Thứ ba, 23/9/2014, 10h09

Phim tiền tỷ “mất trắng” khi ra rạp: Không chỉ là chuyện quảng bá!

Câu chuyện đổ tiền tỷ làm những bộ phim đặt hàng của Nhà nước không có gì mới. Trong hai đợt kỷ niệm được coi là lớn nhất nhì ở đầu thế kỷ XXI: Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đều xảy ra những chuyện ồn ào về các dự án phim tiền tỷ “ra đi” trong im lặng.

Mới đây, bộ phim Sống cùng lịch sử của đạo diễn (ĐD) Nguyễn Thanh Vân (Hãng phim truyện Việt Nam) cũng gây ồn ào khi ra rạp, thậm chí có những suất chiếu không bán được vé nào.


Một cảnh trong phim Sống cùng lịch sử
Những bộ phim Nhà nước ra rạp không bán được vé âu cũng là điều tất nhiên, bởi với những tác phẩm được Nhà nước đặt hàng, tài trợ thì nhiệm vụ hướng đến là để phục vụ mục tiêu chính trị, tuyên truyền chứ không phải để kinh doanh. Vì thế, nếu lấy thước đo doanh thu để làm cơ sở xem xét hiệu quả của bộ phim mà bỏ qua thước đo tuyên truyền, giá trị định hướng thì không công bằng cho những sản phẩm ấy. Tuy nhiên trong câu chuyện một bộ phim được đầu tư hàng chục tỷ mà không có người mua vé vào xem rõ ràng là một sự thật không thể chấp nhận.
Được biết, toàn bộ duyệt kinh phí cho dự án đều tuân thủ theo quy định của Bộ Tài chính ban hành từ năm 1991-1992. Ngay cả số tiền dùng cho hoạt động quảng bá phim: họp báo, in poster, treo banner, quảng cáo trên các phương tiện truyền thông cho dự án 21 tỷ này chỉ là 50 triệu đồng. ĐD Thanh Vân cho biết, đây thậm chí là con số đã được “tùy theo tình hình thực tế điều chỉnh tăng” so với vài năm trước. Trong khi đó, một bộ phim tư nhân ra rạp, khoản kinh phí quảng bá thậm chí lên tới hàng tỷ đồng và được “khua chiêng trống” từ khi dự án bắt đầu khởi động.
Không được nhắc nhớ, không được kích thích trí tò mò, thử hỏi làm sao người xem có hứng thú để mua vé vào rạp khi mà quanh họ đầy rẫy những phim tư nhân trong nước, phim nước ngoài khác, hay, dở chưa biết nhưng ít ra thông tin về phim luôn đầy ắp, được cập nhật thường xuyên. Theo ĐD Bùi Tuấn Dũng, chi phí quảng bá và phát hành một phim VN ra rạp hiện nay khoảng hai tỷ đồng, với những phim lớn còn tốn kém hơn nhưng “giá chót cũng phải 500 triệu đồng”. Con số 50 triệu cho công tác tuyên truyền của phim Sống cùng lịch sử, là một con số quá khiêm tốn so với mặt bằng chung và không tương xứng với kinh phí đầu tư cả chục tỷ của phim, nhưng xem ra cũng là khá cao so với “quota” khó tin: 10 triệu đồng cho việc quảng bá phim Những người viết huyền thoại.
Sở dĩ phim Nhà nước lâu nay không dành tiền hoặc nếu có chỉ tượng trưng cho phần quảng bá và phát hành là vì trước đây nhiệm vụ phát hành phim tuyên truyền thuộc về các công ty phát hành phim chiếu bóng Nhà nước. Hiện nay, hệ thống phát hành này đã bị thu hẹp, trong khi phần chi dành cho quảng bá, phát hành các sản phẩm đặt hàng vẫn không có gì thay đổi. Kinh phí quảng bá không có nên đành chấp nhận tình trạng“áo gấm đi đêm”.
Hệ thống rạp quốc doanh teo tóp cũng là nguyên nhân khiến phim Nhà nước không thể đến với số đông. Thống kê năm 2013 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra cho thấy, Nhà nước quản lý tới 72/97 cụm rạp trên cả nước, tuy nhiên phần lớn là các rạp đơn lẻ, trang thiết bị lạc hậu, xuống cấp trầm trọng. Trong khi đó, xu hướng xem phim hiện nay là giải trí kết hợp với tham quan, mua sắm. Do đó những cụm rạp tư nhân như CGV, Lotte Cinema, BHD... nằm trong các khu trung tâm thương mại luôn thu hút lượng khách lớn.
Không chú trọng khâu tuyên truyền, tư duy tụt hậu, bế tắc “đầu ra”, nhưng điều đáng nói ở những phim Nhà nước vẫn là chính là cách thể hiện. Cơ chế đặt hàng hầu như chỉ khoanh vùng ở những hãng phim có vốn Nhà nước như Hãng phim truyện VN, Hãng phim truyện 1, Hãng phim Giải Phóng, các hãng tư nhân gần như đứng ngoài cuộc. Những ĐD được “chọn mặt gửi vàng” tất nhiên phải là những “cây đa cây đề” trong ngành như Đặng Nhật Minh, Vương Đức, Nguyễn Thanh Vân... Không thể nghi ngờ gì về tài năng, tay nghề của những tên tuổi này, chỉ có điều khó có thể đòi hỏi ở họ cách làm mới hay cách kể mới cho phù hợp với tâm lý khán giả xem phim hiện nay. Thời điểm Sống cùng lịch sử ra rạp cách ngày ra rạp phim Đại thủy chiến của Hàn Quốc không xa khiến người xem không thể không so sánh về cách làm phim lịch sử của các nhà làm phim trong nước và nước bạn. Một tác phẩm thu hút người xem bằng những tình tiết hấp dẫn, chứ không hẳn nhiều tiền sẽ hay, nhưng phim Nhà nước hiện nay lại nặng tính hô hào, triết lý giáo điều làm cho bộ phim trở nên khô khan, khó tiếp nhận. Chả trách sao Đại thủy chiến thu hút 17 triệu lượt người xem - bằng tổng lượng khán giả VN đến rạp trong cả năm 2013 - khi chiếu ở Hàn Quốc, trong khi Sống cùng lịch sử không bán nổi vài vé. Sự chênh lệch này rõ ràng không thể căn cứ vào yếu tố tiền đầu tư mà cái chính là con người.
Theo PNO