Thứ năm, 16/4/2015, 22h04

Nhạc sĩ và ca khúc đi cùng năm tháng: Bài cuối: Ân tình Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý (ảnh do nhân vật cung cấp)
Là người tiên phong trong sáng tác ca khúc mang phong cách âm nhạc dân gian, với những đề tài mới, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã có những ca khúc làm lay động lòng người bao thế hệ. 43 năm kể từ khi ra đời, tác phẩm Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa đã góp phần làm nên tên tuổi của ông.
Hy sinh thầm lặng
Trong ngôi nhà nhỏ tường treo đầy tranh ảnh, bằng khen, giấy khen, một thuở hào hùng, rực rỡ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý lại hiện về sống động. Ông say sưa kể từng bức hình, từng kỷ niệm gắn với những ca khúc mà ông tâm đắc. Ca khúc Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa được ông viết trong hoàn cảnh khói lửa ác liệt. “Năm 1973, Mỹ đánh phá miền Bắc rất dữ dội. Đúng vào thời điểm ấy, tôi về Hà Bắc (Bắc Giang ngày nay) để sáng tác. Lúc bấy giờ, Hà Bắc là chiến lũy thép của một mặt cửa ngõ Hà Nội về phía Bắc nên những trận địa pháo giăng đầy, các chiến sĩ phải ngày đêm chiến đấu. Đánh xong trận nào là khuôn mặt ai nấy cũng đều đen sạm, quần áo rách tả tơi. Vào một buổi tối, hình ảnh những bà mẹ đang ngồi khâu áo cho các chiến sĩ đã làm tôi lay động. Nghe nhiều người kể rằng những mẹ, những chị ở đây đã khâu được 2.500 tấm áo. Con số đó làm tôi vô cùng cảm động bởi các mẹ đã già, mắt đã mờ đi nhiều nhưng lại có thể vá áo dưới những ngọn đèn “Hoa Kỳ”. Máy bay trinh sát của địch không ngừng hoạt động nên những ngọn đèn đó chỉ được phép sáng như con đom đóm. Thời gian gấp rút, việc khâu vá cũng phải được thực hiện nhanh chóng để kịp đưa ra trận địa cho chiến sĩ. Tôi quan sát hình ảnh đó mà không thể diễn tả hết cảm xúc của mình. Trong số những người mẹ lặng lẽ đêm hôm ấy, tôi thấy một người có khuôn mặt rất giống mẹ tôi. Tôi sáng tác ca khúc Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa ngay bằng tất cả những cảm xúc chân thành nhất”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý kể lại.
Sau khi ra đời, bài hát đã gây được sự xúc động đặc biệt cho người nghe. Dựa trên chất liệu dân ca quan họ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã kết hợp thêm chất ngâm vịnh của điệu lới lơ tạo nên giai điệu rất đằm thắm và lời ca thì giản dị, chạm vào trái tim nhiều người. “Các con ra đi đã mấy chiến trường/Mang theo cả tình thương của mẹ…” - những câu đầu của bài hát vừa ngân lên đã nói lên tiếng lòng tha thiết của hàng triệu người con đang ra trận thời bấy giờ. Hình ảnh những người mẹ tiễn con lên đường, trên tay là những tấm áo mà mẹ đã gửi gắm cả tấm lòng mình qua từng đường kim, mũi chỉ chính là nguồn động viên để người lính thêm sức mạnh trên mọi nẻo đường của quê hương.
Không gian để soi rọi chính mình
Hòa bình, nhạc sĩ nguyễn Văn Tý tìm thấy tình yêu quê hương đất nước đậm sâu qua những chuyến đi. Đó cũng chính là chất liệu để ông sáng tác nên những tác phẩm nổi tiếng như: Người đi xây hồ Kẻ Gỗ (1976); Về Thuận Hải (1984); Hát về thành phố biển dầu (1984)…
Năm 2000, ông đã vinh dự được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật cao quý cho 6 tác phẩm của mình là: Mẹ yêu con; Vượt trùng dương; Bài ca năm tấn; Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa; Một khúc tâm tình người Hà TĩnhDáng đứng Bến Tre. “Những điệu hát văn, hát ả đào ngày bé tôi thường nghe đã đi vào lòng tôi tự lúc nào. Tôi được học nhạc lý cơ bản, đó là những bước đệm đầu tiên để tôi theo đuổi con đường sáng tác âm nhạc”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cho biết. Người nghệ sĩ sợ nhất là sự lãng quên của công chúng với những ca khúc của mình. Ông nói ông may mắn vì đến giờ, nhiều ca khúc của ông vẫn được nhiều ca sĩ thể hiện. Ở tuổi 90, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vẫn còn cháy bỏng với sự nghiệp sáng tác nhưng sau trận tai biến, sức khỏe của ông yếu đi nhiều, việc sáng tác trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
“Có lẽ người già thường hay sống với hoài niệm, với những tháng ngày tuổi trẻ tươi đẹp, hào hùng. Tôi cũng không ngoại lệ. Những ngày tháng đó giúp tôi soi rọi chính mình, cho tôi nguồn cảm hứng để sáng tác. Chứng bệnh tuổi già lúc nhớ lúc quên, tóc bạc trắng cả mái đầu nhưng có dịp được trò chuyện với ai, được ôn lại những kỷ niệm ngày đó là tôi lại thấy như mình được trẻ lại”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chậm rãi nói. Chúng tôi ngước mắt nhìn lên bức tường đã ngả màu, chiếc đàn tỳ bà cũ kỹ bám đầy bụi của thời gian bởi từ ngày bị tai biến, ông đã không còn sử dụng nữa. Ông nói: “Mấy nhạc cụ ngày trước tôi hay dùng để sáng tác bị bỏ quên mấy năm nay rồi. Không biết đến bao giờ mới có thể ôm đàn để ngân nga một ca khúc nào đó…”.
Yên Hà
“Bao năm trôi qua, hình ảnh những người mẹ Hà Bắc ấy vẫn còn in đậm trong tôi. Bước chân tôi đi qua bao vùng đất, ở nơi đâu tôi cũng gặp những người mẹ lặng lẽ, chăm sóc cho từng đứa con họ không mang nặng đẻ đau bằng tất cả tình yêu thương vô bờ bến của mình”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chia sẻ.