Thứ năm, 2/1/2014, 22h01

Tranh cãi tên gọi bảo vật quốc gia: Rồng hay Rắn?

 Có tới hai tên gọi của bảo vật quốc gia tại đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh (Bắc Ninh). Tên thứ nhất là "Rồng đá", tên thứ hai là "Xà thần".


Tượng rồng đá ở đền thờ Lê Văn Thịnh - Ảnh: Đỗ Nguyễn
Trong quyết định công nhận bảo vật quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 30.12, hiện vật số 15 có tới 2 tên gọi.

Cụ thể, bảo vật này được ghi: “Rồng đá (Xà thần), thời Lý, hiện ở tại đền thờ Lê Văn Thịnh, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh”.
Cách định danh bằng cả hai tên gọi này cho thấy việc xác định đây là Rắn hay là Rồng vẫn còn chưa thống nhất.
Bức tượng được tìm thấy trong khuôn viên từng là nhà riêng của Thái sư Lê Văn Thịnh, cũng là người đỗ trạng nguyên khoa thi đầu tiên của nhà Lý. Bản thân vị thái sư này cũng đã bị hàm oan trong vụ án “hóa hổ giết vua” thời vua Lý Nhân Tông. Ông bị nghi là đã hóa thành hổ nhằm giết vua mà không thành. Sau đó, Lê Văn Thịnh bị đi đày.
Chính vì thế, có một luồng quan điểm cho rằng nếu để mô tả nỗi hàm oan của một vị quan thì không thể dùng hình tượng rồng. Hình rồng vốn chỉ sử dụng cho nhà vua.
Bản thân PGS. TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cũng cho rằng đây là Rắn chứ không phải Rồng. Chính ông là người đã đề nghị Hội đồng khoa học thẩm định bảo vật quốc gia ghi tên đây là Xà thần.
“Tôi thấy về mặt tạo hình đây là Rắn chứ không phải Rồng thời Lý. Tuy nhiên, là Rắn thần”, ông Tín nói.
Mặc dù vậy, cũng có quan điểm cho rằng đây chính là Rồng.
PGS.TS Lê Đình Phụng, Trưởng phòng Khảo cổ học Lịch sử Viện Khảo cổ học Việt Nam chính là người có quan điểm đó.
Tranh luận về "lý lịch" bảo vật quốc gia
Việc có những quan điểm khác nhau quanh “lý lịch” của một bảo vật quốc gia cũng từng xảy ra. Trong đợt công nhận lần trước, cũng có hai quan điểm về nguồn gốc của chiếc lọ gốm có hình thiên nga.
Quan điểm của Bảo tàng lịch sử quốc gia - đơn vị sở hữu chiếc lọ - cho rằng đây là một chiếc bình gốm Chu Đậu.
Trong khi đó, TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh thành lại cho rằng đây là gốm từ lò quan (lò cung đình) của kinh thành Thăng Long.
theo TNO