Thứ năm, 30/10/2014, 22h10

Sức sống từ Chuông vàng vọng cổ

Ba thí sinh đoạt giải cao nhất cuộc thi Chuông vàng vọng cổ năm 2014. Ảnh: A.K
Cuộc thi Chuông vàng vọng cổthu hút đông đảo thí sinh trẻ yêu ca hát ở mọi miền đất nước tham gia. Không chỉ thí sinh mà ngay cả các khán giả yêu đờn ca tài tử theo dõi cuộc thi đều là những bạn trẻ - đối tượng vốn được coi là “dị ứng” với các bộ môn nghệ thuật truyền thống, trong đó có cải lương. Đã đi qua 7 mùa thi nhưng Chuông vàng vọng cổ vẫn giữ được niềm tin yêu với khán giả, đặc biệt không hề có những “ồn ào” đáng tiếc để cho người xem ngán ngẩm quay lưng như một vài cuộc thi khác. Trong thời gian đó, những ai “mắc nợ” với cải lương đều mong đợi được xem chương trình. Đặc biệt qua mỗi phần thi của các thí sinh đến từ các khu vực, khán giả như được ngồi thưởng thức một bữa tiệc sân khấu đa sắc màu mà “món ngon” nào cũng hấp dẫn. Các tiết mục ca cổ, trích đoạn cải lương dù thí sinh hay các nghệ sĩ là khách mời biểu diễn luôn làm sống lại những tác phẩm sân khấu bất hủ mà các thế hệ đi trước để lại. Có thể kỹ thuật luyến láy còn vụng về, vũ đạo thô mộc, diễn xuất chưa ăn ý nhưng các tiết mục biểu diễn của mỗi thí sinh lại có những nét đáng yêu riêng. Những tràng vỗ tay khích lệ không ngớt trong trường quay thể hiện sự tôn trọng cao độ của khán giả. Giống như một dòng sông êm dịu chở những con thuyền lướt trên mặt nước, ban nhạc ca cổ hùng hậu của Đài Truyền hình đã góp phần chuyển tải rất ăn ý những bài bản vắn, trích đoạn cải lương mà các nghệ sĩ tương lai đang thi thố tài năng trước Ban giám khảo. Ở đây, khán giả bắt gặp “khúc trường ca” rộn rã của chiếc guitar phím lõm, nỗi buồn ai oán của âm thanh phát ra từ mấy dây đàn nhị lúc bịn rịn chia xa, giọng nỉ non của tiếng đàn bầu thánh thót trong đêm lạnh hay cả bản hợp xướng réo rắt của đàn thập lục qua 10 ngón tay điêu luyện của người nghệ sĩ. Cuộc sống giang hồ trên sông nước của người dân mở cõi đất phương Nam như ùa về và hiện ra trước mắt.
Thật tiếc nuối khi cuộc thi Chuông vàng vọng cổ năm 2014 kết thúc. Cảm ơn Đài Truyền hình TP.HCM đã sáng tạo đưa ra một sân chơi nghệ thuật bổ ích khích lệ tinh thần quốc hồn quốc túy và những tâm hồn đam mê nghệ thuật truyền thống dân tộc. Đáng ghi nhận hơn là sân chơi này còn giúp giới trẻ hôm nay biết quý trọng, giữ gìn và phát huy nghệ thuật truyền thống dân tộc độc đáo, thấm đẫm tâm hồn cốt cách người Việt từ trăm năm nay. Có thể coi Chuông vàng vọng cổlà ngọn gió mát lành thổi về từ cội nguồn dân tộc để những cánh buồm nghệ thuật căng sức sống, trong đó đờn ca tài tử Nam bộ được đánh giá như là một báu vật hiếm hoi của văn hóa và lịch sử, khi mà nhiều loại hình nghệ thuật khác đang “thống soái” nhằm tìm đường cản trở con đường hồi sinh của nghệ thuật âm nhạc truyền thống.
Ngọc Huyền (Đồng Tháp) 
 
Ngọt ngào ca dao dân ca Nam bộ
Trong kho tàng văn hóa dân tộc của quê hương, đất nước, những câu hát ca dao, dân ca Nam bộ đã mang đến cho chúng ta - người dân trên khắp mọi miền đất nước những giai điệu ngọt ngào, tình tứ nhưng cũng đầy nét phóng khoáng, cởi mở. Đắm mình trên không gian bao la của sông nước mênh mông.
Dân ca từ sông nước mà ra, mang hơi thở của cả một đời chài lưới, ghe xuồng, cầu tre, cầu ván. Ai nghe cũng thấy sao thân thuộc quá đỗi, sao mang tâm trạng của bao người con đất Việt, đâu chỉ miền Nam. Ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi/ Ví dầu mẹ chẳng có chi/ Chỉ con với mẹ chẳng khi nào mòn. Ẩn chứa trong ca dao dân ca Nam bộ là tâm trạng buồn bã khi phải xa nhà, sống lênh đênh trên sông nước, cô quạnh trong đêm đen. Người du hành giữa đất trời ấy cũng phải mang trong mình vô vàn nỗi lo, không biết gia đình, vợ con ở nhà ra sao, lo không biết mình buôn bán thế nào. Còn nỗi buồn nào hơn sự chia ly, mong nhớ?
Nhiều người xưa nay vẫn nghĩ ca dao dân ca Nam bộ chủ yếu mang tâm trạng buồn bã nhưng cũng có những giai điệu vui vẻ, đem lại nụ cười cho những mảnh đời lênh đênh, thi thoảng mới gặp gỡ một người con gái cũng đang chèo xuồng tới. Giữa trời đêm trăng thanh gió mát, chàng trai trên xuồng câu buông lời trêu ghẹo cô gái bán bông: Bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợi, Kẻo giông khói đèn bờ bụi tối tăm. Ca dao dân ca Nam bộ bao giờ cũng vậy, tưởng thế này mà lại thế kia, tưởng một nghĩa mà lại có hai nghĩa. Chàng trai ngoài mặt thì trêu chọc nhưng thực ra anh rất lo lắng cho cô gái chèo xuồng một mình ra chợ giữa trời nước bao la. Anh nhắn nhủ cô gái chèo mau lên anh sẽ đợi nhưng thực ra nếu cô chèo đi mất rồi thì anh cũng đâu được nhìn thấy cô nữa. Về phần cô gái, cô cũng cảm thấy ấm áp trong lòng vì cô hiểu được sự quan tâm của chàng trai mặc dù anh đang trêu cô.
Ca dao dân ca Nam bộ không chỉ tượng hình một vùng đất màu mỡ, thiên nhiên xinh đẹp hữu tình mà còn thể hiện tính cách con người Nam bộ hào hiệp, khoáng đạt, nặng nghĩa nặng tình. Những câu dân ca ấy thật dễ nghe, dễ nhớ, đến người miền khác cũng cảm được cái tình ấy để yêu quý người miền Nam. …hò ơi!... Nho nhỏ như ai, chớ còn nho nhỏ như em đây luôn chặt dạ bền lòng. Dẫu cho nước Đồng Nai có chảy cạn, đá Đồng Nai có bị mòn, thì thủy chung như nhứt, trước sau em vẫn giữ sắt son lời nguyền... ơ.
Xin mượn lời câu hò da diết này để bày tỏ cảm nhận về ca dao dân ca Nam bộ, cho dù nước chảy đá mòn thì ca dao dân ca Nam bộ vẫn là tài sản quý của Việt Nam, vẫn là kho tàng văn hóa vô giá của chúng ta. 
Đinh Thành Trung (Hà Nội)
 
Hồi âm
Cuộc thi “Tôi yêu đờn ca tài tử” đã nhận được bài dự thi của các tác giả: Nguyễn Đức (quận Thủ Đức, TP.HCM), Đinh Thành Trung (B4/261 Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà Nội), Đinh Việt Dũng (Bạc Liêu), Ngọc Huyền (Đồng Tháp), Hải Như (Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM), Lê Trâm (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM)… Ban tổ chức rất mong tiếp tục nhận được bài dự thi của bạn đọc gửi về: Ban Văn hóa Xã hội Báo Giáo dục TP.HCM (300 Điện Biên Phủ - phường 7 - quận 3 - TP.HCM) hoặc email: songminh1@yahoo.com. Thời gian nhận bài dự thi kéo dài đến ngày 10-11-2014. Lễ trao giải sẽ tổ chức vào dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Báo Giáo dục TP.HCM.
Ban VH-XH