Thứ ba, 13/4/2010, 09h04

Thơ Việt Nam tại Thụy Điển

 
Ông Styrbjorn Gustafsson và tuyển tập thơ - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Một tuyển tập thơ gồm 12 tác giả Việt Nam do ông Styrbjorn Gustafsson, Giám đốc NXB Tranan khởi xướng đã được chào đón nồng nhiệt tại Thụy Điển.

Văn học Việt Nam có tác phẩm hay để giới thiệu với thế giới hay không? Nếu có, phải giới thiệu như thế nào? Những câu hỏi này liên tục được đặt ra trong Hội nghị quốc tế quảng bá văn chương Việt Nam do Hội Nhà văn tổ chức đầu năm nay.

Người đưa ra câu trả lời dứt khoát và lạc quan nhất có lẽ là ông Styrbjorn Gustafsson, Thụy Điển: “Thụy Điển chỉ có 9 triệu dân. Đó là một thị trường sách khá bé nhỏ. Người dân Thụy Điển cũng giống như người dân ở nhiều quốc gia khác, thường thích đọc loại sách best-seller của Mỹ. Nhưng sách văn học Việt Nam vẫn được đón nhận khá rộng rãi và nồng nhiệt. Văn học Việt Nam thường xuyên là chủ đề của các cuộc hội thảo, được nhiều người quan tâm trong các hội chợ sách”. Và không chỉ phát biểu bằng lời, ông còn khẳng định bằng hành động. Hành động mới nhất của ông là tuyển tập 12 nhà thơ hiện đại Việt Nam với nhan đề Cho ngày hôm qua - Mười hai nhà thơ Vietnam. Được xuất bản chưa lâu nhưng tập thơ đã được chào đón nồng nhiệt trên những tờ báo lớn nhất của Thụy Điển.

Tuyển tập Cho ngày hôm qua giới thiệu 12 gương mặt thơ đương đại Việt Nam thuộc nhiều thế hệ khác nhau: Bằng Việt, Hoàng Hưng, Hữu Thỉnh, Ý Nhi, Nguyễn Duy, Mai Văn Phấn, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Lương Ngọc, Ngô Tự Lập, Nguyễn Bình Phương, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh. Sự ra mắt của tuyển tập là kết quả của sự hợp tác giữa NXB Tranan và Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, trong đó công lớn thuộc về các dịch giả và nhóm tuyển chọn - về phía Thụy Điển là Erik Bergqvist, Maja Thrane, Mimmi Diệu Hương Bergstrom và Tobias Theander; và về phía Việt Nam là Hoàng Hưng, Phạm Xuân Nguyên và Nguyễn Hoàng Diệu Thủy.

Helsingbogs Dagblad AB, tờ báo thuộc loại lớn nhất Thụy Điển, số ra ngày 20.3.2010, có bài Vở kịch bóng chói sáng của Ann Lingebrandt, trong đó tác giả so sánh việc dịch thơ với ý tưởng về kịch bóng trong hang của Platon và nhận xét: “Nếu đây là một vở kịch bóng thì hợp tuyển thơ này là vở kịch bóng sáng chói, phong phú và đầy màu sắc”. Ngay sau đó, Aftonbladet (báo Buổi chiều), một tờ báo lớn khác với khoảng 2,4 triệu độc giả hằng ngày, cũng đăng một bài điểm sách nhan đề Những chân trời rộng mở cho Vietnam trong số ra ngày 5.4. Athena Farokhzad, tác giả bài báo ngạc nhiên rằng: “Ở Việt Nam, mỗi năm hàng ngàn đầu sách thơ được xuất bản, con số thật chỉ có trong mơ của tôi”, và chia sẻ niềm vui của NXB Tranan vì “Hợp tuyển thơ nó mở rộng tầm mắt trữ tình cho chúng ta”.

Tuyển tập ra đời, người đóng vai trò rất lớn thuộc về ông Styrbjorn Gustafsson. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, ông Styrbjorn Gustafsson kể lại: “Tác phẩm văn học đầu tiên của Việt Nam mà tôi biết đến là Muối của rừng của Nguyễn Huy Thiệp, nhưng là bản tiếng Anh và tiếng Pháp”. Bị cuốn hút bởi văn phong của Nguyễn Huy Thiệp, ông quyết định đi tìm các cuốn sách hay khác của Việt Nam. NXB Tranan do ông lãnh đạo từng xuất bản nhiều tác phẩm văn chương Việt Nam như Muối của rừng - Nguyễn Huy Thiệp (2001); Tuyển tập truyện ngắn Mùa hạ nóng bỏng và Mưa tháng bảy - nhiều tác giả (2003); Giường đôi Xóm Chùa - Đoàn Lê (2006); Khi người ta trẻ - Phan Thị Vàng Anh (2006); Dế mèn phiêu lưu ký - Tô Hoài (2006); Trong sương hồng hiện ra - Hồ Anh Thái (2007); Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ - Nguyễn Ngọc Thuần (2007); Ngược dòng nước lũ - Ma Văn Kháng (2009); Cơn mưa cuối mùa - Lê Minh Khuê (2009).

Trở lại câu hỏi ở đầu bài, chúng tôi cho rằng văn học Việt Nam không thiếu tác phẩm hay. Vấn đề là chúng ta phải có cách làm chuyên nghiệp, công tâm, để đảm bảo chọn đúng tác phẩm hay, chọn đúng dịch giả giỏi, và chọn đúng người làm sách có con mắt xanh trong nghề xuất bản.

Quang Bổng (Theo TNO)