu biết nhất định. Vì nó không phải là một thể loại mang tính đại chúng cao nên việc khán giả vẫn chưa mạnh dạn bỏ tiền thưởng thức nhạc kịch là một điều dễ hiểu.
Gần 50 năm, chỉ 4 vở nhạc kịch ra mắt công chúng
Vở nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam với tên gọi Cô Sao được hình thành từ những năm 60 của thế kỉ XX do nhạc sĩ Đỗ Nhuận chấp bút. Lần đầu tiên được công diễn tại thủ đô Hà Nội nhân dịp 20 năm Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1965) với hơn 150 nhạc công. Gần 50 năm tồn tại, vở nhạc kịch này chỉ mới 3 lần lên sân khấu nhưng lần nào cũng được ca ngợi là một tác phẩm hoành tráng và chuẩn bị công phu. Năm nay, nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2014), với sự hợp tác của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, con trai nhạc sĩ Đỗ Nhuận là nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân thực hiện tâm nguyện của cha mình là mang vở nhạc kịch Cô Sao về trình diễn tại quê hương Sơn La. Để ra mắt công chúng vở nhạc kịch Nhà thờ Đức Bà Paris, nhạc sĩ Huy Tiến đã mất 30 năm âm thầm làm việc để biến tác phẩm kinh điển của đại thi hào Victor Hugo là Notre Dame de Paris trở thành một tác phẩm đương đại phục vụ khán giả Việt. Dù gặp khó khăn về kinh phí, mất hơn 1 năm tập luyện, nhạc sĩ Huy Tiến cùng đạo diễn Phan Điền cũng đã để lại một tác phẩm nghệ thuật lạ mắt, như ru khán giả lạc vào một góc nhỏ của thiên đường. 
Gần đây nhất là hai vở nhạc kịch High School MusicalChicago của đạo diễn trẻ Khắc Duy được nhóm kịch Lê Buffalo ròng rã tập luyện hơn 3 tháng trời cho mỗi vở.  Tất cả các bài hát đều được Việt hóa, diễn viên đều hát live nhằm mang đến cảm xúc thật cho người xem với sự chỉn chu của đạo diễn âm nhạc Hoàng Bách. Tuy nhiên, vở nhạc kịch này chỉ diễn được hơn chục suất mùa Tết thì phải tạm dừng vì bài toán kinh phí và sân khấu.
Không được “thiên thời địa lợi”
Hiện nay, việc cần làm của các đơn vị nghệ thuật là tìm kiếm thêm lượng khán giả chưa biết nhiều về nhạc kịch đến rạp. Trên thế giới nếu so với múa đương đại, kịch hình thể, kịch xiếc, ballet, opera thì nhạc kịch là loại hình giải trí phổ biến hơn cả. Nhưng ở Việt Nam sự e dè của khán giả với nhạc kịch là điều dễ hiểu bởi chúng ta vẫn còn xa mới có thể đi đến trình độ chuyên nghiệp.
Một vở nhạc kịch tiêu tốn công sức, tiền của và thời gian gấp nhiều lần so với một vở kịch bình thường. Đòi hỏi kỹ năng diễn viên, biên kịch, nhạc sĩ, biên đạo, đạo diễn, ánh sáng, âm thanh đều phức tạp mà kỹ thuật ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Không có một khoa hay trường nào đào tạo về nhạc kịch, vì thế làm nhạc kịch ở Việt Nam là một thách thức. Chưa kể khi một vở nhạc kịch ra mắt, sự hoài nghi của khán giả lớn gấp nhiều lần niềm tin khi toàn bộ diễn viên và ê-kíp gần như không tên tuổi. Chính kịch nói ở TP.HCM cũng lâm vào trạng thái hoạt động cầm chừng giành giật khán giả với các loại hình giải trí khác đang bùng phát mạnh mẽ như điện ảnh, truyền hình, ca nhạc. Sự xuất hiện của nhạc kịch trong thời điểm này có vẻ không được “thiên thời địa lợi”.
Đạo diễn Khắc Duy chia sẻ: “Việc ra mắt được hai vở nhạc kịch đối với tôi là cả một quá trình mà khi nhìn lại tôi vẫn không tin mình làm được. Những ai đã đến ủng hộ có khen có chê, nhưng vẫn cho chúng tôi những tín hiệu tích cực, để có thể lạc quan hơn đôi chút vào tương lai của nhạc kịch tại Việt Nam”.
Dự án lớn nhất của nhóm Khắc Duy là vở nhạc kịch “Made in Việt Nam” đang vào giai đoạn viết nhạc. “Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục có thêm nhiều khán giả quan tâm và ủng hộ. Mức vé của một vở nhạc kịch từ 200.000 đồng trở lên là không cao so với sự chuẩn bị, quá trình luyện tập công phu của chúng tôi. Rất tiếc là khán giả vẫn chưa mặn mà với thể loại mới này”, diễn viên Diễm Phương - nữ chính của hai vở High School MusicalChicago phiên bản Việt tâm tư!
Bài, ảnh: LỘC SÂM
Cần được quan tâm đúng mức
Đạo diễn Khắc Duy cho biết: “Cần có sự quan tâm đúng mức của chính sách Nhà nước cho các loại hình nghệ thuật mới phát triển. Chúng tôi vẫn đang tự loay hoay với vốn, tự học tập trau dồi thêm kiến thức, tự kiếm điểm diễn, dàn tập mà không có một sự hỗ trợ nào. Mong mỏi có một chiến lược phát triển về lâu về dài vẫn là một điều xa vời, bởi muốn làm được điều đó cần có nhiều phía, một mình mà bơi giữa biển thì khó lòng mà sống sót. Muốn phát triển nhạc kịch chỉ trông cậy vào đam mê, tập luyện, góp nhặt kiến thức, liệu cơm gắp mắm như chúng tôi hiện nay thì không thể đi đường dài”.