Thứ năm, 29/1/2015, 22h01

Nhà thơ Trúc Chi: Chú dế đàn đã lìa đàn

Ảnh: I.T
Chiều qua, nhiều thế hệ học trò, bạn bè văn nghệ đã có mặt để tiễn đưa người thầy, người bạn, cây bút tài hoa Trúc Chi về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhà thơ Trúc Chi (hội viên Hội Nhà văn TP.HCM, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) tên thật là Nguyễn Trúc Chi, sinh năm 1933 tại xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, trút hơi thở cuối cùng lúc 1 giờ 9 phút ngày 28-1 sau một thời gian điều trị tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Thống Nhất.
Nhà thơ Trúc Chi là học viên khóa 3 trường viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau khi nhập ngũ (năm 1950), ông công tác ở Đoàn văn công Quân khu 5. Trước khi về giảng dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm TP.HCM, ông từng dạy văn học ở các trường học sinh miền Nam, Trường Phổ thông Công nghiệp ở Hải Phòng.
Nhà thơ Trúc Chi còn được biết đến là nhà văn, nhà phê bình văn học. Tác phẩm của ông không nhiều nhưng đều gây tiếng vang như: Cánh chim biển (1967); Dư âm sóng; Chú dế đàn (1980), Thành phố hoa mặt trời (1986), Miền sóng trắng tôi yêu (1987); Tiếng kêu cứu của con chim gõ kiến (ký sự); Huyền thoại biển, Dặm đường cát bụi, Điều kỳ lạ trong vườn chim; Cuộc đời như một cuốn tiểu thuyết; Ba mươi năm một nền thơ (tiểu luận phê bình)… với các bút danh Nguyễn Trúc, Hàn Anh Trúc, Trúc Chi… Bài thơ Trường Sa sau đêm bão tình ca của ông được nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc cũng đã góp phần nói lên tình yêu biển đảo trong ông.
Sáng tác của ông, từ thơ, truyện ngắn cho đến bút ký, phóng sự đều mang hơi thở của biển, của sóng nước như các tác phẩm đã kể trên. Ông đã từng chia sẻ về sự “chung thủy” với biển: “Viết về biển bao nhiêu vẫn còn thấy mình… mắc nợ. Tôi sinh ra từ làng biển. Mọi thứ khắc ghi trong ký ức tôi không thể thiếu rặng dừa xanh, bãi cát trắng, những cơn thủy triều lên, xuống… Và đặc biệt là những con người miền biển chân chất. Thời gian tôi dạy học ở Hải Phòng, cũng có nhiều kỷ niệm sâu sắc với biển”.
Sinh thời, lần gặp nào, lúc khỏe hay đau ốm, ông đều nhắc về miền quê biển nơi ông sinh ra. Này con sông Bình Bá. Này nuớc mắm Tiên Châu. Này một bà mẹ già lặn hụp bắt từng con sò, con hến đổi lấy lon gạo và mọi thứ mà ở đó có tuổi thơ ông, ngọt ngào lắm, thi vị lắm. Những câu chuyện ngày xửa, ngày xưa qua giọng nói nhẹ nhàng, truyền cảm rất sư phạm với người viết, một người đồng hương Tuy An thuộc lớp con cháu ông mà tình cờ gặp nhau tại tòa soạn Báo Giáo dục TP.HCM. Có lần tại căn hộ nhỏ trên đường Lương Nhữ Học (Q.5), nhà thơ bảo: “Bác không ưa gọi cháu bằng tên thật mà thích gọi bằng bút danh Trần Tuy An, bởi một lần gọi như một lần được về với quê hương”. Quãng ấy, ông đã lâm bệnh nhưng lúc nào cũng lạc quan, yêu đời, đối diện với thực tại một cách nhẹ nhàng như chính những vần thơ ông đã gieo vậy.
Thế là Chú dế đàn đã lìa đàn.
Trần Tuy An
 
Được tin nhà thơ Trúc Chi - cộng tác viên thường xuyên của Báo Giáo dục TP.HCM qua đời, Ban Biên tập và toàn thể CB-PV-NV Báo Giáo dục TP.HCM xin chân thành chia buồn cùng gia quyến! 
Báo Giáo dục TP.HCM