Thứ năm, 24/7/2014, 22h07

Nhạc sĩ Thế Hiển: Viết về những loài hoa “bất tử”…

Nhạc sĩ - NSƯT Thế Hiển đang trình bày ca khúc Hát về anh. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Nhạc sĩ - NSƯT Thế Hiển rong ruổi trên các mặt trận, sát cánh cùng anh em chiến sĩ từ thuở còn đôi mươi nên thấu hiểu rất rõ về đời sống người lính, đặc biệt là những người thương binh. Chính vì thế, anh đã viết nên nhiều tác phẩm nổi tiếng như Hát về anh, Nhánh lan rừng… rồi ôm đàn hát những giai điệu đẹp ấy mỗi khi có dịp trở về cùng đồng đội thân yêu.
Mỗi loài hoa mang một cái tên
Trung tướng Phạm Văn Dĩ, đang công tác tại Trường Sĩ quan Lục quân 2 nói: “Âm nhạc là tiết tấu, ca từ có sẵn trong cuộc sống, trong sự nghiệp dựng và giữ nước, trong mỗi chiến sĩ, đồng bào... Nhạc sĩ Thế Hiển là người nghe được tiếu tấu ấy, ghi thành những giai điệu đẹp cống hiến trở lại cho cuộc đời”. Những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, cả trung đoàn mà Trung tướng Phạm Văn Dĩ hoạt động chỉ có một chiếc máy cassette, được ưu tiên cho thương binh. Chính Trung tướng đã từng được chứng kiến, được nghe anh em chiến sĩ lúc nằm trong bệnh xá trị thương kể lại rằng khi nghe được giai điệu của Hát về anh, Nhánh lan rừng thì xem như là liều thuốc quý chữa khỏi mọi bệnh tật, mất mát của thể xác lẫn tâm hồn. Cùng với hình ảnh người lính xung trận, nhạc sĩ Thế Hiển đã dệt nên những câu chuyện bi hùng của lịch sử bằng chất liệu là các loài hoa. Nếu như hoa lan trong Nhánh lan rừng là hình ảnh đẹp, nhẹ nhàng, tinh khiết thì hoa sứ trong Người mẹ và hoa sứ trắng lại là loài hoa của sự kiên trung, của tình mẫu tử, hết lòng yêu thương con của những bà mẹ Việt Nam anh hùng. Người mẹ và hoa sứ trắng dựa vào một câu chuyện có thật của một người mẹ có con là thương binh trở về từ chiến trường Tây Nam, được điều trị tại Bệnh viện 175. Hằng ngày người mẹ nhặt hoa sứ rơi kết thành những vòng hoa bán lấy tiền nuôi con. Nhưng 6 tháng mùa mưa hoa không rơi, nước mắt mẹ lại rơi. Lay động trước tình cảm thiêng liêng đó, tâm hồn nhạc sĩ Thế Hiển lại trỗi lên những ca từ “Mẹ nhặt hoa sứ rơi kết thành vòng hoa trắng, lần bước ra chợ đời, đổi chén gạo đầy vơi...”.
Nhánh lan rừng - Bắt đầu cho mọi bắt đầu
“Âm nhạc của nhạc sĩ Thế Hiển là một chất kết dính tinh thần giữa biển với đảo, biển với đất liền, tiền tuyến với hậu phương, cán bộ chiến sĩ với nhân dân... Có được như thế mới nuôi dưỡng được tinh thần dân tộc, mới giữ được biển, giữ được quê hương”, Trung tướng Phạm Văn Dĩ khen ngợi.
Không phải ngẫu nhiên mà những người yêu nhạc lính lại gọi nhạc sĩ Thế Hiển là “người viết nhật ký bằng âm nhạc”. Minh chứng là hành trình của bài hát Nhánh lan rừng không dừng lại, vì đúng 20 năm sau, với ca khúc Ký ức nhánh lan rừng lại được người nhạc sĩ tài hoa viết tiếp câu chuyện của những đồng đội “người còn người mất”. Nhạc sĩ Thế Hiển là người am hiểu lịch sử một cách sâu sắc, vì thế mà trong Đại lễ cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sĩ tại đường 20 Quyết Thắng và Hang Tam Cô, cảm động trước sự hy sinh quá lớn của hơn 550 cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống trên tuyến đường này, anh đã hát ca khúc Ký ức nhánh lan rừng. Qua bài hát, anh đã cùng những người thương binh ngồi lại bên nhau, kể cho nhau nghe những chiến công oanh liệt một thời: “Bạn bè của tôi, đồng chí của tôi, họ là những người dành cả đời phục vụ quân ngũ. Họ có sẵn mệnh lệnh trong trái tim nên sẵn sàng chiến đấu và sẵn sàng hy sinh. Bằng âm nhạc, tôi mong muốn tiếp thêm lửa cho những người còn sống hãy sống và chiến đấu như bạn bè tôi, đồng chí tôi”.
Hoa lan rừng và hoa sứ trắng khi được anh chắt lọc vào từng ca khúc dường như cũng bất tử theo thời gian, làm vơi đi sự tàn khốc và mất mát của cuộc chiến tranh, thúc giục tinh thần người thương binh vươn dậy cùng đồng bào xây dựng cuộc sống mới. Hơn 20 năm ra đời mà các ca khúc Hát về anh, Nhánh lan rừng, Người mẹ và hoa sứ trắng vẫn như những chiến sĩ trẻ lan tỏa sức sống mạnh mẽ trong lòng công chúng yêu nhạc.
Đôi khi nghĩ lại về đời sống âm nhạc của mình, nhạc sĩ Thế Hiển đã nhiều lần giật mình trước cái duyên gắn bó của anh với lực lượng vũ trang dài lâu và bền chặt đến thế. Giờ đây, khi có dịp trở lại phục vụ văn nghệ tại các doanh trại quân đội, trường sĩ quan..., nhạc sĩ Thế Hiển được anh em chiến sĩ chào đón như là mừng người đồng đội lâu ngày trở về thăm nhà. Năm 2013, anh vinh dự được sách Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là nhạc sĩ, NSƯT sáng tác về lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng thanh niên xung phong nhiều nhất; biểu diễn phục vụ bộ đội biên phòng, hải đảo và quần chúng nhân dân nhiều nhất. Đó là niềm hạnh phúc và cũng là động lực tiếp thêm sức sáng tạo cho anh viết nên câu chuyện về những loài hoa nở giữa chiến trường.
Lộc Sâm
 
Đêm nhạc Hát về anh
Nhân kỉ niệm 67 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7-1947/27-7-2014), đêm nhạc với chủ đề Hát về anh do Nhà Văn hóa Phụ nữ TP.HCM tổ chức sẽ vinh danh 8 ca khúc viết về biên cương, hải đảo của nhạc sĩ Thế Hiển vào đêm 26-7. Trong chương trình, nhạc sĩ Thế Hiển sẽ trình bày 2 ca khúc do anh sáng tác là Hát về anh và Vỏ ốc biển.