Thứ hai, 21/4/2014, 09h04

Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Nhiều cảm xúc

Đã từng tham gia lễ kỷ niệm 40, 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, trong đợt kỷ niệm 60 năm lần này, NSND Lê Ngọc Cường lại tiếp tục giữ vai trò tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật “Điện Biên Phủ bản hùng ca bất diệt” dự kiến tổ chức vào tối 6-5 tại tỉnh Điện Biên. Với sự tham gia của 1.000 diễn viên, đây được coi là một trong những điểm nhấn của chuỗi hoạt động kỷ niệm đặc biệt này. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với NSND Lê Ngọc Cường.
* Phóng viên:
Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi vẻ vang là một chiến công lớn của dân tộc Việt Nam. Với thời lượng chương trình chỉ gói gọn trong vòng gần 2 giờ, ông sẽ kể câu chuyện về chiến thắng chấn động địa cầu này như thế nào?
* NSND LÊ NGỌC CƯỜNG: Chương trình là câu chuyện về một cuộc chiến song nó không phải được thực hiện theo kiểu minh họa lịch sử, mà ở đây thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, các nghệ sĩ sẽ thể hiện các sự kiện. Vì thế chương trình sẽ không khô cứng mà tràn ngập cảm xúc. Điện Biên Phủ bản hùng ca bất diệt được chia thành 2 phần. Phần 1 được thực hiện ở ngay trên trục đại lộ dẫn vào khu vực trung tâm của sân khấu. Ở đó, không khí chiến tranh sẽ được tái hiện trên từng góc phố để người tham dự sự kiện này có thể được dẫn dắt cùng tham gia vào một câu chuyện lớn của Điện Biên năm xưa.
Đêm nghệ thuật được chia thành các chương lớn: Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt, Ký ức Điện Biên - Ngời sáng tương lai và Điện Biên - Tình đất tình người. Nhằm tạo không khí hoành tráng, sử thi, khắc họa đậm nét cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc Việt Nam, chương trình sẽ kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật từ nghệ thuật sắp đặt đến video art cùng các phóng sự ngắn ghi nhận cảm xúc của các nghệ sĩ, các nhà nhiếp ảnh, nhà văn hóa, nhạc sĩ… đã từng tham gia chiến dịch, từng sáng tác về Điện Biên.
* Tính chất và quy mô hoành tráng như vậy chắc chắn đòi hỏi việc thiết kế sân khấu cũng phải cầu kỳ và công phu?
* Đúng vậy. Có thể nói với diện tích 30mx70m, đây là một sân khấu khổng lồ. Sân khấu được khai thác với các tầng lớp liên hoàn, tận dụng tối đa 3 chiều không gian phía trên, trước và dưới sân khấu. Theo thiết kế, sân khấu có hình dáng giống như đồi A1 nổi lên giữa lòng chảo Mường Thanh. Không chỉ phía gầm sân khấu sẽ được khai thác triệt để nhằm tái hiện các hoạt động đào giao thông hào cũng như bối cảnh đầu hàng của quân Pháp khi thua trận mà phần trên không cũng sẽ được khai thác triệt để. Sân khấu không bố trí cánh gà đơn thuần mà dựa vào bối cảnh núi đồi. Ánh sáng cũng được sắp xếp đầy dụng ý tạo ra những luồng sáng hắt ra từ đồi núi chứ không chỉ là dàn ánh sáng công nghiệp chiếu thẳng vào sân khấu như thường thấy. Chương trình hạn chế tối đa lời bình mà dùng chính hình tượng nghệ thuật.
Chương trình hướng tới việc tạo sự tương tác với khán giả khi tái hiện hình ảnh của những chiếc dù bay tiếp tế quân nhu của quân đội Pháp... Những người làm chương trình kỳ vọng công chúng đến với đêm nghệ thuật không phải chỉ là xem biểu diễn đơn thuần mà đến để cùng chứng kiến và chia sẻ sự kiện đặc biệt này.
* Màn tái hiện lại trận đánh có xuất hiện các nhân vật cụ thể?
* Cùng với hình tượng kéo pháo, gắn liền với chiến dịch Điện Biên Phủ, chương trình cũng tái hiện hình ảnh của các anh hùng Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện…; hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bộ chỉ huy chiến dịch...
* Với một lực lượng diễn viên lên tới hơn 1.000 người, chương trình có gặp khó khăn hay áp lực về thời gian?
* Phần lớn những phần chính yếu của kịch bản sẽ do diễn viên, nghệ sĩ của các đoàn nghệ thuật trung ương thực hiện và họ cũng đã bắt tay vào luyện tập. Bên cạnh đó, nghệ sĩ, diễn viên chuyên và không chuyên tại Điện Biên cũng được huy động để cùng tham dự vào sự kiện quan trọng này. Đến khoảng cuối tháng 4, chúng tôi sẽ tổ chức hợp luyện tại Điện Biên.
Theo SGGP