Thứ năm, 17/4/2014, 10h04

“Nhắm mắt nhìn trời”: Bức tranh sinh động về cuộc sống ven đô

 Nhà văn quân đội Nguyễn Xuân Thủy nổi tiếng với các tác phẩm Biển xanh màu lá, Sát thủ Online hay Giải vàng Sách hay toàn quốc 2012 cho tập sách thiếu nhi Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa.

Tiểu thuyết Nhắm mắt nhìn trời là cuốn sách thứ chín, tiểu thuyết thứ ba của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy vừa được ấn hành và gây được ấn tượng mạnh với độc giả. Một buổi tọa đàm giới thiệu về cuốn sách vừa được Ban nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Ấp ủ và viết Nhắm mắt nhìn trời trong suốt 3 năm, trong khoảng thời gian ấy đã có lúc anh cảm thấy bế tắc, nhưng cuối cùng cuốn tiểu thuyết đã ra đời và được đánh giá như một ngã rẽ mới của Nguyễn Xuân Thủy.
Tâm sự về cuốn sách của mình, nhà văn cho biết: “Năm 2011, tôi về sống tại vùng ven đô. Tại vùng đất nhá nhem này tôi đã có những trải nghiệm thú vị đối với một người viết văn. Những vùng đất đang bị đô thị hóa này là nơi ẩn chứa rất nhiều chuyện cười ra nước mắt, những đối lập, kệch cỡm. Nơi người nông dân chao đảo bởi những bọc tiền đền bù đất nông nghiệp mà một ngày nào đó rơi xuống đầu họ, văn hóa làng bị phân tách, rạn vỡ, con người chới với không biết mình thuộc về nơi nào. Nơi ấy có những quán trà đá đông vui nhộn nhịp bởi hoạt động lô đề. Nơi ấy hội làng diễn ra người ta rước Thánh qua nhưng trung tâm thương mại sang trọng chọc trời. Nơi có những ngôi chùa bị vây bọc, cô lập bởi những tòa nhà cao tầng, đứng ở cổng chùa nhìn sang đối diện có thể là một tiệm Spa, một tiệm phẫu thuật thẩm mĩ, thậm chí là một quán thịt chó... Tôi lặng lẽ nhìn ngắm và chiêm nghiệm. Cuộc sống hiện đại mâu thuẫn, đối chọi với lối sinh hoạt truyền thống, nhu cầu tinh thần thời hiện đại đối chọi với những tín ngưỡng dân gian. Tất cả những điều đó đã gợi mở, đã tạo cảm hứng để tôi viết Nhắm mắt nhìn trời".
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà – Trưởng ban Nhà văn Trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: Tại Hội nghị viết văn trẻ lần thứ 8, Nguyễn Xuân Thủy có tham luận “Mỗi người viết trẻ hãy là một thợ lặn giỏi” thì ở tiểu thuyết mới này, những suy tư, quan niệm về nghề của anh đã được chứng thực. Chúng ta đã được nghe ý kiến của người “thợ lặn” kể lại câu chuyện mà mình chứng kiến trong biển đời, qua góc nhìn của một người viết văn mặc áo lính, một người viết văn làm báo, viết báo, một người viết văn đắm mình cạn kiệt để viết. Nguyễn Xuân Thủy có ý thức sinh ra nhân vật, nuôi nhân vật, bóc tách phần thiện và phần ác của nhân vật, dù trộn lẫn giữa thiện và ác vẫn là nhân bản.
Nhà văn Văn Giá thì cho rằng: Thủy viết văn như cào xé gan ruột, như phản ứng trước thực tại phi nhân tính của thời này, ở đây, bây giờ, nơi tất cả chúng ta đang sống, đang hứng chịu và cũng đang góp phần hủy hoại. Điều này xác nhận tư cách của một người cầm bút đầy trách nhiệm, trách nhiệm một cách đau đớn và tuyệt vọng trước đời sống này. Đó cũng là phía khác của một tình yêu to lớn đối với đời sống này.
Chia sẻ về cái tên Nhắm mắt nhìn trời - Nguyễn Xuân Thủy thổ lộ: Tôi nhắm mắt vì xung quanh quá nhiều cái xấu, cái ác. Tôi nhắm mắt vì không muốn nhìn thấy những câu chuyện buồn. Tôi nhắm mắt vì tôi bất lực trước thực tại không như tôi mong muốn. Song theo nhà phê bình Nguyễn Hòa thì: “Khi gấp lại cuốn sách Nhắm mắt nhìn trời lại, người đọc nào còn một chút thiên lương” thì nên mở mắt nhìn đời. Vì cuộc đời đang lộn tùng phèo. Tôi vẫn luôn nói để nhìn ra bộ mặt thật của cuộc sống hôm nay thì đừng nhìn vào các thành phố lớn, hãy nhìn vào những phố huyện, những làng ven đô, đó mới là nơi bộc lộ rõ nhất sự xô bồ, lở loang của văn hóa, đạo lý. Các nhân vật trong tác phẩm của Xuân Thủy giống như một chùm khoai sọ bám vào nhân vật chính là nhà văn Nguyễn để cho bạn đọc hình dung về những gì đang diễn ra. Mặc dù truyện có đôi chỗ nặng về xung quanh nhân vật “Nhợn cứt”- một gã buôn bán phân tươi để trồng rau nhưng rõ ràng nó thực sự có tính chất thức tỉnh phần người trong mỗi chúng ta”.
Theo SGGP