Thứ năm, 27/11/2014, 23h11

Điện ảnh Việt: Cần đề tài phản ánh hiện thực cuộc sống

Cảnh trong bộ phim Ma làng 2. Ảnh: L.D.L
Theo nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam, tổng dự toán cho phim đương đại chỉ bằng 1/3 hoặc 1/4 phim về đề tài lịch sử. Liệu đó có phải là nguyên nhân thiếu vắng tác phẩm điện ảnh chất lượng?
Những năm 80 của thế kỷ trước, điện ảnh Việt Nam có những chùm phim chạm đến những hiện tượng xã hội trong các phim tài liệu của NSND Trần Văn Thủy như: Chuyện tử tế, Hà Nội trong mắt ai. Hoặc đến nay vẫn còn mang đầy hơi thở cuộc sống trong phim truyện: Tướng về hưu, Trở về, Cô gái trên sông, Ngã ba Đồng Lộc, Về nơi gió cát...
Ngại khâu xét duyệt
Xa hơn nữa, điện ảnh Việt Nam có những bộ phim kinh điển, ca ngợi dân tộc anh hùng, con người kiên trung bất khuất, phản ánh cuộc đấu tranh kiên cường của nhân dân như Con chim vành khuyên (1962, giải đặc biệt LHP Karlovy Vary năm 1962, giải Bông sen vàng tại LHP Việt Nam lần 2, 1973); Chị Tư Hậu (1963, đạo diễn Phạm Kỳ Nam, chuyển thể kịch bản từ tác phẩm Một chuyện chép ở bệnh viện của nhà văn Bùi Đức Ái); Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972, đạo diễn Hải Ninh); Cánh đồng hoang (1979, đạo diễn Hồng Sến)...
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát thừa nhận, những mùa phim thành công như vậy đã thưa dần. Hiện chúng ta đổ xô vào dòng phim lịch sử, đề tài cách mạng. Đề tài này hay và đúng, có điều chúng ta không có tầm nhìn chiến lược để đi tắt đón đầu, toàn “ăn xổi ở thì”. Phim về thể loại này những năm gần đây được ưu ái sản xuất nhiều, tổng dự toán khá lớn nhưng chất lượng không đi đôi với nó.
Truyền hình cũng đã có những bộ phim được chú ý như: Bí thư tỉnh ủy, Ma làng... nhưng cũng chẳng đủ để phản ánh hiện thực xã hội. Một thực trạng buồn là các nhà làm phim tư nhân, đạo diễn Việt kiều muốn bảo tồn vốn nên chủ yếu làm phim thị trường. Hơn nữa, do vốn sống thực tế trong nước chưa nhiều, lại có cái nhìn không sáng sủa nên có những bộ phim sai lệch về nội dung tư tưởng, vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức lối sống như Bụi đời Chợ Lớn, Bẫy cấp 3...
Để có được những tác phẩm điện ảnh mang đầy hơi thở cuộc sống như cuối những năm 80 thế kỷ trước, nhà biên kịch Hồng Ngát chia sẻ, Nhà nước cần có cái nhìn thông thoáng hơn đối với văn học nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng. Chính sách hỗ trợ, khuyến khích, động viên văn nghệ sĩ viết và làm các tác phẩm nghệ thuật về đề tài đương đại, chống tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi về số lượng tác phẩm dàn dựng, sản xuất cũng như ngân sách cho đề tài chống tham nhũng, tiêu cực tương đương với đề tài lịch sử, chiến tranh.
Thiếu những “cặp bài trùng”
TS. Lê Thị Bích Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, gợi ý từ tác phẩm văn học, điện ảnh Việt Nam đã tạo nên dấu ấn những bộ phim đấu tranh chống hiện tượng tiêu cực trong xã hội, xây dựng con người có văn hóa. Những “cặp bài trùng” của văn học và điện ảnh với chức năng của nó đã góp phần mang đến sản phẩm văn hóa tinh thần cho đông đảo quần chúng nhân dân và nhất là đã góp công làm lành mạnh hóa môi trường xã hội. Đề cập tới cái ác, cái xấu khiến người xem rung cảm yêu thương hoặc căm ghét, khinh bỉ... chính là hiệu ứng xã hội lớn nhất từ tác phẩm văn học và điện ảnh cộng sinh mang tới.
Gợi ý từ tác phẩm văn học phản ánh sinh động các vấn đề chính trị, xã hội “gai góc” của cuộc sống, điện ảnh đã “bắt mạch” để hình thành nên thương hiệu cho dòng phim chính luận. Theo TS. Lê Thị Bích Hồng, để có được kịch bản hay, hấp dẫn phải khơi nguồn từ những tác phẩm văn học có chiều sâu, chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử với sự lao động sáng tạo của nhà văn tài năng. Những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng nghệ thuật mới có thể tạo nên hồn cốt cho phim vừa có chất, vừa có sức sống mãnh liệt qua thời gian và mới tác động nhanh, mạnh đến công chúng.
“Tài năng vẫn là sự quyết định để có tác phẩm hay. Nhà văn phải có vốn sống, tích lũy nguồn tư liệu có thật thì mới đủ sức thuyết phục công chúng. Ngoài tài năng, văn nghệ sĩ phải nâng tầm khái quát hóa những vấn đề mang tính điển hình của xã hội trên cơ sở những nguyên mẫu trong cuộc sống”, TS. Bích Hồng khẳng định.
Nói như nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát thì phải chấp nhận những cái nhìn khác lạ, khác biệt trong tác phẩm điện ảnh, miễn sao nó toát lên được tính nhân văn, làm xúc động lòng người.
Trần Anh
Hiện, mảng phim về hiện thực cuộc sống rất ít. Đề tài chống tham nhũng đưa ra, khuyến khích viết, dàn dựng nhưng ít ai dám lao vào. “Viết ngại đã đành, các khâu xét duyệt, nhất là ngân sách cũng không thể ưu ái như đề tài cách mạng, lịch sử”, nhà biên kịch Hồng Ngát nói.