Thứ ba, 16/9/2014, 21h09

Sắc màu mới cho nghệ thuật truyền thống

Các diễn viên của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa hóa trang trước giờ biểu diễn
Được coi là “quốc hồn, quốc túy” của một dân tộc nhưng các loại hình nghệ thuật truyền thống đã có lúc bị đẩy ra khỏi đời sống văn hóa của người dân. Thế nhưng, với chủ trương  bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa, nhiều địa phương đã tìm cách trở về nguồn cội bằng công tác phục dựng, cho ra đời nhà hát nghệ thuật truyền thống ngay trên địa phương mình.
Các nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, Hà Tĩnh, Khánh Hòa lần lượt ra mắt đã khẳng định thêm định hướng đúng đắn của các sở văn hóa thể thao và du lịch địa phương về công tác bảo tồn vốn cổ.
Âm vang nghệ thuật truyền thống
Mặc dù còn 30 phút nữa mới mở màn nhưng trước Quảng trường 2-4 trên đường Trần Phú, TP.Nha Trang đã có đông đảo khán giả đứng ngồi kín chỗ để chờ xem các tiết mục biểu diễn nghệ thuật đường phố. Trước đó 1 tiếng đồng hồ, chiếc xe ca chở 40 diễn viên của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa vừa dừng bánh bên cánh gà của sân khấu dã chiến. Tại đây các diễn viên đã tự hóa trang cho nhau để kịp giờ biểu diễn. Lượng khán giả càng đông thêm khi màn đánh trống chầu của NSƯT Lưu Kim Hùng - Trưởng đoàn nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa thay cho tiết mục mở màn được vang lên rộn rã. Trong đêm diễn, các loại nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn thập lục, phách, trống đã góp nên tiếng nói đa sắc màu cho những bản hòa tấu, độc tấu réo rắt du dương. Nếu như đêm trước đó, đoàn diễn đoạn trích vở tuồng Thoại Khanh Châu Tuấn thì trong đêm sau lại cho bà con xem tiếp trích đoạn Mạnh Công chém giặc. Có thể nói đây là 2 màn tuồng đồ có kịch tính cũng như tình huống gay cấn được cả du khách trong và ngoài nước yêu thích.
Thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích cung đình Huế, Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế là đơn vị nghệ thuật có chức năng bảo vệ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể như nhã nhạc, múa và tuồng cung đình. Đến nay, Nhà hát Nghệ thuật trên đất Thần kinh có quyền tự hào với bề dày truyền thống khi chính thức được thành lập từ năm 1996 với nhiều thể loại kịch mục phong phú. Điều đáng ghi nhận của đơn vị nghệ thuật đặc biệt này không chỉ thành công trong lĩnh vực biểu diễn mà còn có công trong công tác sưu tầm lưu giữ trên 40 bài nhạc lễ. Nhiều tiết mục biểu diễn sáng tạo đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng du khách, đặc biệt là khán giả quốc tế như Lục cúng hoa đăng, Lân mẫu xuất lân nhi, Nữ tướng xuất quân... Các trích đoạn tuồng còn gọi là hát bội nổi tiếng như Sơn hậu, Quần phương tập khánh, Tam nữ đồ vương... vốn bị lãng quên trong dĩ vãng nay được tập thể nhà hát làm sống lại với một hình hài mới.
Coi trọng vốn cổ
Hà Tĩnh là vùng đất không thời đại nào thiếu vắng các làn điệu dân ca ví dặm. Con người vùng đất núi Hồng sông Lam vốn coi trọng văn chương nên dòng chảy văn hóa theo suốt đời người. Dân ca ví dặm nuôi cuộc đời của nhiều thế hệ nên câu ví dặm Giận mà thương thấm vào máu thịt hồn quê. Biết bao luồng gió trong đời sống âm nhạc đương đại “thổi” qua đây nhưng dân ca ví dặm vẫn có sức sống lâu bền nhất. Năm 2012, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh ra đời dựa trên cơ sở kiện toàn Đoàn ca múa kịch Hà Tĩnh thật sự thỏa mãn cơn khát nghệ thuật cổ truyền nơi đây. Ông Võ Kim Cự - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh ngoài nhiệm vụ sưu tầm, phục hồi và phát huy các trò diễn xướng dân gian, dân vũ, các làn điệu ca cổ còn có nhiệm vụ khảo sát, biên soạn phân loại hệ thống kho tàng dân ca xứ Nghệ các làn điệu cổ truyền trong dân gian.
Đây cũng là lối đi chung của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa sau 5 năm thành lập. NSƯT Lưu Kim Hùng, Trưởng đoàn nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Ngoài 2 đêm phục vụ du khách tại Quảng trường 2-4, anh em trong đoàn chúng tôi còn thường xuyên đi biểu diễn phục vụ bà con tại các trường học, bệnh viện, doanh trại quân đội bất kể mưa nắng trong nhiều năm nay”. Chính những chương trình nghệ thuật này đã ươm mầm và phát hiện tài năng cho lớp trẻ, điều quan trọng hơn là tìm cách bảo tồn vốn quý của dân tộc qua việc đưa các loại hình nghệ thuật đến với công chúng.
Bài, ảnh: Quang Phan
Dù còn khó khăn về kinh phí, hoạt động theo cơ chế tự thu, biên chế chưa ổn định, nhưng các nhà hát nghệ thuật truyền thống của nhiều địa phương vẫn tìm cách bươn chải trong cơ chế thị trường, đem đến người thưởng thức những sắc màu mới từ tinh hoa văn hóa quý báu mà ông cha ta để lại.