Thứ ba, 22/7/2014, 20h07

Làm phim như… “canh bạc”

Cảnh trong phim Bí mật lại bị mất
May nhờ rủi chịu như “canh bạc”. Đó là thực tế đã và đang tồn tại đối với dòng phim do tư nhân bỏ vốn đầu tư ở Việt Nam.
Sự phát triển của dòng phim tư nhân
Từ năm 2003, Nhà nước có chủ trương xã hội hóa điện ảnh, cho phép tư nhân thành lập hãng phim để đầu tư làm phim điện ảnh và truyền hình. Bộ phim Những cô gái chân dài ra mắt đầu năm 2004 đánh dấu sự hiện diện của hãng phim Thiên Ngân - một trong những hãng phim tư nhân đầu tiên tham gia thị trường phim chiếu rạp vào thời điểm đó. Tiếp theo là hãng phim Phước Sang với Khi đàn ông có bầu, Phim Việt (BHD) với Hồn Trương Ba - da hàng thịt, hãng phim Á Châu với Thập tự hoa, Việt Film với Bẫy tình… Đến năm 2006, Luật Điện ảnh Việt Nam ra đời và Nhà nước chủ trương xóa bỏ bao cấp, cổ phần hóa các hãng phim Nhà nước, từ đây các hãng phim tư nhân thừa thắng xông lên. Có thời điểm, cả nước có hơn 20 hãng phim tư nhân sản xuất phim điện ảnh chiếu rạp và gần 40 đơn vị tham gia sản xuất phim truyền hình dài tập.
Những bộ phim đạt doanh thu cao của điện ảnh Việt Nam trong hơn 10 năm trở lại đây đều là do phim tư nhân sản xuất. Việc khai mở các dòng phim từ hành động - võ thuật - dã sử như Dòng máu anh hùng, Thiên mệnh anh hùng, Bẫy rồng: Phim hài hành trình Tèo em; phim ca nhạc Những nụ hôn rực rỡ… lần đầu có mặt ở Việt Nam đều do hãng phim tư nhân khởi xướng, mang đến sự phong phú, đa dạng cho thị trường phim Việt. Cũng chính các nhà sản xuất phim tư nhân đã “khai mở” các mùa chiếu phim Tết, phim hè, các ngày lễ lớn của phim Việt.
Đạo diễn Vinh Sơn cho biết: “Tại các liên hoan phim quốc tế, Liên hoan phim Việt Nam, Cánh diều vàng… phim tư nhân đều có mặt và không ít phim tư nhân tạo được sự chú ý lớn của công chúng, đồng thời được giải thưởng như Áo lụa Hà Đông, Huyền thoại bất tử, Dòng máu anh hùng, Thiên mệnh anh hùng, Scandal - Bí mật thảm đỏ… Chỉ tính trong vòng 5 năm trở lại đây, tư nhân hầu như chiếm vị trí áp đảo trong số lượng đầu phim sản xuất mới hàng năm ở lĩnh vực điện ảnh, và cả truyền hình. Trong năm 2014, những dự án làm phim lớn, hứa hẹn gây tiếng vang về nghệ thuật hay đoạt doanh thu cao như Scandal - Hào quang trở lại, Hương ga… đều do tư nhân đầu tư và sản xuất”.
May nhờ rủi chịu!
So với các hãng phim Nhà nước thì từ việc sản xuất đến phát hành, phim tư nhân phải hoàn toàn tự lực cánh sinh. Vì vậy, việc đầu tư sản xuất phim của tư nhân là một hình thức kinh doanh thực thụ. Mỗi dự án phim thắng thua sẽ ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của hãng phim. Hiện nay, trung bình sản xuất một bộ phim tâm lý - hài cần khoảng 6-8 tỷ đồng, những thể loại phim khác có mức đầu tư cao hơn vài tỷ. Cá biệt, có phim như Dòng máu anh hùng kinh phí 1,3 triệu USD (khoảng 30 tỷ đồng thời giá năm 2006), Áo lụa Hà Đông khoảng 1 triệu USD...
Trừ một số hãng lớn vừa sản xuất phim vừa kinh doanh phim, rạp chiếu thì đa số tư nhân đều không có sẵn kinh phí để làm phim lâu dài. Trước Nguyễn Chánh Tín bị “mất nhà” thì đã có rất nhiều người phải cầm nhà, xe hơi, bán đất để có vốn làm phim. Như đạo diễn Lê Bảo Trung, Công ty Phim LBT làm phim Gia sư nữ quái hay cố đạo diễn Đỗ Quang Hải Âu làm phim Cuộc chiến với chằn tinh cũng phải thế chấp nhà để vay tiền ngân hàng. Đạo diễn Lý Huỳnh thực hiện phim Tây Sơn hào kiệt cũng đã gom hết tiền của các con và kêu gọi các bạn bè đóng góp. Bộ phim Đường đua là toàn bộ gia tài dành dụm được của vợ chồng diễn viên Hồng Ánh -  hãng phim Xanh. Đạo diễn Nguyễn Nhất Trung phải bán xe hơi, bán đất để làm phim Hoán đổi thân xác… Còn khá nhiều trường hợp khác phải vay mượn, cầm cố, chạy vạy đủ mọi nguồn để có kinh phí làm phim. Khi phim công chiếu, may mắn thu đủ vốn thì có người chuộc được nhà, xe và tiếp tục làm phim, còn người không may thì mất nhà, phá sản…
Trong hơn 10 năm qua, có một số phim tư nhân đoạt doanh thu cao như Những nụ hôn rực rỡ (2009) đạt 20 tỷ đồng, Long ruồi (2011) thu 42 tỷ đồng, Cưới ngay kẻo lỡ (2012) thu 34 tỷ đồng, Mỹ nhân kế (2013) thu 55 tỷ đồng, Nhà có 5 nàng tiên (2013) thu 60 tỷ đồng, Bí mật lại bị mất (2014) thu 15 tỷ đồng sau 20 ngày công chiếu, Quả tim máu (2014) đạt doanh thu gần 40 tỷ đồng sau 10 ngày công chiếu… Ngoài việc chia các rạp chiếu 50% doanh thu, các nhà làm phim còn rất nhiều khoản chi từ thuê máy móc, trả cát-sê, kịch bản, chi phí PR, quảng cáo… nên khoản lợi nhuận của mỗi dự án phim không hoàn toàn cao ngất ngưởng như thế.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHÚC - ĐAN KHANH
Mức độ thành - bại khá khốc liệt
Đạo diễn Lê Bảo Trung bật mí: “Trên thực tế, số phim đạt doanh thu cao như kể trên chỉ là số rất ít trong số phim trung bình 15-20 sản xuất ra hàng năm của các hãng phim tư nhân. Những phim còn lại thì một số có số phận long đong (chiếu ít rạp, chiếu trong mùa ít khán giả) và một số khác thì “bạc mệnh” ngay từ suất chiếu đầu tiên. Không công bố công khai nhưng việc biến mất một cách âm thầm của nhiều hãng phim tư nhân sau 1-2 dự án làm phim cho thấy, mức độ thành bại của “canh bạc” phim ảnh khốc liệt như thế nào!”.