Thứ bảy, 13/9/2014, 14h09

Câu chuyện hòa hợp trong Hà Nội gió mùa

Không có gió mùa thổi suốt mà sao lòng người vẫn tái tê. Không có những chao chát, cục cằn mà sao vẫn chồng chất nỗi đau. 
Hà Nội gió mùa được phóng tác từ truyện ngắn Nhiệt đới gió mùa của Lê Minh Khuê - Ảnh: Đức Triết
Và không một lời cầu xin mà sao vẫn chất chứa sự tha thứ yêu thương. Vở cải lương Hà Nội gió mùa của Nhà hát Cải lương VN đã mang đến những cảm xúc như thế.
Ông Cơ ở phố Gia Long xưa (phố Bà Triệu, Hà Nội ngày nay) lập “phòng nhì”. Từ đó, bi kịch gia đình bắt đầu và đeo đẳng suốt cuộc đời những đứa con của ông khi chúng cùng đi qua cuộc chiến... Những người vợ, người mẹ là Hân và Việt chồng chất nỗi đớn đau “kiếp chồng chung”.
Những người con - như Hiếu, như Phong - sống trong thù hận khi tuổi thơ của họ bị va đập vào nỗi đau của mẹ. Bi kịch cứ thế xoáy tròn, xoáy sâu trên vùng binh lửa với cuộc chiến ở vĩ tuyến 17 và dần lộ ra “mắt bão” - làm thế nào để hòa hợp - không của riêng một gia đình.
Phải nói ngay rằng tuy lần đầu tiên “xuất hiện” trong tư cách một biên kịch, nhà lý luận phê bình Nguyễn Thị Minh Thái đã rất “tham” khi đặt trong kịch bản những nút thắt khó gỡ không chỉ trong cuộc chiến mà cả giữa thời bình.
Vì thế, có lẽ Hà Nội gió mùa sẽ rơi vào bi lụy và nhân vật sa vào thù hận và bế tắc - trên cái chất vốn bi ai của cải lương - nếu như đạo diễn không khéo léo “kéo” nhân vật của mình ra khỏi tấn bi kịch ấy bằng cách lý giải sự chuyển biến trong tâm lý nhân vật một cách logic.
Và sẽ là lệch lạc, rời rạc nếu như người cầm trò không đủ sức kết nối mạch chảy của câu chuyện trải quá dài về thời gian (trước năm 1954 cho đến thời bao cấp) khi đặt yêu cầu mỗi vai diễn phải diễn cho ra, cho tới sự phức tạp giữa tha thứ và hận thù, yêu thương và ghét bỏ trong con người...
Thế nhưng Hoàng Quỳnh Mai đã hóa giải được những điều đó khi chị biết cách mượn điện ảnh để tái hiện hiện thực, không tắt ánh đèn sân khấu mà vẫn chuyển cảnh để xuyên suốt được thời gian.
Đặc biệt, chị đã tìm ra sợi chỉ đỏ của vở là lòng bao dung, nhân ái, chấp nhận hi sinh của phụ nữ Việt, con người Việt để tạo nên những tia sáng lấp lánh. Từ đó, bà Việt, ông Cơ, Phong, Hiếu, Trúc... do các nghệ sĩ Bùi Thị Dung, Trọng Bình, Thanh Tuấn, Mạnh Hùng, Hồng Hà... vào vai có những mảng miếng thể hiện khá ấn tượng. Nhất là cô đào Hồng Hạnh hóa thân vào bà Hân thật ngọt...
Xem câu chữ của mình đang sống động trên sân khấu, tác giả Nguyễn Thị Minh Thái thổ lộ: “Khi vừa đọc xong truyện Nhiệt đới gió mùa của Lê Minh Khuê, tôi muốn nó cần có thêm một đời sống nữa là sân khấu nên liền đặt bút phóng tác theo.
Vì tôi thấy Nhiệt đới gió mùa không dừng lại ở truyện ngắn mà là một cuốn tiểu thuyết thu nhỏ, không chỉ có cái nhìn rất sát thực, rất công bằng về chiến tranh mà còn gợi mở bao điều về vấn đề hòa hợp dân tộc, dù rằng câu chuyện chỉ xoay quanh bi kịch của một gia đình trí thức Hà Nội.
Và hôm nay, tôi rất hài lòng khi đứa con tinh thần của mình đang được sống trên sân khấu của Nhà hát Cải lương VN với những nghệ sĩ tài năng, và đặc biệt là dưới bàn tay dàn dựng đầy quyến rũ trên phong cách lãng mạn của Hoàng Quỳnh Mai”.
Hà Nội gió mùa được Nhà hát Cải lương VN biểu diễn trong ba đêm từ 12 đến 14-9 tại rạp Hồng Hà, Hà Nội.
Theo TTO