Thứ năm, 31/7/2014, 09h07

Vinh danh Châu bản triều Nguyễn

Ngày 30-7, lễ đón nhận Bằng Di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn thuộc Chương trình “Ký ức thế giới” khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO đã diễn ra tại Hà Nội. Việc vinh danh Châu bản triều Nguyễn góp phần làm phong phú thêm kho di sản tư liệu ký ức của Việt Nam và của thế giới.

Tư liệu xác thực

Châu bản triều Nguyễn là các tài liệu hành chính hình thành trong hoạt động quản lý nhà nước của triều Nguyễn (1802-1945), bao gồm các văn bản do các Hoàng đế ban hành, văn bản do các cơ quan trong hệ thống chính quyền đệ trình lên Hoàng đế phê duyệt bằng mực son và một số văn kiện ngoại giao. Châu bản là các tài liệu gốc, duy nhất có bút tích phê duyệt của các Hoàng đế triều Nguyễn với các hình thức ngự phê phong phú và độc đáo như: Châu điểm, Châu phê, Châu khuyên, Châu mạt, Châu sổ…

Các đại biểu tham quan trưng bày Châu bản triều Nguyễn tại lễ đón bằng.

Ông Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cho biết, Châu bản là nguồn tài liệu vô cùng quý giá, có độ tin cậy cao, trong đó lưu bút tích phê duyệt của các Hoàng đế triều Nguyễn. Đây là khối tài liệu hành chính duy nhất còn lưu giữ được của một vương triều phong kiến ở Việt Nam. Châu bản chứa đựng nhiều thông tin phong phú, phản ánh toàn bộ lịch sử, đời sống kinh tế xã hội, con người ở Việt Nam thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20 cũng như mối quan hệ bang giao của triều Nguyễn với nhiều quốc gia trên thế giới. Châu bản không chỉ là di sản chứa đựng các sự kiện lịch sử có giá trị mà còn là minh chứng về chủ quyền biển đảo, luận chứng chắc chắn, cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Chia sẻ tự hào trong buổi lễ trao tặng bằng di sản, bà Katherine Muller Marin, đại diện UNESCO tại Việt Nam, nhấn mạnh: Châu bản triều Nguyễn là tư liệu lịch sử quý giá với Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Có thể khẳng định rằng, Châu bản triều Nguyễn là khối tài liệu hành chính duy nhất còn lưu giữ được của một vương triều phong kiến ở Việt Nam, có giá trị nổi bật về nội dung bởi những thông tin phong phú, phản ánh toàn bộ lịch sử, đời sống kinh tế xã hội, con người Việt Nam thời kỳ bấy giờ. Hơn thế nữa, Châu bản triều Nguyễn còn mang tính xác thực mạnh mẽ vì được ban hành và tiếp nhận, xử lý bởi chính các Hoàng đế triều Nguyễn.

Hiện tại, Châu bản triều Nguyễn được Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tu bổ, phục chế gần như nguyên trạng. Đơn vị này cũng đóng sách, tạo mục lục cho Châu bản để dễ tìm kiếm. Hiện cục đã tiến hành số hóa tư liệu này và phiên dịch, tóm tắt sang tiếng Việt và tiếng Anh nhằm tạo điều kiện cho độc giả, các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế dễ dàng tiếp cận.

Nỗi lo bảo tồn

Châu bản hay các loại hình tư liệu nói chung, luôn hàm chứa hai giá trị nổi bật, một là giá trị di sản, hai là giá trị tư liệu, thông tin hàm chứa trong đó. Châu bản là loại hình đặc biệt, nó là nguồn thông tin chứa đựng trên bản giấy, rất khó khăn bảo quản trong điều kiện của Việt Nam. Chia sẻ lo lắng này, Giám đốc trung tâm bảo tồn Cố đô Huế, TS Phan Thanh Hải nói: “Chúng tôi rất mừng vì châu bản vốn xuất phát từ Huế, sau nhiều lần lưu lạc đã được đưa về Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1- nơi chúng tôi đánh giá là có điều kiện tốt nhất để bảo tồn, phát huy giá trị. Tuy nhiên, di sản sau khi được công nhận đặt ra thách thức lớn bên cạnh niềm vui được vinh danh. Việc này có sự hỗ trợ lớn của công nghệ kỹ thuật của các nước tiên tiến, đặc biệt là Nhật Bản”.

Ông Hà Văn Huề, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 cũng cho rằng, công tác lưu trữ, bảo quản, bảo tồn, đặc biệt công việc kéo dài tuổi thọ tư liệu là bài toán khó với những người làm công tác lưu trữ. Khó khăn trước hết là do điều kiện bảo quản chưa thuận lợi, môi trường tác động tiêu cực khiến tài liệu bị mủn, giòn, gãy, phai mực, bết dính, côn trùng phá hoại nên công tác này phải thực hiện nhiều công đoạn khác nhau. Cũng theo ông Huề, hiện 5% tư liệu Châu bản đang trong tình trạng hư hỏng nặng, bị bết dính mà người làm lưu trữ vẫn chưa dám xử lý. Sắp tới, trung tâm sẽ cử các đoàn đi học hỏi, nghiên cứu công tác bảo quản tư liệu ở các nước tiên tiến để có thể áp dụng hợp lý nhất cho việc bảo vệ tư liệu quý này - ông Huề nhấn mạnh.

Về phía UNESCO, bà Katherine Muller Marin cũng đưa ra cam kết cùng tăng cường bảo quản và quảng bá, chia sẻ tư liệu này với thế giới. Cá nhân bà cũng sẵn sàng, tự nguyện tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn về Châu bản cũng như các cơ hội chia sẻ các tư liệu di sản đáng kinh ngạc của Việt Nam tới thế giới.

Có thể nói, việc ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu đồng nghĩa với việc Châu bản triều Nguyễn sẽ có nhiều điều kiện để phát huy tiềm năng vốn có của nó, nhất là trong công tác nghiên cứu lịch sử. Bởi lẽ, thông qua Chương trình “Ký ức thế giới” của UNESCO, các di sản sẽ có cơ hội để phát huy giá trị và ngày càng gần hơn với công chúng và xã hội. Đặc biệt, với giá trị về nội dung và giá trị về pháp lý, Châu bản triều Nguyễn là những tư liệu gốc quan trọng trong việc xác lập chủ quyền, cương giới và lãnh thổ Việt Nam, cũng như làm căn cứ pháp lý để chứng minh chủ quyền và giải quyết những vấn đề tranh chấp trên biển Đông hiện nay.

MAI AN (SGGP)